Ngày mai 16-11, bóng đá châu Á sẽ bước vào cuộc chạy đua tìm vé đến World Cup 2026 diễn ra tại 3 quốc gia Bắc Mỹ: Canada, Mexico và Mỹ.
Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho trận ra quân tại Philippines |
Đặc biệt, với việc mở rộng số đội tham dự vòng chung kết (VCK) từ 32 lên 48 đội tuyển (ĐT), trong đó châu Á tăng từ 5,5 lên 8,5 đại diện (8 suất chính thức và 1 suất play-off), cuộc đua vòng loại khu vực trở nên hào hứng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hành trình đến World Cup 2026 không dễ dàng chút nào, ngắn nhất cũng trải qua 2 vòng đấu loại với 16 trận đấu, còn dài nhất là phải vượt qua 6 “ải”, bao gồm cả trận play-off liên lục địa.
Cụ thể, sẽ có 5 vòng loại. Sau vòng loại thứ nhất đấu loại trực tiếp đã xác định được 10 ĐT vào vòng 2 cùng với tốp 26 ĐT châu Á theo bảng xếp hạng FIFA tháng 7-2023 được vào thẳng, trong đó có Việt Nam. Cuộc chiến giờ mới thực sự bắt đầu với sự hiện diện của đầy đủ anh hào và đây cũng là vòng loại Asian Cup 2027. 36 ĐT được chia vào 9 bảng, thi đấu vòng tròn 2 lượt sân nhà - sân khách, bắt đầu từ ngày 16-11-2023 đến tận ngày 11-6-2024. Hai đội nhất, nhì mỗi bảng (18 đội) giành quyền đi tiếp cùng vé trực tiếp dự VCK Asian Cup 2027.
Ở vòng loại thứ 3, 18 đội chia thành 3 bảng cũng thi đấu vòng tròn 2 lượt sân nhà - sân khách. 2 đội đứng nhất, nhì mỗi bảng (6 đội) đoạt vé dự VCK World Cup 2026. 3 đội xếp thứ 3 và 3 đội thứ 4 vẫn còn cơ hội ở vòng 4, vòng play-off châu lục.
Ở vòng này, 6 đội lại chia thành 2 bảng, nhưng thi đấu tập trung tại một địa điểm và chỉ đá vòng tròn 1 lượt. 2 đội đứng nhất 2 bảng giành vé thứ 7 và 8 của châu Á dự World Cup 2026. “Nửa” tấm vé còn lại sẽ được quyết định ở vòng loại thứ 5 trong trận play-off theo thể thức sân nhà - sân khách giữa 2 đội đứng nhì 2 bảng ở vòng loại thứ 4. Nói “nửa” vé vì đội thắng trong cặp đấu play-off này còn phải tham dự trận play-off liên lục địa để xác định suất vào VCK.
Với chỉ 5,5 suất như trước đây, thông thường các đại diện châu Á tại VCK World Cup luôn thuộc về nhưng “ông lớn”: Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Autralia, Saudi Arabia, UAE. Nhóm 2 có Qatar, Uzbekistan, Trung Quốc, Iraq, Syria, Oman hay Bahrain; còn Đông Nam Á (ĐNA) càng xa vời. Thành tích tốt nhất là Thái Lan từng 2 lần vào vòng loại thứ 3 (vòng loại cuối cùng) nhưng chưa từng có một chiến thắng (6 hòa, 10 thất bại). Gần nhất, đi xa nhất là Việt Nam, tuy khá hơn là có chiến thắng lịch sử trước Trung Quốc, nhưng cũng không thoát cảnh xếp cuối bảng.
Nhưng nay với 8,5 suất, các ĐT ở ĐNA được thắp lên cơ hội. Ngoài Lào, Campuchia, Timor Leste, Brunei đã bị loại từ “vòng gửi xe”, 7 đội ĐNA ngày mai sẽ bước vào vòng loại thứ 2. Thái Lan và Singapore rơi vào bảng C có Hàn Quốc vượt trội nên sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc cho tấm vé nhì bảng. Myanmar càng bất lợi khi rơi vào bảng B gặp Nhật Bản, Syria và Triều Tiên. Ngược lại, Malaysia dễ thở khi bảng D chỉ có Oman, Kyrgyzstan và Đài Loan.
Một lần nữa, cũng như tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, lá thăm lại đưa 3 đại diện ĐNA vào cùng 1 bảng. Trong đó, Việt Nam và Indonesia lại gặp nhau, còn thay cho Thái Lan năm nay là Philippines; đội còn lại thế chỗ của UAE cũng là đại diện Tây Á: Iraq. Sẽ là áp lực rất lớn với HLV Troussier ở giải đấu chính thức đầu tiên cùng ĐT Việt Nam khi ông tuyên bố hướng tới VCK World Cup 2026, nhưng nếu không vào được vòng loại thứ 3 sẽ là thất bại so với người tiền nhiệm.
Yên Chi
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin