Vị trí hạng 6 hiện tại là thứ hạng cao nhất của Nam Định trong 5 mùa trở lại sân chơi cao nhất (không kể mùa giải năm 2021 bị hủy bỏ), nhưng vì sao CĐV thành Nam lần đầu tiên phản ứng đội nhà dữ dội đến thế?
Là một trong các đội bóng có lịch sử lâu đời và từng vô địch Giải A1 toàn quốc năm 1985 với thành tích cả 10 trận bất bại trong danh xưng Công nghiệp Hà Nam Ninh nhưng phải 7 năm sau ngày rớt hạng, thậm chí trôi dạt xuống cả hạng Nhì và có thời điểm tưởng như đã bị xóa sổ, Nam Định mới trở lại tại V.League 2018.
Thiên Trường trở thành “chảo lửa” đầy tự hào của làng cầu Việt, nhưng cũng từ đó vì “nhà nghèo” năm nào Nam Định cũng vất vả trụ hạng. Mùa đầu tiên 2018 họ phải đi play-off, 2019 về thứ 11/14, 2020 rơi vào nhóm đua trụ hạng và chung cuộc đứng áp chót (cùng 18 điểm, chỉ hơn Quảng Nam hiệu số) và năm rồi lại về thứ 12/13 (chỉ hơn CLB rớt hạng Sài Gòn đúng 1 điểm).
Mùa này với nhà tài trợ Thép Xanh Xuân Thiện, Nam Định đã đổi đời, trở thành “đại gia mới”. Ước tính không dưới 100 tỷ đồng đã được đổ ra để mang về Thiên Trường những bản hợp đồng sao số: Nguyên Mạnh, Khắc Ngọc, Hồng Duy, Thanh Hào, Hoàng Văn Khánh, Đức Huy, Hữu Tuấn, Hoàng Thịnh, Hendrio…, giai đoạn 2 thêm Coutinho, Luiz (2 cầu thủ đắt giá nhất V.League chỉ sau Filip Nguyễn) và Tô Văn Vũ (mượn từ CAHN). Với lực lượng ấy, đoàn quân HLV Vũ Hồng Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh chức vô địch và thực tế sau 6 vòng đầu tiên, họ luôn trong tốp 3, thậm chí từng dẫn đầu sau vòng 2. Nhưng càng đá Nam Định càng tụt dần.
Đỉnh điểm là trận thua ngược CAHN 1-2 ở vòng 4 giai đoạn 2, cũng là thất bại đầu tiên trên sân nhà của Nam Định. Cho rằng “có vấn đề”, khán giả thành Nam nổi giận ném chai, lọ, cả trống cổ vũ xuống sân và đốt áo đội nhà. Chưa dừng lại, ngày hôm sau Hội CĐV đã đem trả toàn bộ số áo cổ động mà nhà tài trợ trao tặng, đồng thời ra thông báo dừng cổ vũ trong những trận còn lại.
Trong công văn gửi tới Thép Xanh Nam Định, VPF nhận định: “Căn cứ vào tư liệu chuyên môn và các thông tin liên quan cho thấy Nam Định đã thể hiện tinh thần thi đấu không cao, không phản ánh đúng thực lực, trình độ của CLB…”.
Nhưng đó chỉ là giọt nước tràn ly! Một CĐV nhiệt thành, người đã hơn 50 năm lăn lóc trên khán đài từ sân Chùa Cuối xưa đến Thiên Trường nay, dành hết cuộc đời tâm huyết của mình cho bóng đá quê hương, trên trang Facebook kêu gọi “Hãy trả lại đội bóng cho chúng tôi!”.
Bài viết lại nhìn ở một góc độ khác: “BHL và cầu thủ chỉ là những người làm thuê cho ông chủ người Ninh Bình, nếu trận đấu là một vở kịch thì họ cũng chỉ là những diễn viên bất đắc dĩ, chỉ là nạn nhân của một trò chơi tham vọng của người lớn mà thôi” và bức xúc kết luận: “Đây là đội bóng của hơn 2 triệu người Nam Định. Chúng tôi chấp nhận xuống hạng nhưng để chơi một thứ bóng đá SẠCH, chứ không muốn đội bóng rơi vào vòng xoáy của tham vọng và quyền lực. Đội bóng này là của người Nam Định, không của bất cứ ai và không cho phép bất cứ ai lợi dụng. Nghèo nhưng quyết không hèn, nhưng đã không những rất hèn mà còn nhục”.
Vậy thì có góc khuất gì ở đây và “ông chủ người Ninh Bình” cũng như “người lớn tham vọng, quyền lực” là ai, nhảy vào bóng đá vì tình yêu, sự đam mê hay do động cơ vụ lợi gì khác?
Thép Xanh Xuân Thiện là công ty con của Tập đoàn Xuân Thiện (có trụ sở tại Ninh Bình). Chưa kể tại rất nhiều tỉnh, thành, chỉ tính riêng các dự án mà Xuân Thiện Group công bố đầu tư tại 3 tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình đã lên đến gần 200 ngàn tỷ đồng, từ nhà máy xi măng, tổ hợp lọc dầu… Riêng tại Nam Định có dự án Nhà máy cấu kiện bê tông đúc sẵn, nằm trong Tổ hợp Dự án Thép Xanh Xuân Thiện có tổng mức đầu tư tới 98.900 tỷ đồng. Báo Thanh tra ngày 7-4-2023 có bài viết Tiền từ đâu để Xuân Thiện Group làm dự án hàng trăm ngàn tỷ? |
Đông Kha
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin