Sau mỗi thất bại, một lý do được nghe nhiều nhất là VĐV “bị tâm lý”. Đối thủ mạnh thì khớp, đối thủ yếu lại chủ quan, áp lực (!) Tại Asiad 19 cũng vậy.
Sự căng thẳng của Trịnh Thu Vinh |
Chỉ về thứ 4 nội dung sở trường 1.500m tự do, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng tâm sự: “Áp lực thành tích quá lớn nên bị trạng thái, dẫn đến xuất phát không tốt. Vì thế, phải bung hết sức đeo bám đối thủ nên bị hụt hơi ở 50m cuối”. May mà sau đó rũ bỏ áp lực, Huy Hoàng đã bảo vệ được tấm HCĐ 800m tự do, còn đạt chuẩn A đến Olympic Paris 2024, rồi hoàn tất cú đúp HCĐ ở nội dung… không đặt chỉ tiêu 400m.
Tấm HCV “quý như kim cương” của Phạm Quang Huy được xạ thủ 27 tuổi thừa nhận là nhờ anh chưa có tên tuổi, không được đặt nhiều kỳ vọng nên thi đấu hoàn toàn thoải mái. Trong khi đó, niềm hy vọng số 1 của môn bắn súng Trịnh Thu Vinh (vừa vào tốp 5, giành vé dự Olympic 2024 nội dung 10m súng hơi ở Giải vô địch thế giới tại Azerbaijan mới 1 tháng trước) lại thất bại toàn tập. “Trước loạt bắn chung kết, tôi gặp không ít áp lực nên thi đấu không tốt, thành tích không như mong đợi” - cô chia sẻ.
HLV Trần Quốc Cường cũng thừa nhận: “Tâm lý của Vinh không tốt. Khi được nhiều kỳ vọng về thành tích, áp lực càng đè nặng khiến em càng thi đấu bất ổn. Chúng tôi đã cố gắng tìm cách giải tỏa áp lực cho Vinh, nhưng thực sự vẫn chưa giải quyết được vấn đề này”.
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã có cú ngược dòng ngoạn mục thắng Hàn Quốc 3-2. Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong vòng 1 tháng sau giải châu Á, bóng chuyền nữ chúng ta đánh bại Hàn Quốc theo cùng một kịch bản nghẹt thở. Theo HLV Tuấn Kiệt, năm nay rất nhiều lần thường phải tới hiệp 3, sau khi đã thua 0-2 thì các học trò mới bắt đầu chơi quật khởi: “Khi bị dồn vào chân tường thì các VĐV mới dám thể hiện mình, còn bao nhiêu sức lực phải đánh cho hết”.
Có việc lấy “vấn đề tâm lý” để bào chữa cho thất bại, nhưng đây thực sự là “căn bệnh” của các VĐV Việt Nam khi ra đấu trường quốc tế. Không chỉ là tâm lý căng thẳng, áp lực thành tích mà ngay sự hưng phấn, “sung” quá mức cũng rất tai hại (có thể dẫn đến đêm trước mất ngủ). Rất cần mỗi bộ môn hay chí ít là tại mỗi kỳ Asiad, Olympic, chúng ta có chuyên gia tâm lý lắng nghe, chia sẻ để giải tỏa áp lực cho các VĐV trước giờ vào cuộc. Vấn đề này đã được đề cập nhiều năm nhưng chưa thực hiện được, bởi lấy đâu ra đội ngũ chuyên gia tâm lý thể thao?
Là một nghề “hái ra tiền” ở các nước phát triển, nhưng chuyên ngành tâm lý lâm sàng (đào tạo về công tác tư vấn, tham vấn tâm lý…) của các trường y ở Việt Nam luôn phải hạ điểm chuẩn, hụt chỉ tiêu tuyển sinh.
Minh Chung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin