Trong giới thể thao, có người nói vui “tư lệnh” ngành nhiệm kỳ này “nặng vía” quá? Là tân Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (TDTT) đồng thời còn trực tiếp là trưởng đoàn, nhưng 2 kỳ ra trận lớn của ông Đặng Hà Việt, thể thao Việt Nam (TTVN) đều thất bại, tụt lùi.
Để giải bài toán thành tích, thể thao Việt Nam không chỉ phải đầu tư trọng điểm đơn thuần nữa mà phải là trọng điểm đột phá. |
Ngày 1-9-2020, ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng, nghỉ hưu theo chế độ, Tổng cục TDTT hơn 1 năm không có người đứng đầu (Tổng cục phó Trần Đức Phấn phụ trách). Ngày 6-5-2022, chỉ trước ngày khai mạc SEA Games 31 tại Việt Nam 1 tuần, PGS-TS Đặng Hà Việt, Hiệu trưởng Trường đại học TDTT Thành phố Hồ Chí Minh được điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT (từ tháng 7-2023 là Cục TDTT).
1 năm sau, cũng ngay trước thềm SEA Games 32, đến lượt ông Phấn nghỉ hưu, Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt kiêm luôn trưởng đoàn, trực tiếp dẫn quân ở Campuchia. Đây là điều chưa từng có tiền lệ khi trước đó tại các kỳ Đại hội, trưởng đoàn TTVN đều là cấp phó hoặc lãnh đạo Vụ Thể thao thành tích cao.
Thành công rực rỡ ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp (Hà Nội 2022 giành 205 HCV, bỏ xa đoàn thứ nhì Thái Lan…
113 HCV; Campuchia 2023 lần đầu tiên đứng đầu tại một kỳ SEA Games bên ngoài lãnh thổ), không thể nói là dấu ấn của người đứng đầu bởi ông Đặng Hà Việt chỉ mới nhận nhiệm vụ tròn 1 năm. Ngược lại, ở 2 kỳ Asiad và Olympic ngay sau đó mà ông Việt còn trực tiếp là “tư lệnh chiến trường”, TTVN rơi vào chu kỳ đi xuống. Tại Hàng Châu 2022, đoàn TTVN đứng đầu 2 kỳ SEA Games liền chỉ có 3 HCV, xếp thứ 6 Đông Nam Á; còn Paris 2024 vừa qua là kỳ Olympic thứ 2 liên tiếp TTVN trắng tay mà chưa thấy lối ra.
Sự sa sút càng được tô đậm khi so với người tiền nhiệm. Triều đại Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng (2010-2020) là giai đoạn thành công nhất của TTVN. Cùng với tấm HCV Olympic lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Rio de Janeiro 2016, tại Asiad Indonesia 2018 TTVN lần đầu tiên đoạt đến 5 HCV, 16 HCB, 19 HCĐ, đứng thứ 16/37 quốc gia có huy chương. Bóng đá, môn thể thao vua, đội tuyển VN và U.23 liên tiếp làm nên những kỳ tích nức lòng.
Tuy nhiên không có gì tự nhiên đến. Trước phát súng lịch sử của Hoàng Xuân Vinh, TTVN đã phải ngụp lặn trong thất bại cả một thập niên ở đấu trường Olympic, Asiad. Còn nhớ, khi ông Vương Bích Thắng ngồi “ghế nóng” áp lực của ngành thể thao hết sức nặng nề và ông đã có đến 10 năm để gieo trồng và may mắn có ngày chứng kiến gặt hái. Tuy nhiên di sản để lại là gì, người kế nhiệm thay vì tiếp quản, phát huy, bồi đắp thì phải làm lại từ đầu?
Trong hơn 40 năm, qua 10 kỳ Olympic, với hơn 150 VĐV “mang chuông đi đánh xứ người”, TTVN chỉ mới giành vỏn vẹn 5 huy chương Olympic, gồm 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Để phát hiện, đào tạo một VĐV đỉnh cao chu kỳ tối thiểu cũng phải 10 năm (bắt đầu từ 9, 10 tuổi), thậm chí mất gần 20 năm (xạ thủ Hoàng Xuân Vinh 20 tuổi mới làm quen với môn bắn súng, 18-19 năm sau mới vô địch châu Á, thế giới và mất 22 năm tập luyện, thi đấu, ở tuổi 42 mới có HCV, HCB Olympic). Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm và lãnh đạo không quá 2 nhiệm kỳ, trong khi hệ thống, quy trình đào tạo VĐV là liên tục, tiếp nối, gối đầu. Vậy phải chăng vì tư duy nhiệm kỳ, chỉ đầu tư những vụ mùa, “giống má” ngắn hạn, thu hoạch là xong, hoàn thành nhiệm vụ, còn mùa sau là chuyện của người khác, đã dẫn đến sự đứt gãy, khoảng trống hụt hẫng hiện tại.
Đúng, không thể trút hết trách nhiệm cho ngành thể thao nhưng những người làm TTVN trước hết phải chịu trách nhiệm. Olympic 2024 đã kết thúc hơn 1 tuần, người ta chỉ thấy lời xin lỗi duy nhất từ Paris của xạ thủ Thu Vinh từ phía VĐV, còn không ai cả. Dường như không ai phải chịu trách nhiệm, thay vào đó vẫn lại là “sẽ phấn đấu có huy chương”, “vượt lên chính mình”… Không hoàn thành Chiến lược Phát triển TTVN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và cho đến thời điểm này chiến lược đến đến năm 2020 đã kết thúc 4 năm mà Chiến lược đến đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vẫn chưa được trình Chính phủ; đây là lúc ngành thể thao cần nhìn thẳng vào
sự thật.
Minh Chung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin