Chính phủ vừa có Nghị định số 41/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo nghị định này, sẽ có hơn 180 ngàn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn thêm 5 tháng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất.
Chính phủ vừa có Nghị định số 41/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo nghị định này, sẽ có hơn 180 ngàn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn thêm 5 tháng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất.
Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Tấn Lợi |
Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Lợi, Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai về công tác triển khai nghị định của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
* DN phải xác định thuộc trường hợp nào để được gia hạn nộp thuế
Thưa ông, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN?
- Trong 3 tháng đầu của năm 2020, đặc biệt là từ tháng 3, do dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ở Đồng Nai cũng gặp khó khăn chung như cả nước. Đồng Nai là địa bàn tập trung khá nhiều các DN có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... với rất nhiều DN sản xuất hàng xuất khẩu mà nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập từ nước ngoài.
Việc các nước châu Âu, Mỹ bị ảnh hưởng dịch bệnh cũng tác động lớn đến nguồn hàng xuất khẩu của nhiều DN. Do vậy, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh. Ngoài ra, các hộ cá nhân kinh doanh các mặt hàng ăn uống, khách sạn, karaoke... đều chịu ảnh hưởng lớn với hàng chục ngàn hộ tạm ngừng hoạt động có thời hạn theo quy định.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41 về gia hạn tiền nộp thuế, tiền thuê đất. Theo Nghị định 41, những đối tượng nào sẽ được gia hạn?
- Căn cứ Điều 1 Nghị định 41, đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất có 5 nhóm gồm:
- DN, cá nhân, hộ gia đình trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt may, da giày; sản xuất điện tử, ô tô...
- DN, cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, logistics; dịch vụ khách sạn, lưu trú, ăn uống, đại lý du lịch; hoạt động văn hóa, nghệ thuật...
- DN, cá nhân sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm cơ khí. DN nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017.
- Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hỗ trợ DN, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, việc giãn nộp thuế, tiền sử dụng đất bao phủ hầu như tất cả các ngành kinh tế, chiếm tới hơn 98% tổng số DN của cả nước.
* Để được gian hạn, DN cần chú ý vấn đề gì, thưa ông?
- Trước hết, để được gia hạn, DN phải nắm rõ và xác định mình thuộc nhóm nào, theo các lĩnh vực đã được quy định tại các nghị định liên quan về ngành nghề của mình. Từ đó, DN đối chiếu và kê khai đối tượng của mình và nộp về cơ quan thuế để được gia hạn. Việc kê khai này, DN phải tự chịu trách nhiệm về những thông tin mình cung cấp, sau đó ngành thuế sẽ rà soát tính xác thực.
Lưu ý quan trọng là DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2019 hoặc năm 2020 thì mới được gia hạn nộp thuế.
* Nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020
* Sẽ có hơn 180 ngàn tỷ đồng tiền thuế được gia hạn theo quyết định của Chính phủ, với riêng Đồng Nai, tình hình cụ thể ra sao?
- Theo nghị định nói trên, hơn 180 ngàn tỷ đồng sẽ được gia hạn nộp thuế cho DN, tại Đồng Nai, số thu nộp thuế hằng năm chiếm khoảng 2,5% tổng thu của cả nước. Theo ước lượng sơ bộ của ngành Thuế, với số thu nội địa hằng năm, các DN trên địa bàn tỉnh sẽ được gia hạn nộp thuế khoảng 5 ngàn tỷ đồng.
Hiện tại, ngành Thuế đang khẩn trương gửi thông báo đến các DN, thành phần kinh tế nắm bắt những thông tin quan trọng để kịp thời thực hiện. Cơ quan thuế chủ động thực hiện khảo sát, đánh giá về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hộ kinh doanh để có biện pháp tháo gỡ phù hợp; không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi để DN ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Từ nay đến tháng 7-2020, nhiệm vụ ưu tiên của ngành Thuế là sẽ tập trung hỗ trợ DN, hộ kinh doanh và các tổ chức được gia hạn thuế thực hiện quyền lợi của mình.
* Vậy tình hình thu ngân sách trong quý I vừa qua như thế nào, thưa ông?
- Trên thực tế, mặc dù gặp bất lợi, song kết thúc quý I-2020, số thu nộp thuế trên địa bàn tỉnh tương đối khả quan. Toàn tỉnh thu nội địa được khoảng 12,7 ngàn tỷ đồng, đạt 36% so với dự toán pháp lệnh được giao. Những lĩnh vực đạt khá là đầu tư nước ngoài, DN ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân... Đây là năm mà những tháng đầu năm, số thu của ngành Thuế đạt dự toán cao so với nhiều năm qua. Có được điều này là do tình hình sản xuất, kinh doanh của DN và nền kinh tế trong năm 2019 gặp nhiều thuận lợi.
* Thưa ông, thu ngân sách sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới do diễn biến khó lường của dịch bệnh, ngành Thuế Đồng Nai có những giải pháp gì để hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2020?
- Chắc chắn trong thời gian tới, tình hình thu ngân sách sẽ gặp khó khăn, đơn vị sẽ rà soát hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý để khai thác nguồn thu nhằm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, tăng cường chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; phối hợp khai thác tăng thu các khoản thu về kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng...
Ngành Thuế cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công ứng dụng công nghệ thông tin cấp độ 4. Trong đó, trọng tâm là nâng cấp các chương trình kê khai thuế và nộp thuế điện tử nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nộp thuế và góp phần thực hiện hệ thống thuế điện tử quốc gia.
Văn Gia