Ông Yamamoto Nobutane là giảng viên các khóa học Keieijuku - khóa học kinh doanh cao cấp nằm trong chương trình hợp tác giữa Trường đại học ngoại thương và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Ông nguyên là thành viên Hội đồng quản trị của Tập đoàn Panasonic - một trong những tập đoàn điện tử lớn nhất Nhật Bản.
Ông Yamamoto Nobutane là giảng viên các khóa học Keieijuku - khóa học kinh doanh cao cấp nằm trong chương trình hợp tác giữa Trường đại học ngoại thương và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Ông nguyên là thành viên Hội đồng quản trị của Tập đoàn Panasonic - một trong những tập đoàn điện tử lớn nhất Nhật Bản.
Ông Yamamoto Nobutane, nguyên thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Panasonic chia sẻ tại buổi giao lưu với Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai. Ảnh: H.quân |
Với hơn 40 năm gắn bó và làm việc tại Tập đoàn Panasonic, ông Yamamoto Nobutane từng trải qua nhiều vị trí khác nhau với biết bao thăng trầm cùng với tập đoàn này. Đó là những chất liệu thực tiễn quý báu để ông viết nên những cuốn sách về hành trình hình thành và phát triển của một trong những tập đoàn lớn ở Nhật Bản như Panasonic. Ông chính là tác giả của các cuốn sách như: Trở thành vị thánh kinh doanh nhờ những bài học từ vua ô tô, Thắp lửa trái tim - Những bài học quản trị thực tiễn từ Konosuke Matsushita - nhà sáng lập Tập đoàn Panasonic...
* Quản trị doanh nghiệp dựa trên “vị nhân sinh”
* Thưa ông, sau cuốn sách Trở thành vị thánh kinh doanh nhờ những bài học từ vua ô tô nhận được những phản hồi tích cực từ phía bạn đọc, cuốn sách Thắp lửa trái tim của ông tiếp tục được Công ty TNHH thuế, kế toán Luật Việt Á mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam. Ông muốn nhắn gửi điều gì với bạn đọc thông qua cuốn sách này?
- Với Thắp lửa trái tim, điều tôi muốn nhấn mạnh đầu tiên trong đó là mỗi người lãnh đạo phải tự “thắp lửa” trong trái tim mình, sau đó truyền ngọn lửa đó và thắp sáng nó cho tất cả những người xung quanh. Để làm được điều này, người lãnh đạo doanh nghiệp phải thực sự coi trọng nhân viên của mình, qua đó mới chia sẻ cái tâm lan tỏa đến nhân viên và xã hội, đó là điều quan trọng nhất.
Để làm được điều này tôi có 3 ý muốn chia sẻ thêm, một là doanh nghiệp phải tự mình “mạnh” lên, các bạn phải có cách nào đó để làm cho doanh nghiệp mình lớn mạnh lên. Thứ hai, lãnh đạo doanh nghiệp đòi hỏi phải nhân hậu, yêu con người. Bởi khi chúng ta có lòng yêu thương thì sẽ được nhân viên yêu quý trở lại, nếu chúng ta không “được yêu” thì công việc và sự nghiệp sẽ không thể kéo dài. Dù khoa học - công nghệ có phát triển mạnh đến đâu thì quản trị doanh nghiệp vẫn cần dựa trên những nguyên tắc “vị nhân sinh” (vì con người) để tồn tại và phát triển bền vững.
Và cuối cùng là phải nhanh chóng thích nghi với môi trường xung quanh. Không phải chỉ có nhân hậu hay doanh nghiệp mạnh lên là đủ mà cần phải tỉnh táo thức thời để thích nghi với thời cuộc, với xã hội, lúc đó doanh nghiệp mới tồn tại được.
* Qua tiếp xúc ở các khóa đào tạo, ông đánh giá như thế nào về năng lực và có lưu ý gì với các doanh nghiệp Việt Nam?
- Nếu nhận xét về cộng đồng doanh nghiệp Việt và doanh nhân Việt Nam, xét trên quá trình giảng dạy và tiếp xúc của tôi với doanh nhân Việt, tôi thấy một số ưu điểm theo tôi là khá tốt. Trước hết, các doanh nhân Việt Nam tham gia các lớp học rất cầu thị và nghiêm túc so với doanh nhân đến từ các quốc gia khác. Thứ hai là có sự nhiệt tình, rất chăm học và lắng nghe, học từ thầy và học từ bạn. Điều thứ ba tôi nhận thấy là sự năng động của các doanh nhân Việt, nhất là các nữ doanh nhân Việt Nam tham gia vào quản trị doanh nghiệp và hoạt động xã hội rất tốt.
Thông điệp tôi muốn gửi gắm đến các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam là kể từ thời Minh Trị duy tân đến nay, Nhật Bản sở dĩ có những bước phát triển có thăng có trầm nhưng được như ngày hôm nay đó là nhờ ý thức tự giác của từng con người Nhật Bản và sự đóng góp của các doanh nhân.
