
Unesco cho hay, một hệ thống cảnh báo sóng thần ở toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đã "hoàn tất và đang vận hành".
Unesco cho hay, một hệ thống cảnh báo sóng thần ở toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đã "hoàn tất và đang vận hành".
![]() |
Tháp cảnh báo sóng thần ở bãi biển Patong tỉnh Phuket, Thái Lan |
Theo tổ chức của Liên hợp quốc - UNESCO - phụ trách dự án thì, toàn bộ khu vực này hiện nay có thể nhận và phân phát những cảnh báo về khả năng sóng thần.
Hệ thống cảnh báo được lắp đặt trong khoảng 18 tháng sau khi thảm họa sóng thần xảy ra hồi tháng 12/2004 làm hơn 200.000 người thiệt mạng. Vùng Thái Bình Dương đã có một hệ thống cảnh báo sóng thần hoạt động chừng 40 năm. Hiện nay vùng Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và Caribbea cũng đang dự kiến xây dựng.
Công việc chưa kết thúc
Koichiro Matsuura, tổng giám đốc tổ chức văn hóa và khoa học của LHQ nhấn mạnh, các quốc gia liên quan nên "lấy làm tự hào vì những gì đã có và cần làm nhiều hơn nữa".
Trung tâm cảnh báo sóng thần ở 26 quốc gia đang nhận được những thông tin từ 25 trạm ghi địa chấn mới. Hệ thống cảnh báo có ba bộ cảm biến nằm sâu dưới đại dương để phát hiện và thông báo sóng thần.
Nhưng ông Matsuura vẫn cảnh báo công việc chưa kết thúc. Ông cho rằng, hệ thống cảnh báo sóng thần sẽ bị ảnh hưởng nếu thiếu sự hợp tác giữa các quốc gia khác nhau. "Trao đổi dữ liệu mở và miễn phí cũng như khả năng tương tác hoàn toàn giữa hệ thống của các nước là điều kiện quyết định đảm bảo việc vận hành thành công".
Theo ông Matsuura, thậm chí hệ thống cảnh báo thành công 100% thì cũng không phát huy được tác dụng nếu "mọi người không biết phản ứng thế nào trong tình hình khẩn cấp".
Hệ thống này hiện nay nằm dưới sự kiểm soát của Ủy ban Hải dương học đa quốc gia thuộc Unesco.
Một trận động đất mạnh xảy ra ở lòng đại dương ngày 26/12/2004 đã tạo ra những cột sóng khổng lồ "xé toạc" vùng biển của Indonesia, Sri Lanka, Thái Lan và Somalia. Khoảng 1,5 triệu người đã mất nhà cửa, công việc tái thiết mất ít nhất 5-10 năm nữa. (Theo BBC)