Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ Asiad 19: Trung Quốc sẽ vượt Mỹ ở Olympic Paris 2024?

Trần Đỗ
08:02, 11/10/2023

Phải đến Asiad 7 tại Tehran năm 1974, thể thao Trung Quốc (TQ) mới lần đầu góp mặt và với 33 HCV đã vào ngay tốp 3, chỉ sau chủ nhà Iran và Nhật Bản. Ở Bangkok 1998, TQ vươn lên thứ nhì, đến New Delhi 1982 đã là cường quốc thể thao số 1 châu Á. Tại Asiad 19, sự thống trị của thể thao TQ lên đến đỉnh điểm.

Kình ngư Qin Haiyang và Zhang Yufei là VĐV nam và nữ xuất sắc nhất Asiad 19
Kình ngư Qin Haiyang và Zhang Yufei là VĐV nam và nữ xuất sắc nhất Asiad 19

Ở Asiad 16 Quảng Châu năm 2010, TQ đã lập kỷ lục 199 HCV, bỏ xa Hàn Quốc 123 HCV và Nhật Bản 151 HCV. Lần này, họ phá kỷ lục với 201 HCV, hơn quốc gia Nhật Bản 149 HCV và Hàn Quốc 159 HCV.

TQ dẫn đầu tới 24 môn, từ dưới nước đến trên cạn. Trong 2 môn Olympic cơ bản nhất thì điền kinh giành 19/49 HCV, trong đó có 2 nội dung danh giá nhất: 100m nam và nữ (Bahrain với chính sách nhập tịch VĐV ồ ạt đứng thứ nhì cũng chỉ có 10 HCV). Trên đường đua xanh, chủ nhà gom 28/41 HCV bơi lội. Trong các môn dưới nước, họ còn đoạt cả cú đúp vàng ở nội dung marathon 10km nam, nữ và bơi nghệ thuật, giành 1/2 HCV bóng nước nữ, về đích đầu tiên ở 11/14 nội dung đua thuyền rowing, 12/16 canoeing, 5/6 thuyền rồng, 6/14 nội dung thuyền buồm, còn lặn thì thâu tóm trọn vẹn ngôi quán quân ở 10 nội dung.

Các đội tuyển TQ còn gần như vô đối ở các môn: bắn súng (16/33 HCV), bóng bàn (6/7 HCV), wushu (11/15, bỏ xa đoàn thứ nhì Iran chỉ có 2 HCV), thể dục (dụng cụ, nghệ thuật, nhịp điệu, 10/17 HCV), cầu lông (4/7 HCV), bóng rổ (2/4 HCV), bóng chuyền nữ, bóng chuyền bãi biển, quyền anh (5/13 HCV), quần vợt (cả 2 HCV đơn nam, đơn nữ), esports (4/7 HCV), cờ tướng (3/3 HCV), cờ vua (3/4 HCV), cờ vây (1/3 HCV), cưỡi ngựa (2/6 HCV), leo núi thể thao (2/6 HCV), bài bridge (1/3 HCV).

Cùng với sự vượt trội về thành tích, chủ nhà còn rất thành công về mặt tổ chức. Hầu như không có lời than phiền mà ngược lại là những khen ngợi về sự chu đáo, hoành tráng, chuyên nghiệp, khoa học và một kỳ Asiad xanh.

Chỉ chịu kém hơn, đứng thứ nhì toàn đoàn là: cử tạ (5/14 HCV, kém Triều Tiên 1 HCV), taekwondo (5/13 HCV, kém Hàn Quốc về HCB), xe đạp (4/20 HCV, sau Nhật Bản 11 HCV), đấu kiếm (2/12 HCV, Hàn Quốc 12 HCV), roller (trượt patin: 4/14 HCV, Đài Loan 7 HCV), bóng bầu dục 7 người (1/2 HCV), 5 môn phối hợp hiện đại (2/4 HCV), hockey trên cỏ (1/2 HCV), breakdancing (1/2 HCV), karate (2/14 HCV), kurash (2/7 HCV), judo (1/15 HCV), vật (1/18 HCV).

Chỉ có 13 môn TQ không giành được HCV hoặc trắng tay là: bắn cung, bóng ném, bóng mềm, bóng chày, kabaddi, jujitsu, golf, cầu mây, squash, soft tennis, 3 môn phối hợp và bóng đá (đội nữ HCĐ, đội Olympic nam dừng bước ở tứ kết).

Không có gì ngạc nhiên khi VĐV nam, nữ xuất sắc nhất Asiad 19 đều thuộc về 2 kình ngư TQ: Qin Haiyang (5 HCV môn bơi) và Zhang Yufei (6 HCV môn bơi).

Từ Asiad 19, Trung Quốc gửi lời cảnh báo đến thể thao toàn thế giới, đặc biệt là Mỹ, khi Olympic Paris 2024 chỉ còn hơn 9 tháng nữa sẽ diễn ra. Cũng như trong kinh tế, chỉ mất 20 năm với 6 kỳ tham dự Thế vận hội (lần đầu tiên từ Los Angeles 1984), để đất nước đông dân nhất hành tinh trở thành cường quốc thể thao số 2 sau Mỹ (vượt Nga từ Athens 2004). Dù tại Bắc Kinh 2008, họ đã qua mặt cả Mỹ (48/36 HCV) nhưng đó là kỳ Olympic trên sân nhà nên thành tích chưa thuyết phục được thế giới. Nếu lấy kỳ Thế vận hội gần nhất làm thước đo thì ở Tokyo 2022, TQ chỉ kém Mỹ đúng… 1 HCV trong ngày thi đấu cuối cùng. Khoảng cách mong manh ấy sẽ bị vượt qua tại Paris vào mùa hè năm sau?

Trần Đỗ

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích