Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhìn lại thất bại của thể thao Việt Nam tại Asiad 19

Minh Chung
09:01, 14/10/2023

Dù “hoàn thành vượt mức” chỉ tiêu tối thiểu HCV (3/2) nhưng Trưởng đoàn và Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt xin lỗi người hâm mộ cả nước vì thành tích chưa như mong đợi.

Từ 2 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ ở Asiad 18, điền kinh Việt Nam trắng tay tại Asiad 19

Không thể nói cách nào khác ngoài 2 từ “thất bại”! 27 huy chương (gồm 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ), đứng thứ 21 toàn đoàn, Thể thao Việt Nam (TTVN) không chỉ thụt lùi so với Asiad 18, mà còn kém cả cách đây… 21 năm tại Busan 2002 khi giành được 4 HCV, đứng trong tốp 15 châu Á.

Ghi nhận nỗ lực thi đấu của từng VĐV nhưng cũng cần nhìn thẳng vào thực tế. Trong 3 HCV, chỉ có HCV môn bắn súng là giá trị khi là môn Olympic, nhưng thành tích của Phạm Quang Huy ở 10m súng ngắn hơi là bất ngờ, ngoài tính toán chuyên môn. Ngược lại, 2 HCV cầu mây và karate là nằm trong dự kiến, có điều không mang quá nhiều giá trị chuyên môn. Với cầu mây, nội dung 4 người nữ, đối thủ số 1 Thái Lan không đăng ký (vì mỗi quốc gia chỉ được thi đấu 4/6 nội dung và Thái Lan “hốt” hết 4 HCV tham dự). Tương tự là karate, Nhật Bản không thi đấu kata (biểu diễn quyền) đồng đội nữ, chỉ có 4 nước Đông Nam Á tham dự và cả 4 đều có huy chương, trong đó Việt Nam giành HCV trước Malaysia, Campuchia và Brunei. Chưa kể cầu mây và karate không có trong chương trình Olympic.

Trong bối cảnh ấy, thành tích ấn tượng nhất của đoàn TTVN tại Asiad 19 là tấm HCB thể dục dụng cụ của Nguyễn Văn Khánh Phong ở nội dung vòng treo và dù không có huy chương nhưng lần đầu tiên vào bán kết, hạng 4 Asiad của đội tuyển bóng chuyền nữ.

Thất bại của TTVN càng được tô đậm khi trên bảng tổng sắp huy chương chúng ta chỉ đứng thứ 6 Đông Nam Á, sau Thái Lan (12 HCV, hạng 8), Indonesia (7 HCV, hạng 13), Malaysia (6 HCV, hạng 14), Philippines (4 HCV, hạng 17) và cả Singapore (hơn Việt Nam 1 HCB, hạng 20). Điều này thật khó chấp nhận khi ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp gần nhất TTVN đều là “cường quốc” số 1 với kỷ lục chưa từng có trong lịch sử đại hội: 205 HCV trên sân nhà năm ngoái và mới hồi tháng 5 tại Campuchia là lần đầu tiên dẫn đầu bên ngoài lãnh thổ (136 HCV, bỏ xa Thái Lan 28 HCV). Tức ra đấu trường châu lục, TTVN chỉ tương đương Singapore, Myanmar ở khu vực.

So sánh với Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2020, định hướng 2030 được Chính phủ thông qua vào năm 2013 lại càng xa vời. Theo đó, từ Asiad 2018, TTVN phải giành từ 10-15 HCV Asiad, đứng trong tốp 10-15 châu Á, còn giai đoạn hiện nay (2020-2030) phải đứng trong tốp 10 (tại Olympic có từ 2 huy chương trở lên, trong đó có 1 HCV(!). Chiếu theo mục tiêu này, TTVN không đạt, thậm chí còn đi giật lùi. Ngay chỉ tiêu có từ 30-50 VĐV đạt chuẩn tham dự Olympic cũng là… trên trời, khi đến hiện tại TTVN mới có 3 suất đến Paris 2024.

Tại lễ tổng kết, khen thưởng SEA Games 31, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: ngành Thể dục thể thao cần tiếp tục duy trì, củng cố vị thế thể thao thành tích cao; đặt ra mục tiêu cao hơn, đào tạo, ươm mầm cho những hạt giống tiếp tục phát triển, để khẳng định vị thế TTVN trong khu vực, từng bước tiệm cận và duy trì ở mặt bằng trình độ của châu lục, thế giới đối với những môn thể thao phù hợp…”. Tuy nhiên, sau thất bại tại Asiad 19, Bộ VH-TTDL cho biết, phải điều chỉnh Chiến lược phát triển TTVN đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, theo hướng “xác định lại chỉ tiêu” để “phù hợp hơn với thực tế và bối cảnh Việt Nam và quốc tế”. Cụ thể, tại Asiad 2026 sẽ hạ xuống còn 5-7 HCV (thay vì 10-15), Asiad 2030: 7-9 HCV và “phấn đấu có huy chương tại Olympic”.

Đâu rồi đề án, kế hoạch đầu tư có trọng tâm, trọng điểm từng tự hào mang đến thành công tại Asiad 2018, và đâu rồi năm 2023 phương châm của ngành TTVN là “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến” (!?).

Minh Chung

Tin xem nhiều