Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045

Yên Chi
09:00, 18/10/2024

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao (TDTT) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp; nâng cao thành tích, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm phát triển châu Á.

Giai đoạn 2030-2045, thể thao Việt Nam phải trong tốp 15 Asiad và tốp 50 Olympic.
Giai đoạn 2030-2045, thể thao Việt Nam phải trong tốp 15 Asiad và tốp 50 Olympic.

Chiến lược đặt mục tiêu thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, trong tốp 15 Á vận hội (Asiad) và tốp 50 tại Thế vận hội (Olympic).

Để đạt được mục tiêu này, chiến lược đề ra nhiệm vụ phải khẩn trương hoàn thiện việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên (VĐV), bảo đảm phù hợp với thế mạnh, điều kiện đất nước và bám sát xu thế của thế giới. Cần nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, khuyến khích, chăm sóc, đãi ngộ với từng nhóm môn, VĐV. Ưu tiên nguồn lực, đầu tư trọng điểm, chuyên sâu cho lực lượng VĐV có khả năng giành huy chương Asiad và Olympic.

Cụ thể, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch được giao triển khai việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu; chủ trì xây dựng chương trình phát triển môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và Asiad trình Thủ tướng ngay trong năm 2025.

Về cơ sở vật chất, hướng đến mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia hiện đại, đủ điều kiện đăng cai Asiad, trong đó ít nhất 50% các tỉnh, thành phố có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đạt tiêu chuẩn tổ chức thi đấu quốc tế. 100% cấp huyện có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định; 100% cấp xã và trường học phổ thông có công trình thể thao.

Đối với TDTT quần chúng, chiến lược đề ra nhiệm vụ mỗi người dân thường xuyên luyện tập ít nhất một môn thể thao phù hợp. Phát triển thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm, thể thao gắn với du lịch, lễ hội theo hướng đa dạng, độc đáo.

Với bóng đá, chiến lược đặt mục tiêu bóng đá nam vào tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup, bóng đá nữ trong tốp 6 châu Á và giành quyền tham dự “các kỳ” World Cup. Mục tiêu này cao hơn Nghị quyết Đại hội VFF khóa IX (nhiệm kỳ 2022-2026) đề ra là đội tuyển nam phấn đấu đến năm 2030 lọt vào tốp 10 châu Á và “cạnh tranh cơ hội” dự World Cup. Đã dừng bước ở vòng loại World Cup 2026, VFF vẫn tiếp tục bám sát và triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình đã đặt ra, trong đó có đề án phát triển nguồn lực tham gia World Cup 2030, Asian Games 2027, 2031 và Olympic 2028, 2032 đã vạch ra.

Theo Phó chủ tịch VFF Trần Anh Tú, tăng cường đào tạo trẻ kết hợp nguồn cầu thủ Việt kiều là 2 giải pháp để nâng chất đội tuyển. Về đào tạo trẻ, ngoài nâng cao quy mô và chất lượng hệ thống thi đấu trẻ, 3 vấn đề quan trọng cần cải thiện đó là các đội chuyên nghiệp hạng Nhất, V.League phải có đầy đủ các lứa từ U.9 đến U.21, cơ sở vật chất và chất lượng huấn luyện viên đào tạo trẻ.

Khẳng định những cầu thủ có một phần dòng máu Việt Nam là nguồn tài nguyên quý giá, nhưng lãnh đạo VFF cho rằng điều này phải đến từ 2 phía. Đó là bản thân cầu thủ Việt kiều có mong muốn về nước thi đấu hay không và chất lượng giải quốc nội có đủ sức hút với các tài năng đang chơi bóng ở các nền bóng đá phát triển hơn chúng ta?

Yên Chi

 

Tin xem nhiều