Trước khi đợi xã hội, đợi cơ chế chính quyền “làm gì cho mình” thì từng công dân, từng doanh nhân của đất nước phải cố gắng tự ý thức vào việc làm thay đổi xã hội, quốc gia này tốt đẹp hơn. Là doanh nhân phải có chí khí và chia sẻ với nhân viên, xã hội thực tâm. Đừng ngồi đợi xã hội thay đổi để mình được lợi thay đổi theo mà hãy chủ động tạo ra sự thay đổi.
* Giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản có những điểm tương đồng và khác biệt nào, thưa ông?
- Tôi đã có điều kiện gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam, phải nói có những doanh nghiệp rất nhỏ nhưng họ lại có những thứ rất riêng, thành ra mặc dù quy mô nhỏ khó có cơ hội để trở thành số 1 của cả lĩnh vực lớn. Nhưng vì có những thứ rất riêng, khác biệt hóa nên nhỏ lại là lợi thế lớn ở thị trường ngách, điều ấy rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Đó là điểm chung giữa doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản và Việt Nam.
Còn điểm khác biệt tôi thấy là doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản đang phải đối mặt với một khó khăn rất lớn là không có người kế cận, doanh nghiệp Nhật Bản đang dần bị mất đi người tiếp nối để duy trì cho các thế hệ sau. Trong khi đó, các doanh nghiệp của Việt Nam thì luôn ý thức về việc chuyển giao giai đoạn tiếp theo cho người kế cận. Từ ý thức đó, các chủ doanh nghiệp của Việt Nam đã chủ động đào tạo tuyển chọn con người khá tốt.
* Doanh nghiệp còn ham học hỏi thì còn lớn mạnh
* Theo ông, thách thức lớn nhất đối với doanh nhân trong giai đoạn hiện nay là gì?
- Sự phát triển ngày càng nhanh của công nghệ, thông tin ngày càng có vai trò “thống trị”, hệ thống Big Data (dữ liệu lớn) và trí tuệ nhân tạo (AI) vừa là cơ hội lớn để các doanh nghiệp có thêm điều kiện phát triển, nhưng nếu quản trị doanh nghiệp không khéo thì chính sự phát triển của khoa học - công nghệ, của trí tuệ nhân tạo đó sẽ tác động ngược trở lại, trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với doanh nghiệp.
Một thực tế khác là với tốc độ phát triển quá nhanh của công nghệ, một số doanh nghiệp trở nên quá lệ thuộc vào công nghệ mà quên đi giá trị bền vững thực sự để phát triển doanh nghiệp: đó là mối quan hệ người với người trong quản lý, sản xuất và bán hàng, phát triển doanh nghiệp. Điều này hiện đang được nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản nghiêm túc nhìn nhận lại để có một định hướng, chiến lược phát triển phù hợp hơn trong thời đại mới.
Bởi, dù công nghệ có phát triển thế nào đi nữa, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững vẫn phải dựa trên xuất phát điểm là con người và hướng tới đích đến cũng là con người để đứng vững trong một thời đại đầy thách thức của công nghệ nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
* Ông muốn nhắn nhủ điều gì với các doanh nhân, nhất là đối với những doanh nhân trẻ ở Việt Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng?
- Tôi nhắn nhủ với các doanh nhân rằng, sự ham học là thứ chúng ta phải duy trì, bởi nó rất dễ bị lãng quên. Khi thành công, chúng ta thường rơi vào “cái bẫy của sự ngạo mạn”. Tôi mong các doanh nhân nói chung và các doanh nhân trẻ nói riêng, khi các bạn thành công đến đâu thì cũng không bao giờ được quên sự khiêm nhường và sự ham học. Chừng nào còn khiêm nhường, còn ham học thì doanh nhân đó còn lớn và doanh nghiệp còn có thể lớn mạnh thêm.
Các doanh nhân trẻ hãy như là những cây tre Việt Nam luôn mềm dẻo khi cần và vững chãi khi khó khăn, sẵn sàng đương đầu với những thách thức của thời đại mới để chủ động vươn mình, đón đầu làn sóng hội nhập và phát triển…
* Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất đối với ông khi ở Việt Nam?
- Sau 7 năm, tôi mới có dịp trở lại Việt Nam sau một thời gian dài điều trị bệnh. Tôi vẫn luôn giữ liên lạc với đồng nghiệp, học trò là những doanh nhân tham gia khóa học Kinh doanh cao cấp Keieijuku. Điều mà tôi luôn cảm nhận được là sự chân thành và cái tình của người Việt. Tuy xa cách về địa lý nhưng tình cảm giữa tôi và các bạn Việt Nam rất gần gũi, thân mật, mỗi lần gặp nhau thầy trò tay bắt mặt mừng, thoải mái chia sẻ với nhau những tâm tư, kỷ niệm. Đó là thứ tình cảm xuất phát từ trái tim và kết thúc bằng trái tim. Tôi thực sự ấn tượng và ghi nhớ những tình cảm chân thành đó.
Xin cảm ơn ông!
Vân Nam - Hải Quân
(thực hiện)