GS.Hà Tôn Vinh có khoảng 50 năm kinh nghiệm hoạt động, làm việc ở Hoa Kỳ, châu Âu, Tây Phi trong lĩnh vực phát triển chiến lược kinh tế, quản lý, cải tổ, sáp nhập doanh nghiệp. Nhiều năm qua, ông là chuyên gia tư vấn cao cấp cho nhiều dự án của Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, các tập đoàn đa quốc gia về tái cấu trúc doanh nghiệp.
GS.Hà Tôn Vinh |
GS.Hà Tôn Vinh có khoảng 50 năm kinh nghiệm hoạt động, làm việc ở Hoa Kỳ, châu Âu, Tây Phi trong lĩnh vực phát triển chiến lược kinh tế, quản lý, cải tổ, sáp nhập doanh nghiệp. Nhiều năm qua, ông là chuyên gia tư vấn cao cấp cho nhiều dự án của Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, các tập đoàn đa quốc gia về tái cấu trúc doanh nghiệp.
GS.Vinh hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tổ hợp GD-ĐT và tư vấn quản lý Stellar Management và là Chủ nhiệm Chương trình GD-ĐT doanh nghiệp cao cấp của Đại học tổng hợp California Miramar University (CMU) tại Việt Nam.
* Nhiều khi, người ta chi đến 90% giá tiền cho thương hiệu
* Trong nhiều cuộc hội thảo với doanh nghiệp, ông hay nhắc đến giá trị của thương hiệu như một yếu tố tiền đề để lớn mạnh và vươn xa. Ông có thể phân tích rõ hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu?
- Khi doanh nghiệp muốn nâng được giá trị cho sản phẩm của mình thì họ phải xây dựng được thương hiệu. Thương hiệu có uy tín và được nhiều người biết đến sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng được sản xuất, vươn xa và lớn mạnh dần. Nhiều tập đoàn trên thế giới thành công và chiếm lĩnh được thị trường ở các quốc gia, vùng lãnh thổ và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để sở hữu sản phẩm của doanh nghiệp đó sản xuất cũng là nhờ thương hiệu tập đoàn đó tạo ra.
Tôi ví dụ, một số thương hiệu nước hoa, túi xách nổi tiếng của thế giới có giá bán lên đến hàng chục ngàn USD mà vẫn có nhiều người muốn sở hữu bằng được. Trong đó, giá trị thực của mặt hàng đó chỉ chiếm 2,5-3% so với giá bán ra, còn lại khách hàng phải trả 97-97,5% giá trị của thương hiệu sản phẩm. Đây cũng là lý do tôi luôn tư vấn cho các doanh nghiệp phải có sự nghiên cứu, đầu tư lớn vào việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.
* Vậy ông đánh giá ra sao về câu chuyện xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam?
Bắt đầu từ năm 1995, GS.Hà Tôn Vinh đã tham gia những khóa chia sẻ về quản trị kinh doanh dành cho doanh nhân Việt Nam. Sau này, từ năm 2002, GS Vinh đã thuyết phục Viện Đại học Hawaii mở khóa đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh hợp tác với Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học quốc gia Hà Nội. 10 năm sau đó, ông hợp tác với Đại học tổng hợp California Miramar University để tổ chức các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Việt Nam. Đến nay, ông vẫn duy trì việc tư vấn tài chính cho các tập đoàn lớn tại Việt Nam và tham gia giảng dạy các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. |
- Tôi đã từng tham gia tư vấn cho những tập đoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nhiều nước và tôi thấy tự hào là người Việt của chúng ta rất thông minh. Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp trong nước chưa chú ý, có kế hoạch và sự đầu tư bài bản trong xây dựng thương hiệu để cạnh tranh tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Do đó, sản phẩm làm ra đa dạng, chất lượng tốt nhưng khi xuất khẩu lại phải qua nước trung gian, mang thương hiệu khác nên giá trị chúng ta thu về chưa cao.
Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam xây dựng được thương hiệu có thể xuất khẩu trực tiếp thì giá trị gia tăng của sản phẩm có thể cao gấp nhiều lần so với giá trị thực. Những năm gần đây, tôi thấy doanh nghiệp bắt đầu chú ý nhiều đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đây là hướng đi đúng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và lớn mạnh dần.
* Hoa Kỳ là thị trường lớn của Việt Nam, nhưng lâu nay các doanh nghiệp trong nước mới chỉ chú ý nhiều đến việc xuất, nhập khẩu hàng hóa với thị trường này. Theo ông, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Hoa Kỳ có lớn không?
- Gần đây, có những doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu quan tâm đến việc đầu tư vào Hoa Kỳ và có nhờ tôi tư vấn. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực bất động sản ở Hoa Kỳ. Tôi có nhiều năm theo dõi bất động sản ở Hoa Kỳ thì thấy, lợi nhuận từ lĩnh vực này đem lại không cao như ở Việt Nam. Đặc biệt là mua, xây dựng nhà, khách sạn cho thuê thì rất dễ xảy ra những rủi ro ngoài ý muốn khó dự đoán trước, việc giải quyết hậu quả rất vất vả.
Các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào Hoa Kỳ có thể chọn những lĩnh vực khác như: nông nghiệp, kinh doanh các chuỗi cửa hàng. Hình thức đầu tư có thể là thành lập công ty mới hoặc mua lại công ty của Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp trước khi đầu tư vào Hoa Kỳ phải tìm hiểu rõ các quy định của luật pháp từng bang nơi mình dự tính đặt trụ sở.
* Tôi tự hào là người Việt
Ngoài tham gia giảng dạy, GS.Hà Tôn Vinh còn làm cố vấn cao cấp về tài chính, hạ tầng cho nhiều dự án lớn ở trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan, Bỉ, Thái Lan, Ai Cập, Mông Cổ và nhiều nước ở Tây Phi. Tại Việt Nam, ông đã tham gia cố vấn cho những dự án của Chính phủ là cổ phần hóa doanh nghiệp, Báo cáo khung quốc gia về đầu tư tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Ngân hàng Thế giới, thủy điện Sơn La; hiện đại hóa ngân hàng... Đồng thời, ông còn là tác giả và đồng tác giả nhiều tài liệu, báo cáo quốc tế chuyên môn, được mời thuyết trình trong hơn 60 hội thảo của quốc gia và thế giới về cải tổ doanh nghiệp, lãnh đạo trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, vấn đề tài chính của dự án, tài chính để đầu tư hạ tầng kỹ thuật... |
* Ông đã từng gắn bó với một số chính trị gia lớn và sau này đã trở thành Tổng thống của Hoa Kỳ thông qua các cuộc vận động bầu cử cho họ. Ông có thể kể về quá trình mình đến Hoa Kỳ và tham gia vận động bầu cử cho các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ?
- Vào năm 1976-1978, tôi học Cao học Ngoại giao và phát triển kinh tế tại Đại học tổng hợp Georgetown ở Washington. Sau đó, tôi được học bổng của Chính phủ Hoa Kỳ và học tiếp tiến sĩ thuộc ngành Quản trị công tại Đại học tổng hợp Catholic University of America. Tôi tham gia giảng dạy, tư vấn cao cấp tại Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều quốc gia khác. Tôi được nhiều thượng nghị sĩ, Dân biểu Hoa Kỳ mời tham gia vận động tranh cử cho họ. Trong số đó có ông Ronald Reagan và George Bush, Donald Trump đã trúng cử làm Tổng thống. Và tôi cũng từng được đề cử làm trợ lý đặc biệt của Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Ronald Reagan.
* Ông sống ở Hoa Kỳ hơn 50 năm và trở thành chuyên gia cao cấp trên nhiều lĩnh vực ở Hoa Kỳ, điều gì khiến ông đã ở tuổi ngoài 70 vẫn thường xuyên về Việt Nam để tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước?
- Dù tôi đã trở thành công dân của Hoa Kỳ nhưng tôi vẫn tự hào mình là người Việt Nam. Do đó, khi còn sức khỏe tôi vẫn muốn góp sức tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc quản trị, tái cơ cấu, mở rộng sản xuất, xuất khẩu góp phần phát triển kinh tế cho nước nhà.
Tôi có may mắn đã từng được tham quan, làm việc ở 70 quốc gia trên thế giới. Vì thế, tôi rất muốn đem những nghiên cứu, hiểu biết của mình chia sẻ cho các doanh nghiệp Việt để họ hiểu rõ về những khó khăn cũng như cơ hội trong quá trình tham gia hội nhập sâu. Môi trường đầu tư ở các nước, những chính sách mới ban hành của Hoa Kỳ, các nước có thể ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp Việt...
* Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Bởi hàng hóa của Việt Nam ở những thị trường khác bị cạnh tranh gay gắt với hàng của Trung Quốc, về việc này ông có chia sẻ gì với doanh nghiệp Việt?
- Tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt không nên nghĩ rằng hàng hóa của mình sẽ cạnh tranh với hàng Trung Quốc, vì không thể làm được điều này khi họ chủ động được hầu hết các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nên giá thành sản phẩm của họ rất thấp. Trong khi, các doanh nghiệp Việt sản xuất phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc nên giá thành sẽ bị đẩy lên cao hơn. Theo đó, doanh nghiệp Việt nên chú ý đến việc tìm ra những mặt hàng, thị trường chịu sự cạnh tranh ít hơn và nên đầu tư vào xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị của sản phẩm.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)