Báo Đồng Nai điện tử
En

Olympic: Từ kinh đô ánh sáng đến kinh đô điện ảnh

Yên Chi
09:00, 16/08/2024

Cờ Olympic đã được Paris - thủ đô nước Pháp, chuyển giao cho Los Angeles - thành phố lớn thứ nhì của Hoa Kỳ. Dẫu có không ít sai sót, tranh cãi, nhưng sau tròn 100 năm trở lại Paris, hơn nửa tháng tranh tài của Olympic 2024 để lại nhiều ấn tượng khó phai.

Los Angeles 2028 sẽ là “bom tấn” Hollywood?
Los Angeles 2028 sẽ là “bom tấn” Hollywood?

Cuộc đua khít khao Mỹ - Trung

Tại Tokyo 2020, Mỹ chỉ hơn Trung Quốc 1 huy chương vàng (HCV, 39 so với 38) đúng vào ngày thi đấu cuối cùng để bảo vệ ngôi nhất toàn đoàn. Lần này, cuộc đua còn kịch tính hơn. Trong nội dung thi đấu cuối cùng, đội tuyển bóng rổ nữ Mỹ thắng sát nút Pháp 67-66, lần thứ 10 giành HCV bóng rổ nữ Olympic, đồng thời “san hòa” 40 HCV với Trung Quốc, qua đó đứng trên nhờ hơn về huy chương bạc (HCB, 44/27). Không tính Bắc Kinh 2008, đây là kỳ Olympic đầu tiên bên ngoài Trung Quốc, đất nước tỷ dân giành nhiều HCV nhất. Nhưng Mỹ vẫn khẳng định vị thế là cường quốc thể thao số 1 thế giới khi giành nhiều huy chương nhất với 126 lần bước lên bục.

Những vận động viên ưu tú nhất

Paris 2024 ghi nhận 17 kỷ lục thế giới và Olympic bị phá vỡ (xe đạp 5, bơi lội 4, điền kinh 3, cử tạ 2, leo núi thể thao 2 và bắn cung), ít nhất trong 5 kỳ Olympic diễn ra ở thế kỷ XXI. Tuy nhiên, có rất nhiều gương mặt ưu tú, kỳ tích.

Kình ngư người Pháp Léon Marchand - người gom lửa tại Lễ bế mạc, là nam vận động viên (VĐV) xuất sắc nhất khi giành đến 4 HCV. Về phía nữ là VĐV 17 tuổi Summer McIntosh (Canada), Torri Huske (Mỹ): cùng 3 HCV, 2 HCB. Cũng trên đường đua xanh, với HCV 800m, 1.500m tự do và HCB tiếp sức 4x200m tự do, Katie Ledecky (Mỹ) trở thành nữ VĐV sở hữu nhiều huy chương nhất lịch sử Olympic với 14 tấm các loại (trong đó có 9 HCV ở 4 kỳ Olympic liên tiếp trong 14 năm qua).

Đô vật Cuba 41 tuổi Mijain Lopez đi vào lịch sử khi là VĐV đầu tiên giành HCV ở 5 kỳ Olympic liên tiếp ở cùng một nội dung, vượt qua huyền thoại bơi lội Michael Phelps với 4 lần giành HCV ở 4 kỳ Olympic.

Ở môn điền kinh, nội dung 100m nam luôn là cự ly danh giá nhất. Ở đợt thi chung kết, cả 10 VĐV đều về đích dưới 10 giây, điều chưa từng có tiền lệ, máy tính phải vào cuộc mới xác định được chiến thắng thuộc về VĐV Noah Lyles (Mỹ) nhờ hơn Thompson (Jamaica)… 0,005s (5 phần ngàn giây).

Cũng ở môn điền kinh, Sifan Hassan (Hà Lan) đi vào lịch sử với tư cách VĐV đầu tiên trong 72 năm qua, giành huy chương ở 3 nội dung chạy bền khắc nghiệt nhất 5.000m, 10.000m và marathon tại một kỳ Olympic. Ở 3.000m vượt chướng ngại vật, sau 88 năm mới có thêm một VĐV bảo vệ thành công HCV 2 kỳ liên tiếp (El Bakkali, Morocco).

Chiến thắng của tay vợt 37 tuổi Novak Djokovic cũng là kỳ tích lịch sử khi giúp anh hoàn thành Career Golden Slam, giành cả 4 danh hiệu Grand Slam lẫn tấm HCV Olympic trong môn quần vợt.

Dấu ấn và tranh cãi

Nhờ tấm HCV chạy 100m nữ của cô gái 23 tuổi Julien Alfred, thế giới mới “phát hiện” có một quốc gia mang tên Saint Lucia khi chứng kiến Julien đánh bại nhà vô địch thế giới Richardson (Mỹ) trên sân vận động  Stade de France có 69 ngàn khán giả. Chỉ là một quốc đảo trong lòng Đại Tây Dương, Saint Lucia có diện tích 617km2 (chỉ lớn hơn đôi chút so với đảo Phú Quốc), dân số khoảng 180 ngàn người.

Dù chỉ giành huy chương đồng (HCĐ) hạng cân 75kg nữ nhưng võ sĩ gốc Cameroon Cindy Ngamba đã ghi mốc son với tấm huy chương lịch sử đầu tiên của đoàn thể thao người tị nạn.

Và không thể không nhắc đến tranh cãi vẫn chưa có hồi kết về 2 nữ võ sĩ quyền anh giành HCV hạng cân 57kg và 66kg nữ: Lin Yu-ting (Đài Loan, HCV 57kg nữ) và Imane Khelif (Algeria, HCV 66kg nữ) bị nghi là đàn ông.

Chia tay kinh đô ánh sáng, những ý tưởng sáng tạo, độc đáo của Paris 2024 sẽ là thách thức lớn với Los Angeles 2028 khi đây là kinh đô điện ảnh thế giới mà lá cờ Olympic đã được tài tử Tom Cruise đón nhận đúng kiểu “Mission: Impossible”, đậm chất Hollywood.

Yên Chi

Từ khóa:

Olympic 2024

Tin xem nhiều