Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẵn sàng phương án ứng phó trong mùa mưa bão

09:07, 02/07/2020

Đồng Nai đang trong mùa mưa nên những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn tập trung vào chiều tối. Đặc biệt, dông lốc, gió giật mạnh xảy ra tại một số địa phương gây hư hỏng nhà cửa, thiệt hại lớn về cây trồng, hoa màu…

Ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi
Ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi

Đồng Nai đang trong mùa mưa nên những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn tập trung vào chiều tối. Đặc biệt, dông lốc, gió giật mạnh xảy ra tại một số địa phương gây hư hỏng nhà cửa, thiệt hại lớn về cây trồng, hoa màu…

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về hiện tượng thời tiết nêu trên, ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh cho biết:

- Theo dự báo, tình hình thiên tai trong năm 2020 sẽ có nhiều diễn biến khó lường. Điều này thể hiện ở việc mùa mưa năm nay đến muộn hơn so với chu kỳ; dông, lốc, mưa đá cũng đã xuất hiện tại địa bàn TP.Long Khánh, H.Định Quán vào ngày 12-5 gây hư hỏng 21 căn nhà, thiệt hại một số diện tích cây ăn trái…

* Từ tháng 5-2020 đến nay, các hiện tượng thời tiết như: mưa, dông, lốc, gió mạnh khiến nhà cửa, tài sản, cây trồng của người dân tại nhiều địa phương thiệt hại nặng. Các phương án khắc phục được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh thiên tai đã làm 1 người chết (do sét đánh), 55 căn nhà và 3 nhà kho bị tốc mái, hơn 160ha cây ăn quả, cây lâu năm bị gãy đổ, rụng quả; đồng thời gây ngập lụt, ách tắc giao thông cục bộ một số tuyến đường tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa.

Ngay sau khi xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN ở các địa phương xảy ra thiên tai đã huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ hỗ trợ di dời người và tài sản đến nơi an toàn; sửa chữa nhà bị hư hỏng, dọn dẹp cây bị gãy đổ đảm bảo an toàn và giao thông thông suốt; đồng thời kiểm tra, xác minh thiệt hại nhằm hỗ trợ kịp thời cho người dân ổn định cuộc sống.

* Theo nhận định của ông, những khu vực nào có nguy cơ bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra?

- Năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 đợt mưa lớn gây ngập lụt, kèm theo dông lốc tại các huyện: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa làm chết 5 người, bị thương 2 người và hư hỏng 2 cây cầu dân sinh. Ngoài ra, có 110 căn nhà bị tốc mái, hơn 1,1 ngàn hộ bị ngập nhà, làm chết gần 120 ngàn con gia cầm, thiệt hại 128 bè và gần 2 ngàn dèo nuôi cá (ước khoảng hơn 8,3 ngàn tấn cá) của người dân… với tổng thiệt hại khoảng 633 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, qua rà soát từ các địa phương, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã ghi nhận các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai như: nguy cơ ngập lụt thường xảy ra ở P.Phước Tân (TP.Biên Hòa), các xã: Đắc Lua, Thanh Sơn (H.Tân Phú); Phú Hòa, Thanh Sơn (H.Định Quán); Sông Ray, Lâm San (H.Cẩm Mỹ) và khu vực xã Lộ 25 của H.Thống Nhất. Dông, lốc xoáy thường xảy ra tại một số xã thuộc các huyện: Định Quán, Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu. Đồng thời, cảnh báo nguy cơ sạt lở đất tại một số điểm dọc sông Đồng Nai thuộc các huyện như: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu; khu vực đồi 112 (H.Định Quán); đồi đất xã Phú Sơn (H.Tân Phú).

* Tại các vùng nước sông, hồ, đập khi mưa xuống có thể khiến thủy sản bị sốc dẫn đến chết, gây thiệt hại về kinh tế. Ông có khuyến cáo với người dân để tránh thiệt hại như thế nào?

- Trước thực tế các bè nuôi trên sông La Ngà thường xuyên xảy ra hiện tượng cá chết vào đợt giao mùa khi kết thúc mùa khô chuyển sang mùa mưa, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động các bè nuôi cá trên địa bàn huyện di dời bớt khỏi khu vực nuôi tập trung. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại lượng bè trên sông La Ngà, có giải pháp giảm bớt lượng bè cho phù hợp với quy hoạch để giúp người nuôi giảm bớt rủi ro vì cá chết. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương quản lý chặt không để phát sinh lượng bè quá quy hoạch gây ảnh hưởng đến môi trường nước. Người dân cần tuân thủ các hướng dẫn của ngành chức năng, địa phương về nuôi trồng thủy sản.

Người dân sửa lại nhà cửa sau cơn mưa lớn kèm theo gió lốc xảy ra trên địa bàn ấp 3, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) vào chiều 12-5. Ảnh: T.Hải
Người dân sửa lại nhà cửa sau cơn mưa lớn kèm theo gió lốc xảy ra trên địa bàn ấp 3, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) vào chiều 12-5. Ảnh: T.Hải

* Các biện pháp thực hiện nhằm phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão như thế nào, thưa ông?

- Đồng Nai là tỉnh ít xảy ra bão, lũ nhưng các địa phương không được lơ là trong công tác phòng, chống thiên tai. Cần chú trọng nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu; xác định các vùng trọng điểm nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn… Tổ chức trực ban nghiêm túc trong mùa mưa, theo dõi tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, triều cường nhằm thông tin, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm đến các cơ quan, tổ chức, người dân trên địa bàn biết, triển khai phương án ứng phó.

* Ông có thể cho biết công tác ứng phó với tình hình thời tiết, thiên tai năm nay như thế nào?

- Vừa qua, UBND tỉnh đã tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2019 nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ban Chỉ huy
PCTT-TKCN tỉnh đã rà soát, cập nhật bổ sung kế hoạch, phương án theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai. Trong đó, xác định những vùng trọng điểm nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn và các đối tượng dễ bị tổn thương để đưa vào phương án ứng phó phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa bàn.

Các ngành chức năng, địa phương rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra. Đặc biệt, với mục tiêu phòng là chính, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành liên quan cũng như tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản triển khai công tác PCTT-TKCN trên địa bàn tỉnh năm 2020.

* Xin cảm ơn ông!

Theo dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, tình hình thời tiết năm 2020 tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong mùa mưa năm 2020, sẽ có khoảng 6-9 cơn bão hoạt động trên Biển Đông. Do đó, cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa (từ tháng 10 đến tháng 12).

Thanh Hải (thực hiện)

Tin xem nhiều