Việc huấn luyện viên (HLV) Kiatisak bất ngờ tuyên bố chia tay đội CAHN như “sấm giữa trời quang” khi ông và đội bóng vừa có chiến thắng thuyết phục để trở lại ngôi nhì, tiếp tục cuộc đua bảo vê danh hiệu vô địch.
Huấn luyện viên Kiatisak nói lời chia tay CAHN chỉ sau 4 tháng gắn bó. Ảnh: TTXVN |
Một số thành viên của CAHN còn không tin, nhưng với người viết, điều này không sớm thì muộn.
Từ chức hay bị sa thải?
Chẳng ai tin lý do từ chức mà HLV Kiatisak nêu ra: “Vì vấn đề cá nhân của gia đình”, bởi V.League chỉ còn 8 vòng và hợp đồng với CAHN cũng chỉ còn 1,5 tháng nữa là kết thúc. Việc đồn thổi ông trở về Thái Lan nắm đội U.22 tham dự SEA Games 33 trên sân nhà lại càng vô lý khi đến tận cuối năm 2025 giải mới diễn ra.
Thông thường, một HLV ra đi khi bị sa thải, tự nguyện ra đi vì thấy không thoải mái, không có thực quyền, hoặc vì bị sức ép buộc phải từ chức để tránh tiếng bị cách chức. Với HLV Kiatisak, có lẽ là trường hợp thứ 4, ông thực sự chủ động muốn chia tay (thông báo trên Facebook của mình trước) và CAHN cũng… chỉ chờ có thế. Đôi bên đều muốn có cuộc giải thoát.
Trong 4 tháng ra thủ đô cầm quân từ vòng 9 V.League, sau 10 vòng đấu, Kiatisak đã đưa CAHN từ hạng 5 lên hạng nhì với 6 chiến thắng, 1 hòa và 3 thua. Một kết quả hơn hẳn 8 vòng trước đó (3 thắng, 3 hòa, 2 thua). Nhưng vết rạn bắt đầu xuất hiện sau 2 thất bại liên tiếp chỉ trong 4 ngày của CAHN trong trận “derby” với Thể Công-Viettel ở vòng cuối lượt đi V.League và vòng 1/8 Cúp QG. Tiếp đó là thất bại 2-3 trước đội đầu bảng Nam Định, và trận thu Quảng Nam là giọt nước tràn ly.
HLV nào trụ được ở CAHN?
Ngay khi HLV Kiatisak xách valy rời HAGL ra thủ đô, người viết đã cảm nhận ông sẽ không tồn tại được lâu. Bởi HAGL và CAHN là 2 môi trường văn hóa - bóng đá khác nhau. Ở HAGL, Kiatisak là thần tượng, “bầu” Đức từng cho biết ông mời Kiatisak trở lại vì “chiều lòng tụi nhỏ”, các cầu thủ muốn có HLV Kiatisak. Phố núi cũng là nơi cựu danh thủ Thái Lan thông thuộc từng con dốc “đi dăm phút trở về chốn cũ”, nơi ông có thể gãy đàn, ngân nga Đôi mắt người Pleiku cùng các trợ lý, học trò và phù hợp với bản tính hiền hòa, sống nội tâm, ân tình của ông.
CAHN hoàn toàn khác. Dù mang cái tên truyền thống nhưng đây vẫn là đội bóng “nhà giàu mới nổi”, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, tập hợp những ngôi sao chục tỷ. Có là “Zico Thái” đi nữa thì với họ cũng chỉ là kẻ làm thuê.
Quả thực, sau 4 tháng, HLV Kiatisak vẫn chưa để lại dấu ấn lên lối chơi của CAHN, nhưng có thể do các cầu thủ là những cái tôi ngôi sao quá lớn, chỉ muốn đá theo ý thích của mình. Sau trận thắng SLNA, Hồ Tấn Tài (bị HLV Kiatisak tước băng đội trưởng trao cho Quang Hải) đã phản ứng, chất vấn HLV ngay trên sân về việc thay người. Mới nhất, ở trận cuối cùng dẫn dắt CAHN thắng Khánh Hòa 3-1, dù mất Vũ Văn Thanh, Kiatisak đã không dùng Tấn Tài một phút nào, cho thấy sự rạn nứt.
Nhưng ở CAHN còn một “nhân tố X” với cái bóng phủ trùm lên tất cả. Người tiền nhiệm của Kiatisak (thậm chí chỉ “thọ” sau một tháng với 5 trận đấu), HLV Gong Oh-kyun sau khi trở về Hàn Quốc đã tiết lộ: “Bất chấp vai trò HLV trưởng, Giám đốc kỹ thuật của CAHN chọn những cầu thủ cụ thể và gây áp lực, gần như là ép buộc phải cho họ thi đấu… Với tư cách HLV trưởng, tôi không những cảm thấy bất lực mà còn đau lòng…”.
Và ông Trần Tiến Đại lại làm HLV tạm quyền (lần thứ 3) trong 2 trận tới. Có tin CAHN nối lại đàm phán với HLV Polking và đây sẽ là HLV ngoại thứ 5 của CAHN trong chưa đến 2 mùa chơi V.League. Điềm đạm, đắc nhân tâm như Kiatisak còn phải sớm ra đi, với nội tình và văn hóa của đội bóng này, có lẽ đến Pep Guardiola hay Jurgen Klopp cũng không trụ nổi.
Minh Chung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin