Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng dụng công nghệ 4.0 không phải là chuyện quá xa xôi

09:06, 07/06/2019

Đồng Nai đang ráo riết triển khai chương trình Te-food, ứng dụng công nghệ 4.0 để quản lý đàn chăn nuôi và thu thập, xử lý thông tin chống dịch bệnh khẩn cấp.

TS.Đào Hà Trung
TS.Đào Hà Trung

Đồng Nai đang ráo riết triển khai chương trình Te-food, ứng dụng công nghệ 4.0 để quản lý đàn chăn nuôi và thu thập, xử lý thông tin chống dịch bệnh khẩn cấp.

TS.Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Te-food International là người đứng đầu của đơn vị tư vấn triển khai chương trình này tại Đồng Nai. Theo TS.Đào Hà Trung: “Mong ước của tôi là ứng dụng công nghệ 4.0 để nông sản Việt Nam làm ra sạch, xuất khẩu với giá cao. Người tiêu dùng trên thế giới có thể tự truy xuất nguồn gốc và tin tưởng, thích thú với nông sản “made in Vietnam”.

* Công nghệ quản lý mới trong chăn nuôi

* Hệ thống Te-food có những ưu điểm gì thưa TS?

- Te-food không phải là một phần mềm mua rồi cài đặt trên máy tính là cứ thế chạy mãi. Đây là một hệ thống lớn, áp dụng các công nghệ 4.0 như: blockchain, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, internet vạn vật...

Trong giai đoạn 2020-2021, chúng tôi hy vọng sẽ triển khai hệ thống nhận diện truy xuất nguồn gốc heo qua camera không cần đeo vòng truy xuất từ trang trại. Đội ngũ nhân sự của chúng tôi ở châu Âu và Việt Nam sẽ phát triển công nghệ này liên tục và hiện nay có dự án trên 14 quốc gia của tất cả các châu lục.

* TS đang triển khai những đề án ứng dụng công nghệ 4.0 nào tại Đồng Nai?

- Từ tháng 9-2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định áp dụng 3 hệ thống công nghệ 4.0 về quản lý đàn và thông tin chống dịch khẩn cấp; truy xuất nguồn gốc và xây dựng vùng dịch bệnh an toàn. Hiện tỉnh đang triển khai ráo riết chương trình Te-food từ cấp tỉnh đến từng huyện, xã.

Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng tham gia hỗ trợ Đồng Nai sớm thành công. Nếu thành công, Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước, thậm chí đi tiên phong của thế giới ứng dụng công nghệ blockchain trong thống kê và quản lý đàn chăn nuôi.

* Trong quá trình triển khai, tại sao TS luôn nhấn mạnh phải ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi (ASF)?

- Hiện Việt Nam có hơn 3 triệu hộ và trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi dày đặc, nhiều nơi chuồng sát nhà dân; thiếu thông tin và kinh nghiệm chống ASF. Trong khi đó, dịch này chưa có vaccine, tốc độ lây nhiễm lại quá nhanh qua nhiều nguồn lây mà Việt Nam cũng chưa có công cụ kiểm soát hiệu quả các yếu tố lây nhiễm quan trọng, lực lượng chức năng mỏng.

Chúng tôi đã từng thí điểm thất bại phương pháp truyền thống thu thập, khai báo dữ liệu và thống kê đàn chăn nuôi tại một huyện với 12  người làm việc trong 2 tháng mới hoàn thành công việc cho 600 trang trại. Vì vậy, tôi khẳng định với số lượng hơn 3 triệu hộ chăn nuôi trên cả nước thì chỉ còn một giải pháp là áp dụng công nghệ cao.

* Thưa TS, lợi ích lớn nhất của người chăn nuôi khi tham gia chương trình Te-food là gì?

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ miễn phí áp dụng chương trình Te-food trong 5 năm tại Việt Nam. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn 3,5 triệu mã QR (code) sẵn sàng cấp cho từng hộ và trang trại chăn nuôi đăng ký tham gia chương trình Te-food. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ cho Lào, Campuchia là 2 nước có thể gọi là vùng đệm chăn nuôi của Việt Nam”.

- Từ năm 2016, thị trường tiêu thụ lớn TP.Hồ Chí Minh chỉ nhập heo truy xuất được nguồn gốc. Các tỉnh, thành Đồng Nai, Cần Thơ, Cà Mau và nhiều địa phương khác cũng đang quan tâm triển khai bán sản phẩm heo truy xuất được nguồn gốc. Từ ngày 1-1-2020, Luật Chăn nuôi sẽ có hiệu lực và việc báo cáo tổng đàn, báo cáo dịch bệnh sẽ là bắt buộc. Áp dụng hệ thống Te-food sẽ hỗ trợ cho cả người chăn nuôi lẫn cơ quan quản lý.

