Sau thất bại của thể thao Việt Nam (TTVN) ở Olympic Tokyo 2020 (cả về chỉ tiêu huy chương, suất tham dự và thành tích so với chính mình), Báo Đồng Nai từng có loạt bài 4 kỳ phân tích nguyên nhân, hạn chế, bài học và đề ra giải pháp. Tại Olympic Paris 2024, thực trạng vẫn là “điệp khúc” ấy, lập lại sẽ là thừa. Nhưng có 2 vấn đề nổi lên cần được xem xét thấu đáo.
Hình ảnh tiêu biểu cho thất bại của Thể thao Việt Nam ở 2 kỳ Olympic liên tiếp. |
Bài 1: Xã hội hóa từ đâu, ra sao?
Nguyên nhân thất bại đầu tiên của TTVN ở các sân chơi lớn ai cũng chỉ ra là “tiền đâu” để đầu tư cho thể thao đỉnh cao và ai cũng hiểu là không thể trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước có hạn (dù kinh phí Nhà nước chi cho thể thao thành tích cao năm 2023 là 710 tỷ đồng). Mọi người lại kêu gào: Phải đẩy mạnh xã hội hóa, doanh nghiệp chung tay. Đây là xu thế phát triển tất yếu của thể thao chuyên nghiệp nhưng với TTVN lại là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!
Theo tính toán, bắn súng - môn thể thao được đầu tư hàng đầu, mỗi năm cần 10-12 tỷ đồng (ngân sách hiện chỉ cấp 3,3 tỷ đồng). Tức chưa bằng phân nửa kinh phí hoạt động một năm của đội bóng đá hạng Nhất chỉ để trụ hạng như… Long An. Hay để “nuôi” kình ngư Joseph Schooling ăn, tập, thi đấu trong suốt 10 năm đến khi đoạt huy chương vàng Olympic, số tiền đầu tư của Chính phủ, các doanh nghiệp Singapore cùng với gia đình khoảng 2-3 triệu USD (50-75 tỷ đồng). Cũng chỉ bằng 1/2 so với một đội ở V.League tiêu tốn trong một mùa giải.
Tại sao CAHN và nhà tài trợ dám chi 27 tỷ đồng trong 3 năm (9 tỷ đồng/năm) cho cầu thủ Quang Hải (chưa tính lương, thưởng) mà không đầu tư vào Thu Vinh, Thùy Linh…; hay các môn bắn cung, cử tạ… vốn cao nhất cũng chỉ 2-3 tỷ đồng/năm, để hướng đến huy chương châu lục, thế giới. Tất nhiên, bóng đá là môn thể thao vua, có sức lan tỏa, hàm lượng giải trí cao, quảng bá hình ảnh nhanh chóng (chưa kể những quyền lợi gián tiếp phía sau) nên thu hút tài trợ. Nhưng ngành thể thao và liên đoàn các bộ môn không thể cứ ngồi đó than khó và liên tục kêu gào “cần các nguồn lực xã hội chung tay”, mà phải xắn tay áo thuyết phục, có cách làm thu hút doanh nghiệp.
“Đồng tiền đi liền khúc ruột”, các doanh nghiệp phải thấy được hiệu quả và cả những quyền lợi được hưởng, quảng bá thương hiệu ra sao nếu tài trợ, đầu tư đường dài (có thể lên đến 10 năm) vào một vận động viên có tiềm năng đoạt huy chương Olympic, Asiad. Điều này đòi hỏi các liên đoàn cần hoạch định chiến lược, kiến tạo nền tảng, phương thức hợp tác, thay vì xin - cho như đi xin quảng cáo. Đội ngũ nhân sự phải được đào tạo bài bản về marketing, truyền thông, xây dựng hình ảnh vận động viên, thương hiệu bộ môn…
Nếu bản thân những người làm thể thao năng động, có sự kêu gọi, ủng hộ từ Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể huy động tối đa nguồn lực xã hội cho chiến lược “vươn tầm châu Á, tấn công Olympic” vốn đã được hồ hởi hô lên từ hơn 20 năm trước, sau kỳ SEA Games đại thắng trên sân nhà 2003 mà đến nay vẫn chỉ là khẩu hiệu. Chỉ cần 10 tập đoàn của 10 người giàu nhất Việt Nam (có tổng tài sản được Forbes ước tính trị giá hiện tại 57,74 tỷ USD), mỗi đơn vị đầu tư toàn diện, chăm bẵm tối đa cho chỉ 2 tài năng thôi (sẽ có đào thải), TTVN sẽ không khó để có thêm một Hoàng Xuân Vinh hay 2 huy chương vàng thể dục dụng cụ Carlos Yulo của Philippines ở Olympic 2024 vừa qua. Bằng ngược lại, trách nhiệm thuộc về ngành thể thao.
Ở đây lại phải mở ngoặc đặt câu hỏi, nếu vẫn trông chờ vào nguồn ngân sách hạn hẹp hiện tại, thay vì dàn trải, ngành thể thao tập trung đầu tư cho 1-2 vận động viên, nội dung thôi thì có huy chương Olympic không? Hay lại bào chữa mình tiến thì người cũng tiến!
Minh Chung
Bài 2: Có chăng tư duy nhiệm kỳ?
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin