Báo Đồng Nai điện tử
En

'Tôi nguyện là người thợ cày trên cánh đồng chữ '

09:12, 20/12/2019

Dịch giả Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976, tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ở tuổi 13, cô phải nghỉ học vì mắc căn bệnh nan y loạn dưỡng cơ. Vừa chống chọi với căn bệnh, Bích Lan vừa tự học để trở thành một dịch giả, một nhà văn.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976, tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ở tuổi 13, cô phải nghỉ học vì mắc căn bệnh nan y loạn dưỡng cơ. Vừa chống chọi với căn bệnh, Bích Lan vừa tự học để trở thành một dịch giả, một nhà văn.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan. (ảnh nhân vật cung cấp)
Dịch giả Nguyễn Bích Lan. (ảnh nhân vật cung cấp)

Sau 19 năm bước vào con đường dịch thuật, Nguyễn Bích Lan đã có cho mình 36 tác phẩm dịch và 4 tập truyện, thơ tự sáng tác. Với Nguyễn Bích Lan, dịch thuật là con đường để cô không cảm thấy mình là người vô dụng, để ước nguyện làm “người thợ cày trên cánh đồng chữ nghĩa” của mình được thực hiện.

* Cô gái không gục ngã

* Cuốn tự truyện Không gục ngã của chị xuất bản vào năm 2014 để lại ấn tượng sâu sắc với người đọc. Hành trình vượt qua nỗi đau bệnh tật, vượt qua số phận của chị là câu chuyện dài đáng khâm phục. Đã bao giờ ngẫm lại, từ đâu mà chị có thể đi qua được quãng đời gian khó ấy?

- Đây cũng là câu hỏi mà rất nhiều người đã hỏi tôi trong những năm qua. Tôi tin rằng chính khát khao được sống một cuộc sống có ích, một cuộc sống mà bản thân mình không trở thành gánh nặng cho bất cứ ai, được làm những gì mình mơ ước đã giúp tôi trụ vững qua nghịch cảnh. Tôi hiểu rằng nếu mãi chìm trong chán nản và buông xuôi thì vô tình có thể tước đi tương lai của mọi thành viên trong gia đình bởi chúng tôi rất yêu thương nhau. Từ trong tuyệt vọng, tôi dường như đã nhận thức được trách nhiệm trả lại cuộc sống bình thường bằng cách phải “bình thường hóa” bi kịch của cá nhân.

* Không chỉ vượt qua những cơn bệnh mà chị còn tự học tiếng Anh và trở thành dịch giả của nhiều cuốn sách được bạn đọc rất chú ý. Phải chăng, đây cũng là niềm vui, là sự “cứu cánh” cho bản thân?

- Tôi gọi đó là con đường. Một con đường cho phép tôi sống và lao động như những người bình thường khác. Những cuốn sách, việc dịch và viết sách là cứu cánh của tôi, là kết quả của sự tự học và lao động chăm chỉ, nghiêm túc, sáng tạo. Nó cho thấy tôi là người có ích cho bản thân tôi và cho độc giả của tôi. Tôi xin khẳng định một điều rằng, cuộc chiến lớn nhất của con người chính là cuộc chiến chống lại sự vô dụng của bản thân. Bởi thế, ý thức mình có ích là cực kỳ quan trọng, ngay cả với những người bình thường chứ chưa nói đến những người bệnh tật như tôi.

* Chị bắt đầu dịch sách từ khi nào? Năm 2010 chị đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm dịch Triệu phú khu ổ chuột, nó có ý nghĩa ra sao đối với chị?

Nguyễn Bích Lan dịch nhiều sách văn học như Triệu phú khu ổ chuột của tác giả Vikas Swarup, Tuyển tập truyện ngắn Một đêm duy nhất của văn hào Rabindranath Tagore, Từ sông Nile đến sông Jordan của Ada Aharoni, Phật ở tầng áp mái của Julia Otsuka... Nguyễn Bích Lan cũng là người dịch bộ tự truyện của diễn giả không chân không tay Nick Vujicic. Chị hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, được giải Nhân tài đất Việt năm 2018 và là một trong 8 phụ nữ đương đại được tôn vinh tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

- Tôi bắt đầu dịch sách từ năm 2001, chủ yếu dịch sách văn học. Cho đến nay tôi dịch được 36 cuốn, chủ yếu là tiểu thuyết, trong đó có các cuốn của 3 nhà văn từng đoạt Giải Nobel văn học. À, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho bản dịch Triệu phú khu ổ chuột ư? (cười). Ở Việt Nam, về lý thuyết thì đó là giải thưởng chuyên môn cao nhất dành cho người làm văn học dịch, nhưng với tôi giải thưởng cao nhất là từ phía bạn đọc. Thật vui, bản dịch đó được tái bản rất nhiều lần kể từ khi ra đời vào năm 2009. Đó là cuốn sách dịch của tôi được nhiều người đọc nhất. Nhiều bạn đọc cho nó 10/10 điểm vì tính nhân văn, mức độ cuốn hút. Nó làm cho nhiều người không có thói quen đọc sách, bắt đầu thử đọc sách. Dịch cuốn sách đó tôi trở thành “triệu phú của niềm vui!”.

* Để dịch văn học thành công thì không chỉ giỏi tiếng Anh, chắc chắn chị phải tìm hiểu rất nhiều những thứ liên quan đến cuốn sách mình dịch?

- Bất cứ ai dịch tác phẩm văn học cũng biết rằng tiếng Anh chỉ là một trong nhiều yếu tố cần thiết. Ngoài khả năng tiếng Anh, người dịch phải có hiểu biết sâu rộng về văn hóa, lịch sử, và nhiều lĩnh vực của đời sống được nhắc đến trong tác phẩm. Thường thì những tác phẩm chất lượng cao cũng chứa đựng hàm lượng văn hóa, văn chương, kiến thức ở mức cao. Người dịch không được trang bị những kiến thức đó rất dễ dịch sai hoặc dịch “không tới’. Một điều tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh là khả năng sử dụng tiếng Việt của người dịch. Tôi cho rằng người dịch văn học lý tưởng là nhà văn, biết ngoại ngữ và có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực.

* Muốn được là “người thợ cày trên cánh đồng chữ”

* Không chỉ dịch sách mà chị còn sáng tác, đặc biệt là cuốn tự truyện Không gục ngã đã tái bản đến lần thứ 7. Theo chị, ở vai trò dịch giả và vai trò tác giả có sự bổ sung cho nhau hay không?

- Tôi nghĩ là có. Nhiều độc giả đọc tác phẩm sáng tác của tôi nhận xét rằng văn của tôi ngắn gọn, mạch lạc, không thừa chữ, chắc chắn có ảnh hưởng từ các nhà văn sử dụng tiếng Anh mà tôi đã dịch. Ngoài ra, sự dịch và đọc cũng là “tiếp xúc” và sự tiếp xúc với những mảng văn chương đa dạng của các nền văn hóa khác nhau cũng kích thích khả năng sáng tạo trong tôi. Ngược lại, vì có khả năng sáng tác mà việc dịch văn học của tôi chắc chắn thuận lợi hơn: bạn nắm được mạch văn, biết sử dụng ngôn ngữ tạo thành dòng chảy của ý nghĩa và cảm xúc. Nhìn bao quát hơn, có thể thấy mọi trải nghiệm trong đời sống đều góp phần tạo nên con người của chúng ta hiện nay. Trong lao động văn chương cũng thế, dịch và viết có mối quan hệ tương hỗ.

* Chị được rất nhiều bạn đọc yêu mến và trở thành một trong những người truyền cảm hứng, đặc biệt là thế hệ trẻ, chắc chị có nhiều kỷ niệm lắm?

“Cuộc chiến lớn nhất của con người chính là cuộc chiến chống lại sự vô dụng của bản thân. Bởi thế, ý thức mình có ích là cực kỳ quan trọng, ngay cả với những người bình thường chứ chưa nói đến những người bệnh tật như tôi” - Nguyễn Bích Lan.

- Tôi có thể viết cả một cuốn sách dày về những cuộc gặp gỡ ở ngoài đời mà khởi nguồn là từ những cuốn sách. Thực tế cho thấy cuốn tự truyện Không gục ngã của tôi đã góp phần thúc đẩy việc tự học tiếng Anh và vượt khó ở nhiều bạn đọc trẻ. Cuốn sách cũng tạo ra những người lan tỏa tinh thần không gục ngã trước khó khăn: có độc giả mua cả trăm cuốn sách để tặng các học trò, thầy cô, thư viện công cộng, những nhóm bệnh nhân tại các bệnh viện. Nhà tôi trong những năm qua trở thành điểm đến của nhiều độc giả. Qua những trang sách, nhiều độc giả đã đi tìm tôi ở ngoài đời. Những cuộc gặp gỡ phi vụ lợi của những người yêu quý sách như thế thường rất cảm động.

* Chị luôn tự nhận mình là “người thợ cày trên cánh đồng chữ”, bạn đọc cũng gọi chị là “cô gái không gục ngã”, chị nói gì về điều này?

- Tôi hầu như không nhận mình là nhà văn, tự tôi cảm thấy hổ thẹn khi gọi mình là nhà văn vì cuộc sống hiện tại của chúng ta ở đây có bao nhiêu điều mà đáng lẽ người cầm bút phải đau đáu mà viết ra bằng mực chảy từ tim, vì lợi ích của người dân. Tôi tự nhận mình là “thợ cày trên cánh đồng chữ” bởi việc dịch văn học rất vất vả (có khi còn cực nhọc hơn đi cày), mà “mùa màng” thì nhiều khi phụ thuộc vào những yếu tố ở bên ngoài bản thân người dịch, chẳng hạn như dân trí, sự phát triển của văn hóa đọc, và tâm thế của bạn đọc. Tôi cũng thích cái tên “cô gái không gục ngã” mà bạn đọc đặt cho, bởi vì tôi đã dám vượt lên nghịch cảnh tưởng chừng không vượt qua nổi và đến giờ tôi vẫn chưa gục ngã (cười).

* Nhân dịp tái bản tự truyện Không gục ngã, chị có nhắn nhủ gì với bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi và những người có hoàn cảnh không may mắn trong cuộc sống?

- Tôi đã vượt khó hơn 30 năm nay và tôi muốn nhắn nhủ các bạn điều này: nghịch cảnh luôn có hai mặt. Chúng ta thường có xu hướng quá tập trung vào mặt tiêu cực của nó mà quên rằng khó khăn chính là cơ hội để rèn luyện ý chí, đánh thức những khả năng tiềm ẩn bên trong chúng ta, là cơ hội để nhận ra tình yêu thực sự, giá trị đích thực của cuộc sống. Nếu bạn đã nhìn thấy mặt tiêu cực của nghịch cảnh, thì bây giờ hãy bắt đầu nhìn vào mặt kia của nó. Nhiều khi những gì bạn thấy còn là cả một trời cơ hội. Hãy để tinh thần lạc quan thôi thúc bạn vượt qua nghịch cảnh.

 Xin cảm ơn chị!

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều