Báo Đồng Nai điện tử
En

Bộ trưởng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề 'nóng' của ngành thể thao

Trường Xuyên
08:00, 07/06/2024

Những vấn đề “nóng” liên quan đến lĩnh vực thể thao đã được đặt ra tại diễn đàn Quốc hội trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, phát biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng về lĩnh vực thể thao.

Trước câu hỏi về tương lai của vận động viên (VĐV) sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận còn nhiều khó khăn. Theo ông, giải pháp lâu dài là tiếp tục đổi mới cách tiếp cận để giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau. Bộ đang đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới để VĐV yên tâm thi đấu, bao gồm: tiền lương, phụ cấp đặc thù, nhà ở và đào tạo nghề sau thi đấu.

Một vấn đề “nóng” là Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Đại biểu Lê Hoàng Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Gia Lai, nêu: “Sau 5 năm Thanh tra Chính phủ có kết luận tại đây, khó khăn không những không khắc phục được mà đến nay còn thêm chồng chất. Đến nay, cơ quan điều tra chưa công bố kết quả xác minh dấu hiệu tội phạm. Khu liên hợp không phát huy được hết hiệu quả về đất đai, tài sản, nơi tập luyện của VĐV thì gặp nhiều bất cập.

Đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, chất vấn: “Hiện nay, nợ thuế của khu liên hợp lên đến gần 1 ngàn tỷ đồng, sắp tới thi hành bản án 12 tỷ đồng nữa thì giải pháp xử lý ra sao?”.

“Cử tri phản ánh các đề án khai thác khu liên hợp được xây dựng nhưng “ngâm” lâu không thấy phê duyệt, phải chăng có chuyện sợ sai, sợ trách nhiệm” - ông Long nói.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Chúng tôi đã nỗ lực, tập trung rà soát xử lý, khắc phục theo kiến nghị của thanh tra. Có việc đã làm xong, có việc đang làm. Bộ đang cho rà soát quy hoạch, xử lý các vấn đề về đất đai, tồn đọng. Đồng thời, xây dựng các đề án cụ thể nhằm sử dụng hiệu quả, khi đề án được cho phép mới có thể giải quyết căn cơ vấn đề”.

Bộ trưởng nói, Luật Đất đai năm 2024 vừa được thông qua nhưng vẫn đang chờ nghị định hướng dẫn để thi hành; vì thế, đất thể thao có được mang ra liên danh, liên kết hay không thì phải tính toán, phải chờ.

“Tới đây, Phó thủ tướng sẽ có cuộc họp để nghe lại tổng thể, bắt đầu tháo gỡ vướng mắc cho dự án, để có phương án khai thác, phát huy hiệu quả, tránh lãng phí” - ông Hùng cho biết.

Đại biểu Nguyễn Công Long cũng đề cập đến việc đường đua F1 được xây dựng rất hoành tráng và hiện đại nhưng hiện bỏ không, vậy giải pháp khai thác như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giải thích, đường đua F1 Mỹ Đình do UBND Thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, nên để biết chính thức đường đua có được đưa vào hoạt động hay không, nhờ Hà Nội giúp trả lời.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yêu cầu lãnh đạo Hà Nội có văn bản trả lời đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nêu lại 2 sự việc tai tiếng của ngành thể thao thời gian qua. Đó là các VĐV đội tuyển bóng bàn trẻ kêu đói, khẩu phần ăn không đủ vì tiền ăn bị cắt giảm; đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia phải nộp 10% tiền thưởng huy chương cho huấn luyện viên và cả tiền thưởng nóng, với mức thu lên tới 50%.

“Chúng tôi đã kiên quyết xử lý, không có chuyện bao che hay dung túng”, nhưng cũng “chia sẻ thật” với Quốc hội là hơi chậm” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Theo ông Hùng, “Quỹ này (của đội tuyển thể dục dụng cụ) mục đích ban đầu là tốt đẹp, để lo ma chay, ốm đau, hiếu hỉ. Nếu trên tinh thần tự nguyện tự quản và minh bạch thì không có tiêu cực. Nhưng đã bị lạm dụng và đưa cho huấn luyện viên nên có tiêu cực”.

Bộ trưởng khẳng định sau vụ việc trên đã cho rà soát lại và ban hành quy định về quản lý đội tuyển.

“Lâu nay, chúng ta kiểm tra chất lượng đào tạo nhưng ít kiểm tra chế độ chính sách. Phải công khai minh bạch cho VĐV chế độ tiền ăn, tiền thưởng. Nghiêm cấm việc lập quỹ dù có mục đích tốt đẹp” - ông Hùng nói.

Trường Xuyên

Tin xem nhiều