Hơn 25 năm làm công tác giảng dạy, tư vấn cho các doanh nghiệp, PGS-TS.Võ Tấn Phước, Chủ nhiệm ngành Quản trị kinh doanh Trường đại học công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh không chỉ là người thầy mà còn là chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế được nhiều người biết đến. Theo ông, tham gia hội nhập sâu, mỗi địa phương nên xây dựng thương hiệu riêng cho từng mặt hàng.
Hơn 25 năm làm công tác giảng dạy, tư vấn cho các doanh nghiệp, PGS-TS.Võ Tấn Phước, Chủ nhiệm ngành Quản trị kinh doanh Trường đại học công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh không chỉ là người thầy mà còn là chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế được nhiều người biết đến. Theo ông, tham gia hội nhập sâu, mỗi địa phương nên xây dựng thương hiệu riêng cho từng mặt hàng.
Đồng Nai là nơi nổi tiếng có nhiều loại nông sản, thực phẩm ngon, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đặc sắc. Nếu mỗi mặt hàng có sản lượng lớn đều xây dựng được chỉ dẫn địa lý và có thương hiệu sẽ rất thuận lợi trong việc tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
* Cơ hội có thể hóa thành thách thức
* Thưa ông, 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết đã có hiệu lực. Ông thấy doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng các cơ hội mang đến chưa?
- Hội nhập nhanh và sâu đã đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội trong thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Nhờ hội nhập thế giới mới biết đến nước ta.
Từ một quốc gia phải nhập khẩu nông sản, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn của thế giới. Về công nghiệp, tôi đơn cử trước khi ký kết các FTA, Việt Nam xuất khẩu dệt may chỉ khoảng 17 triệu USD. Sau khi ký các FTA, dệt may xuất khẩu tăng 10 lần và đến năm 2018 đã vượt 30 tỷ USD.
Sắp tới, khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tiếp tục được mở rộng. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng nhanh, hiện có trên 26,5 ngàn dự án, vốn đăng ký 334 tỷ USD, đóng góp 65% cho kim ngạch xuất khẩu và tạo ra khoảng 5 triệu việc làm. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay so với năm 2008 đã tăng gấp hơn 2 lần.
Tuy nhiên, doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các FTA chỉ đạt khoảng 30-35%, nếu con số này được nâng cao thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn tiến xa hơn nữa.
* Khi tham gia vào hội nhập sâu, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu ở những khâu nào?
- Theo tôi tìm hiểu thì Việt Nam ký nhiều FTA nhanh, song các khâu chuẩn bị cho doanh nghiệp tiếp nhận còn chậm. Vì thế, khi các FTA ký kết có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp hiểu rõ và có chuẩn bị từ trước để hưởng các ưu đãi chưa được như mong muốn.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa không biết về những cơ hội giảm thuế quan, điều kiện, quy tắc xuất xứ sản phẩm để hưởng ưu đãi thuế quan, chưa biết cách tuân thủ những thủ tục phức tạp từ các FTA. Trong sản xuất, doanh nghiệp Việt còn yếu ở khâu liên kết nên khó đáp ứng được các yêu cầu về số lượng, chất lượng...
* Vậy phải khắc phục những điểm yếu trên như thế nào, thưa ông?
- Với mỗi FTA, trước khi ký kết thì nên tuyên truyền kỹ và sâu rộng trước cho người dân, doanh nghiệp biết từ 5-10 năm trước để họ có sự chuẩn bị về công nghệ, lao động, nguyên liệu. Như vậy khi các FTA có hiệu lực, doanh nghiệp có thể hưởng ngay được các ưu đãi từ thuế quan.
Trong khối ASEAN, tôi thấy Thái Lan và Singapore làm khá tốt khâu chuẩn bị khi tham gia hội nhập sâu. Phía các doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm hiểu các FTA, những quy định liên quan đến mặt hàng mình đang sản xuất, kinh doanh để có sự liên kết, đầu tư cho đạt yêu cầu. Cụ thể như tới đây khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, đây là thị trường 600 triệu dân, chiếm trên 15,4% kim ngạch thương mại toàn cầu, hàng hóa muốn vào thị trường này thì sản xuất phải đạt các tiêu chuẩn của châu Âu. Trong đó, quy tắc xuất xứ hàng hóa tùy theo từng mặt hàng đòi hỏi tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm từ 20-70%.
Các FTA mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhưng nếu không kịp nắm bắt sẽ trở thành những thách thức. Vì hàng Việt Nam không vào được các thị trường của những nước mà Việt Nam đã ký FTA thì hàng hóa các nước trên sẽ tràn vào Việt Nam, theo đó doanh nghiệp không mở rộng được xuất khẩu, đồng thời khó giữ được thị phần trên sân nhà.
* Nâng giá trị cho sản phẩm
* Nhiều năm nghiên cứu, tư vấn cho doanh nghiệp Đồng Nai, theo ông vì sao tỉnh có nhiều nông sản nổi tiếng nhưng xuất khẩu lại được rất ít?
- Đồng Nai là nơi có rất nhiều loại trái cây ngon, nổi tiếng trong nước như: chôm chôm, bưởi, măng cụt, sầu riêng, xoài... nhưng xuất khẩu chính ngạch được rất ít.
