Hoàn thiện cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào hạ tầng giao thông là một trong những đột phá phát triển của Đồng Nai đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến sẽ khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên trong tháng 9-2026. Ảnh: Q.Nhi |
Với khâu đột phá này, Đồng Nai sẽ xóa bỏ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ để tạo sức bật phát triển trong giai đoạn mới.
“Mắt xích” tạo nên lợi thế so sánh của tỉnh
Đồng Nai nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là “cửa ngõ” đi vào đô thị lớn nhất cả nước: Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, Đồng Nai là một trung tâm giao thông lớn, quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Với vai trò đó, những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã được Trung ương, địa phương ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện, đồng bộ.
Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là dự án đầu tư xây dựng lớn nhất cả nước từ trước đến nay, đây cũng là dự án hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng của quốc gia được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà, dự kiến trong tương lai, Sân bay Long Thành sẽ trở thành một trong những điểm kết nối chung để trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á. Đây là một trong những dự án quốc gia lớn nhất hiện nay, khi đưa vào vận hành sẽ tạo động lực lớn cho Đồng Nai và cả khu vực Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững. Quy hoạch tỉnh Đồng Nai định hướng quy hoạch hình thành thành phố Sân bay Long Thành, lấy Sân bay Long Thành làm trọng tâm cho việc phát triển.
“Qua đó, hình thành thành phố sân bay đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam, xứng tầm là cửa ngõ giao thương mới của cả khu vực châu Á” - ông Hồ Văn Hà chia sẻ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, hiện Đồng Nai cần khoảng 2 tỷ USD để phát triển hạ tầng các vùng động lực quanh Sân bay Long Thành. |
Trong khi đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, quy hoạch phải phát huy được tất cả những lợi thế cạnh tranh của mình so với các địa phương khác. Với Quy hoạch tỉnh Đồng Nai, tỉnh xác định vị trí địa lý, lợi thế từ sông Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, lợi thế phát triển công nghiệp, du lịch và đặc biệt là Sân bay Long Thành chính là những lợi thế so sánh của Đồng Nai so với các địa phương khác.
Bên cạnh Sân bay Long Thành, lợi thế so sánh về hạ tầng giao thông của Đồng Nai còn được “cộng hưởng” thêm với hàng loạt dự án đường cao tốc, đường vành đai đã và đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh như các tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành và đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Nguyễn Bôn cho hay, Đồng Nai hiện có 5 tuyến đường cao tốc và 2 tuyến đường vành đai đã và đang được đầu tư xây dựng.
“Đồng Nai hiện là địa phương đứng thứ 3 cả nước về chiều dài các tuyến đường cao tốc sau Hà Nội và Nghệ An” - ông Nguyễn Bôn cho biết.
Đầu tư đồng bộ để phát huy tối đa lợi thế
Với Sân bay Long Thành, để lan tỏa động lực phát triển, hiện Đồng Nai đã triển khai đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối như các tuyến đường tỉnh: 25B, 25C, 769, 770B, 773. Cũng với hệ thống đường bộ, trong Quy hoạch tỉnh, Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng mới 12 tuyến đường tỉnh. Đồng thời, tỉnh nâng cấp mở rộng, hoàn thành 10 tuyến giao thông hiện hữu trọng điểm của tỉnh, bảo đảm kết nối các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho phát triển du lịch, phát triển đô thị mới, kết nối các khu vực phát triển của tỉnh.
Ngoài hệ thống đường bộ, trong Quy hoạch tỉnh cũng xác định sẽ đầu tư phát triển thêm các loại hình giao thông khác nhằm tạo thêm động lực phát triển mới.
Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là tuyến cao tốc mới nhất đi qua địa bàn Đồng Nai đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. |
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay, sau hàng thập kỷ tăng trưởng ở mức cao, kinh tế Đồng Nai những năm gần đây có dấu hiệu chững lại và tốc độ suy giảm rõ rệt, dẫn đến khả năng tụt hậu so với các địa phương xung quanh. Một trong những nguyên nhân được nhận diện là hệ thống hạ tầng giao thông chưa theo kịp nhu cầu phát triển.
Theo ông Nguyễn Bôn, ngoài yếu tố thiếu đồng bộ, “điểm nghẽn” lớn về giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua chính là việc phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống đường bộ. Chính vì vậy, trong Quy hoạch tỉnh, các loại hình giao thông khác như: đường sắt, đường thủy, đường hàng không cũng đã được xác định mức độ đầu tư phù hợp.
Cụ thể, đối với giao thông đường thủy, tỉnh sẽ phát triển đa mục tiêu, vừa đảm bảo nhu cầu vận tải hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh, vừa đảm bảo phục vụ phát triển du lịch, nghỉ dưỡng…, vừa phối hợp với ngành thủy lợi đảm bảo nhu cầu nước tưới, sinh hoạt và dự trữ nước cho vùng Đông Nam Bộ.
Về đường sắt, Đồng Nai sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đầu tư các tuyến đường sắt quốc gia đi qua địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ động đề xuất hệ thống giao thông kết nối tại các nhà ga, tổ chức phát triển TOD (Transit Oriented Development - mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) tại các nhà ga. Phát triển các tuyến đường sắt đô thị vận chuyển hành khách kết nối với thành phố Biên Hòa, từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Sân bay Long Thành.
Đối với đường hàng không, bên cạnh Sân bay Long Thành, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đầu tư xây dựng Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa.
Trên cơ sở định hướng đầu tư đến năm 2030, Đồng Nai đặt tầm nhìn đến năm 2050 sẽ cơ bản hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, với sự quan tâm thiết thực của Trung ương dành cho tỉnh về hạ tầng giao thông kết nối, chỉ vài năm nữa thôi, sức hút vùng đất này sẽ quay trở lại trong “cơn sóng” tìm kiếm môi trường đầu tư của các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới thuộc lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.
Quỳnh Nhi
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin