Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 4, 16/04/2025, 02:17 En

Cuộc chiến Thủ tướng Đức có thể dẫn tới bầu cử mới

05:09, 20/09/2005

Công cuộc lôi kéo các đảng nhỏ vào liên minh của hai đảng lớn là SPD và CDU xem chừng khó khăn, nhiều khả năng nước Đức sẽ phải bầu cử lại.

Công cuộc lôi kéo các đảng nhỏ vào liên minh của hai đảng lớn là SPD và CDU xem chừng khó khăn, nhiều khả năng nước Đức sẽ phải bầu cử lại.

Trong vòng vài tuần tới, Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) phải kéo được các đảng nhỏ về phía mình. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng họ sẽ lập được các liên minh bền vững. Thỏa thuận về thành lập liên minh phải được hoàn tất trước 18/10 - hạn chót để Quốc hội mới bầu tân Thủ tướng.

Lãnh đạo hai đảng chính SPD Gerhard Schroeder và CDU Angela Merkel
Trong trường hợp, các bên không thể đi tới thỏa thuận về một nhân vật hay liên minh nào, nước Đức sẽ phải tiến hành một cuộc bầu cử mới.

Hiện, lãnh đạo cả hai đảng đều đã bắt đầu đàm phán với các đảng nhỏ. Tuy nhiên, cơ hội trở thành Thủ tướng của bà Angela Merkel đã gặp trở ngại khi đảng Xanh tỏ ý không muốn gia nhập liên minh với đảng bảo thủ CDU của bà. Cùng thời điểm, dự đoán về việc Thủ tướng Gerhard Schroeder sẽ tiếp tục giữ chức tới năm sau ngày càng được nói đến nhiều.

Vừa qua, lãnh đạo CDU Merkel đã kêu gọi Thủ tướng Schroeder của SPD chấp nhận sự thật rằng họ không phải là đảng mạnh nhất trong Quốc hội mới của Đức và từ chối quyền thành lập chính phủ. Đề nghị này đã bị bác bỏ. Chủ tịch đảng cầm quyền SPD Franz Muntefering tuyên bố, ông Schroder sẽ vẫn giữ chức Thủ tướng và tiếp tục dẫn dắt các cuộc họp bàn thành lập liên minh.

Có một điều rõ ràng là người dân Đức không muốn bà Merkel trở thành Thủ tướng ông Franz nói. Vị lãnh đạo SPD còn cho biết thêm, do đảng Dân chủ tự do (FDP) đã bác bỏ khả năng liên minh với SPD nên CDU của bà Merkel có thể kết hợp với FDP và đảng Xanh.

Sáng kiến này ngay lập tức bị lãnh đạo đảng Xanh Joschka Fischer bác bỏ. Phát biểu tại sân bay Tempelhof, nhà lãnh đạo này khẳng định, liên minh trên sẽ không bao giờ tồn tại. Sẽ không có đa số nào dành cho một chính phủ bảo thủ mới ở Đức. Sự kết hợp giữa CDU và FDP chưa thể tạo nên đa số trong Quốc hội. Đây là dấu hiệu quan trọng mà chúng tôi tính tới trong các cuộc đối thoại.

Ông Joshka Fischer còn nói thêm: CDU và đảng Xanh không cùng quan điểm trong các vấn đề như năng lượng nguyên tử, thuế, chính sách xã hội và vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh châu Âu.

Trong tình hình hiện nay, việc bà Merkel nắm giữ được đa số ghế trong Quốc hội là việc làm khó và nữ lãnh đạo CDU này ít có khả năng chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu kín của các nghị sĩ. Theo Hiến pháp Đức, Quốc hội mới sẽ bầu Thủ tướng trong cuộc họp tháng tới.

Sau 3 vòng bỏ phiếu, Tổng thống Horst Koehler có thể mời bà Merkel thành lập một chính phủ thiểu số trung hữu. Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ không xảy ra và người nắm giữ vị trí cao nhất nước Đức sẽ ra quyết định giải tán chính phủ. Cho tới khi việc này xảy ra, ông Schroeder vẫn giữ chức Thủ tướng đến lúc người dân Đức tham gia bầu cử mới, có thể diễn ra vào tháng 1.

Theo kết quả kiểm phiếu chính thức do Ủy ban bầu cử Đức công bố sáng 19/9, không đảng nào hay liên minh nào giành được đa số phiếu cần thiết để thành lập chính phủ độc lập. Hiện, đảng Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) với người đứng đầu là bà Merkel giành được 35,2% số phiếu. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) do Thủ tướng Gerhard Schroeder lãnh đạo thu được 34,3% và đảng Xanh 8,1%, Dân chủ Tự do (FDP) 9,8%. (Theo VNN)

 

Tin xem nhiều