Nguyên nhân chính là chưa xây dựng được chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho từng mặt hàng, thiếu chế biến sâu để đa dạng sản phẩm. Trái cây nhiều nhưng lại chưa liên kết để sản xuất theo cùng một quy trình và quá trình sản xuất chưa nhắm đến những thị trường xuất khẩu cụ thể để có đầu tư cho phù hợp.
Theo tôi, với mỗi loại nông sản, tỉnh nên bắt đầu từ việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trong nước, thế giới để khi xuất khẩu họ dễ dàng biết đến, ví dụ như: tiêu Xuân Lộc, chôm chôm Long Khánh, xoài Định Quán... Có được thương hiệu thị trường xuất khẩu sẽ dễ dàng và bán được giá cao hơn. Tôi đơn cử là hạt tiêu sản xuất tại Đồng Nai mùi vị thơm ngon nhưng vì không có thương hiệu, thiếu chỉ dẫn địa lý nên giá xuất khẩu thấp hơn 20-50 lần so với tiêu có thương hiệu của nhiều nước khác, trong khi về mùi vị tiêu của Đồng Nai thơm ngon hơn.
* Theo dự báo, chăn nuôi là ngành chịu tổn thương lớn nhất khi tham gia hội nhập sâu. Đồng Nai là nơi có ngành chăn nuôi lớn nhất cả nước nên chống đỡ như thế nào?
- Theo lộ trình cắt giảm thuế quan của các FTA thì Việt Nam có 8-10 năm để chuẩn bị cho ngành chăn nuôi. Đồng Nai là nơi có đàn heo, gà lớn nhất, nhì cả nước và có ưu điểm là phần lớn nuôi theo hình thức trang trại tập trung, sản phẩm thịt được đánh giá cao. Trong sản xuất, tỉnh xây dựng thương hiệu heo, gà Đồng Nai và hướng đến xuất khẩu. Tôi nghĩ với công nghiệp tỉnh đã sản xuất, xuất khẩu rất tốt thì không lý gì sản phẩm chăn nuôi lại không thể làm được. Sản phẩm xuất khẩu được, tỉnh sẽ không lo đến việc “dội” chợ, phải “giải cứu” khi cung vượt cầu giá xuống quá thấp.
* Ông hay nhắc đến việc tỉnh nên thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp. Nhưng lĩnh vực này phần lớn doanh nghiệp ngại đầu tư, theo ông là vì sao?
- Sở dĩ doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp còn ít là do chính sách chưa đủ hấp dẫn. Trên thực tế, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi khi đầu tư vào lĩnh vực này, song doanh nghiệp tiếp cận được các ưu đãi rất ít.
Hiện nay, Đồng Nai có trên 20 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực; để tham gia hội nhập sâu hiệu quả, tỉnh nên thúc đẩy phong trào khởi nghiệp phát triển lên thành 40 ngàn doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có sự kết nối, đẩy mạnh xuất khẩu sẽ góp phần rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. |
Trong sản xuất nông nghiệp muốn phát triển tốt, đời sống nông dân được nâng cao thì phải liên kết được 6 nhà là: nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước, nhà phân phối và ngân hàng. Sản phẩm nông nghiệp chế biến, chế biến sâu khi xuất khẩu có thể nâng giá trị gia tăng cao gấp nhiều lần so với xuất tươi. Bên cạnh đó, sẽ không lo đến vụ thu hoạch rộ thị trường bị dư thừa khiến giá giảm sâu. Ví dụ như trái sầu riêng trước nay doanh nghiệp chỉ lo xuất nguyên trái, nếu chế biến bằng cách tách vỏ, đóng hộp bảo quản lạnh xuất khẩu, vận chuyển sẽ nhẹ nhàng, giảm được nhiều chi phí và khách hàng khi mua sản phẩm cũng thích hơn vì tiện lợi...
* Trong hơn 25 năm tham gia giảng dạy, viết sách, tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, điều gì khiến ông hài lòng nhất?
- Tôi năm nay đã 67 tuổi, trước khi chuyển qua làm nghiên cứu, giảng dạy và tư vấn đã có gần 20 năm làm công tác quản lý tại các doanh nghiệp. Cũng nhờ từng làm quản lý tại doanh nghiệp nên tôi hiểu rõ và có kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh để làm tiền đề cho việc nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn sau này đạt hiệu quả cao hơn.
Điều khiến tôi hài lòng nhất là nhiều học viên mình dạy bảo, dìu dắt hiện đã trở thành những người thành đạt, có những đóng góp cho đất nước và xã hội. May mắn là nhiều học trò vẫn nhớ đến tôi và khi có những vấn đề gì vướng mắc trong quản lý, kinh doanh vẫn tìm đến tôi để nhờ góp ý, đánh giá.
* Vậy còn điều gì làm ông tiếc nuối vì chưa thực hiện được?
- Mong muốn thì rất nhiều, nhưng tôi đã lớn tuổi, sức khỏe hạn chế nên giảm dần việc nghiên cứu, giảng dạy. Tuy nhiên, khi nào sức khỏe còn cho phép, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy để truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm cho các bạn trẻ, doanh nghiệp để góp một phần nhỏ vào quá trình phát triển của đất nước.
Xin cảm ơn ông!
Uyển Nhi (thực hiện)