Cuối tháng 4 này, một hội nghị lớn về thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản, tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ được UBND tỉnh phối hợp với Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp (DN) nông nghiệp Việt Nam tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Mười |
Cuối tháng 4 này, một hội nghị lớn về thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản, tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ được UBND tỉnh phối hợp với Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp (DN) nông nghiệp Việt Nam tổ chức.
Đây là cơ hội để các DN, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng như người nông dân tìm kiếm cơ hội hợp tác, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Văn Mười, Tổng thư ký Hiệp hội Trang trại và DN nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ một số nội dung xung quanh sự kiện này.
* Ngành Nông nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Thế giới đang trải qua đại dịch Covid-19 và diễn biến của nó vẫn còn phức tạp, ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của nó đối với nông nghiệp nước ta?
- Năm 2020, ngành Nông nghiệp phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong lịch sử, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu cũng gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh miền Trung bị lũ lụt, miền Tây lại nắng nóng, hạn mặn khiến cho sức sản xuất của người nông dân giảm sút.
Trong khi đó, thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản vẫn có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật…
Nhưng trong năm qua, chúng ta cũng đã ký kết được các hiệp định thương mại quan trọng, điều đó có ảnh hưởng tích cực đến nông nghiệp Việt?
- Năm 2020 cũng là năm mà Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại quan trọng, đưa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam bước sang một giai đoạn mới với những cơ hội được mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng triển vọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó có 2 hiệp định rất quan trọng là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa Asean và 6 nước đối tác.
Sản phẩm nông nghiệp Đồng Nai tham gia một hội chợ thương mại tại TP.HCM |
EVFTA sẽ giúp nâng cao thực sự chất lượng các mặt hàng nông sản Việt Nam vì để vào được thị trường này một cách thuận lợi, phải có nền sản xuất cao. Đây cũng là điều kiện tiên quyết cho việc hiện đại hóa sản xuất, chế biến nông sản. Còn đối với RCEP, tuy điều kiện xuất khẩu không quá khắt khe nhưng đây lại là thị trường gần gũi với Việt Nam, sức cạnh tranh, mức độ cạnh tranh đến từ các đối tác vô cùng lớn, nhất là ngay cả khi nông sản Việt còn đang có phần bị lép vế trên sân nhà.
* Muốn gia tăng giá trị, phải đầu tư vào chế biến sâu
Mục đích của hội nghị lần này là gì, thưa ông?
- Dịch Covid-19 vẫn còn diễn ra phức tạp trên thế giới, chúng ta chưa thể dự đoán trước chính xác tình hình trong năm nay sẽ như thế nào. Do đó, chắc chắn nền kinh tế nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng sẽ còn bị ảnh hưởng. Việc tìm ra các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất, chế biến cũng như thích nghi với tình hình mới là rất quan trọng. Lần này, chúng tôi phối hợp với Đồng Nai cùng Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam lên kế hoạch tổ chức hội nghị. Theo đó, hội nghị sẽ có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về sản xuất nông sản, các DN chế biến, xuất nhập khẩu nông sản lớn tại TP.HCM cũng như Đồng Nai, đồng thời tạo cơ hội cho người nông dân, trang trại, DN trên địa bàn tỉnh tham gia, trưng bày, giới thiệu sản phẩm…
Theo ông, để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, phải đầu tư vào chế biến sâu?
- Phát triển chuỗi liên kết giá trị cho nông sản là bài toán dài hơi. Việc tham gia các hiệp định kinh tế cũng đã giúp cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu được vào các nước đối tác. Lâu nay, nông nghiệp Việt vẫn manh mún, nhỏ lẻ, phát triển tự phát, chưa theo yêu cầu thị trường và khi có biến động thì bị ảnh hưởng nặng. Với nông dân cần thay đổi từ cái gốc sản xuất là phải đi từ góc nhìn và yêu cầu của thị trường. Hiện nay, yêu cầu của cả thị trường nội địa và xuất khẩu là nông sản phải đảm bảo về chất lượng, sự an toàn. Nông dân phải chủ động thay đổi tập quán sản xuất cũ, ứng dụng các giải pháp công nghệ để làm ra sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Với địa phương và DN thì phải xây dựng được hệ sinh thái sản xuất mới đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu.
Vì sao đơn vị tổ chức chọn Đồng Nai làm nơi tổ chức hội nghị, thưa ông?
- Theo báo cáo thì Đồng Nai hiện có trên 1.700 trang trại, với tổng diện tích đất sản xuất, kinh doanh hơn 3.100 ha. Trong đó chủ yếu là trang trại chăn nuôi với trên 1.300 trang trại; có 250 trang trại trồng trọt, còn lại là trang trại nuôi trồng thủy sản, trang trại tổng hợp. Nhìn chung, hoạt động của các trang trại có hiệu quả cao, ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn hạn chế do phần lớn trang trại là hộ gia đình, chưa thu hút mạnh các DN lớn và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tôi nghĩ, hội nghị cũng sẽ là một trong những sự kiện để DN và cả người dân, trang trại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có cơ hội tìm hiểu khả năng hợp tác, thúc đẩy sự liên kết với nhau. Từ đó khai thác được các tiềm năng vốn có của địa phương, gia tăng giá trị, đóng góp của các mặt hàng nông sản.
Xin cảm ơn ông!
Văn Gia (thực hiện)