Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến vừa có chuyến làm việc tại Đồng Nai về tình hình dịch tả heo châu Phi (ASF). Thứ trưởng đánh giá cao các giải pháp Đồng Nai đã thực hiện trong công tác phòng, chống dịch ASF.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: B.NGUYÊN |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến vừa có chuyến làm việc tại Đồng Nai về tình hình dịch tả heo châu Phi (ASF). Thứ trưởng đánh giá cao các giải pháp Đồng Nai đã thực hiện trong công tác phòng, chống dịch ASF.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi về ảnh hưởng của dịch ASF đến ngành chăn nuôi Việt Nam và các giải pháp cần thực hiện nhằm đảm bảo ổn định thị trường tiêu dùng cuối năm.
* An toàn sinh học là “vũ khí” chống dịch
* Thứ trưởng đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống dịch ASF của tỉnh Đồng Nai?
- Đồng Nai đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc hết sức quyết liệt trong trong công tác phòng, chống dịch ASF. Tỉnh đã có những công cụ kiểm soát hiệu quả. Cụ thể như, các chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn tỉnh từ khi được lập đến nay đã kiểm tra tổng cộng trên 9,3 ngàn xe vận chuyển heo qua địa bàn với gần 1,6 triệu con. Trong đó, trên 1,2 ngàn xe với trên 285 ngàn con heo được vận chuyển từ các tỉnh, thành khác đến tiêu thụ tại Đồng Nai.
Đồng Nai tuy là tỉnh có tổng số heo thuộc tốp đầu cả nước nhưng tỷ lệ heo tiêu hủy vì dịch tả ASF thấp hơn nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.
* Theo Thứ trưởng, giải pháp chống dịch hữu hiệu nhất hiện nay là gì?
- Dịch ASF hết sức nguy hiểm, các giải pháp về làm ra vaccine cũng chỉ mới bắt đầu triển khai. Con đường lây lan của dịch này được cho là hết sức phức tạp. Vậy nên các biện pháp an toàn sinh học vẫn là “vũ khí” hữu hiệu nhất hiện nay trong phòng, chống dịch này. Điều này được chính minh rất rõ là ổ dịch lớn nhất ở trại heo Phú Sơn (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) nhờ làm tốt an toàn sinh học nên không để lan rộng ra xung quanh.
* Các địa phương hiện đang gặp khó khăn trong xử lý vi phạm, nhất là tình trạng vứt heo chết, heo bệnh ra sông, suối. Thứ trưởng có ý kiến gì về việc xử lý tình trạng này?
- Thời gian qua, Đồng Nai đã phát hiện và xử lý một số trường hợp chở heo dịch đi tiêu thụ hoặc vận chuyển heo, gà không chứng minh được nguồn gốc. Tỉnh cần chỉ đạo lực lượng công an nắm tình hình từng vụ việc để có giải pháp xử lý hiệu quả; đồng thời tập trung rà soát, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các vi phạm này. Đồng Nai có địa bàn rất phức tạp với mạng lưới giao thông; cơ sở giết mổ lớn, nếu không kiểm soát tốt thì đây là nguồn lây lan dịch bệnh lớn.
* Đảm bảo ổn định thị trường
An toàn sinh học là giải pháp bảo đảm cho vật nuôi cách ly được với các vi khuẩn, virus và các tác nhân sinh vật gây bệnh khác. Cụ thể, khu vực chăn nuôi có hàng rào ngăn cách; hạn chế tối đa người lạ ra vào khu vực chăn nuôi; thường xuyển tổ chức tiêu độc, khử trùng định kỳ; kiểm soát chặt chẽ khu vực chăn nuôi từ con giống, thức ăn, dụng cụ chăn nuôi... |
* Gần đây, thịt heo bắt đầu tăng giá mạnh và dự báo giá mặt hàng này còn biến động mạnh trong thời gian tới do thiếu hụt nguồn cung. Thứ trưởng dự báo gì về thị trường heo thịt trong thời gian tới?
- Dự báo giá heo hơi tăng cao trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở vì nguồn cung ứng heo tại Việt Nam và các nước lân cận, nhất là lượng heo từ Trung Quốc cũng đang giảm mạnh vì bị ảnh hưởng do dịch ASF. Trong khi đó, dịch ASF vẫn diễn biến hết sức phức tạp, vẫn tiếp tục gây thiệt hại cho chăn nuôi heo. Dự báo giá heo hơi tại Việt Nam có thể tăng lên mức 55-60 ngàn đồng/kg vào những tháng cuối năm.
* Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã có những giải pháp nào để ổn định thị trường thịt heo, thưa Thứ trưởng?
- Đón đầu cơ hội heo tăng giá, một số tỉnh đã thực hiện rất tốt mô hình chăn nuôi sạch, chăn nuôi an toàn sinh học cả với chăn nuôi trang trại và chăn nuôi nhỏ lẻ. Điều này khẳng định nếu làm tốt an toàn sinh học thì vẫn có thể bảo vệ và phát triển đàn heo, đảm bảo sản lượng thịt heo cung cấp cho thị trường cuối năm và đặc biệt cho Tết Nguyên đán 2020. Điều này cũng góp phần kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Mặt khác, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng định hướng về việc tập trung phát triển đàn gia cầm, nuôi trồng thủy sản để bù vào lượng heo thiếu hụt trong giai đoạn tới. Cụ thể, chỉ đạo của Bộ là tăng trưởng đàn gia cầm lên 13% so với trước, hiện mức tăng này đã đạt khoảng 8%. Thời gian tới, Bộ sẽ cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng cân đối lại cho phù hợp hơn, không để thịt heo chiếm tỷ trọng quá lớn như hiện nay.
* Thứ trưởng có góp ý gì cho Đồng Nai về việc phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới?
- Đồng Nai là "thủ phủ" chăn nuôi lớn của cả nước, lại đi đầu trong thí điểm vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tỉnh cần cơ cấu lại ngành chăn nuôi, không để sự thiệt hại của dịch ASF ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Đồng Nai hoàn toàn đủ điều kiện ứng dụng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để giữ và tăng trưởng đàn heo vì tỉnh có tính chuyên nghiệp cao và giàu kinh nghiệm chăn nuôi.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Bình Nguyên (thực hiện)