Tham gia chương trình, người chăn nuôi sẽ nhận được những thông tin quan trọng hằng ngày do các cơ quan chức năng cung cấp như: giá heo, giá thức ăn chăn nuôi, giá vaccine; thông tin về người mua heo; các hỗ trợ của Nhà nước, nhất là nhận đền bù nhanh khi xảy ra dịch; được ưu tiên kiểm dịch và vận chuyển, giết mổ; được tỉnh giới thiệu để bán heo an toàn, khỏe mạnh.

* Đưa công nghệ 4.0 vào nông nghiệp

* TS có thể giới thiệu về những hoạt động chính hiện nay của Te-food International?

- Te-food International là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Te-food International có trụ sở tại Đức, Hungary, Việt Nam và đại diện ở 16 quốc gia tại châu Phi, châu Á, châu Mỹ La tinh... Te-food được định hướng là công ty toàn cầu nên mọi hoạt động được nghiên cứu, trao đổi cùng các đối tác lớn như: GS1, Deloitte, SGS... phù hợp với tiêu chí kỹ thuật và quy định pháp lý của châu Âu và Mỹ.

Chúng tôi đã thực hiện nhiều dự án như: truy xuất bò tại bang Wyoming (Mỹ); gà Halal tại Anh; heo, gà, khoai tây, cà chua tại Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha; rượu vang tại Hungary; bia tại Canada.

* Chương trình nào đang được tập trung triển khai tại Việt Nam?

TS.Đào Hà Trung từng du học tại Cộng hòa liên bang Nga, Hungary hơn 20 năm về các ngành luật, kinh tế, lập trình. Ông còn là Lãnh sự danh dự Cộng hòa Áo tại TP.Hồ Chí Minh. Ví mình là “con kiến” trong “đàn kiến khổng lồ” đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, một ngày làm việc của ông từ 12-13 tiếng nhưng theo TS.Đào Hà Trung, điều quan trọng là tổ chức được những đội, nhóm làm việc giỏi thì mọi việc sẽ được vận hành tốt.

- Tại Việt Nam, hiện chúng tôi hợp tác với các tổ chức như: Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Tổng cục Thống kê, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), UBND các tỉnh, các sở, ngành để triển khai chương trình Te-food. Hằng ngày có tới cả trăm bản báo cáo, phân tích tự động chuyển đến các cơ quan chức năng 19 tỉnh, thành và toàn bộ hệ thống bán sỉ, ban quản lý chợ đầu mối, các chuỗi siêu thị...

Mong muốn của tôi là ứng dụng công nghệ 4.0 thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản hiệu quả với giá rẻ nhất. Hiện mỗi ký thịt heo có truy xuất nguồn gốc, mang đầy đủ thông tin từ cơ sở chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, phân phối... chỉ tốn thêm 200 đồng. Ngoài thịt heo, tất cả nông sản khác đều có thể được truy xuất nguồn gốc thông qua công nghệ blockchain.

Công ty cũng phát triển các thiết bị và hệ thống quản lý chuỗi vận tải lạnh nhằm giảm hư hao khi vận chuyển rau củ quả để không còn cảnh “sáng rau, chiều rác” như thực tế hiện nay. 

* TS có thể chia sẻ thêm về hoạt động của Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh?

- Thành viên tham gia Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh là những doanh nghiệp tiêu biểu, có tiếng trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam. Nhiều viện nghiên cứu, trường đại học cũng tham gia Hội. Mục tiêu của chúng tôi là cùng nghiên cứu, đưa ra giải pháp để ứng dụng công nghệ cao vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề tại Việt Nam; chuyển giao cho doanh nghiệp thực hiện các dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng việc làm, tăng GDP, giảm tác động môi trường...

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp được Hội rất tập trung vì hơn 64% dân số của Việt Nam là nông dân. Ứng dụng 4.0 trong nông nghiệp cũng rất rộng và đa dạng như: công nghệ tưới, công nghệ chăm sóc cây trồng, quản lý chăn nuôi...

* Doanh nghiệp, nông dân hiện tiếp cận công nghiệp 4.0 như thế nào thưa TS?

- Công nghệ 4.0 hiện được ứng dụng rất nhiều trong nông nghiệp. Các doanh nghiệp rất chịu khó đổi mới, họ đã đưa robot vào phục vụ sản xuất.

Ở góc độ nông dân, việc tiếp cận công nghiệp 4.0 còn khá bế tắc vì điều kiện còn hạn chế, lạc hậu. Mục tiêu phát triển hợp tác xã của Chính phủ nước ta là rất đúng hướng và điều băn khoăn nhất của tôi hiện nay là xây dựng được những hợp tác xã công nghệ 4.0; giúp hợp tác xã làm ăn từ khâu mua chung, bán chung đến xây dựng thương hiệu sản phẩm, hội nhập...

* Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp với nền của Việt Nam hiện nay có dễ?

- Công nghệ 4.0 nghe xa xôi nhưng gần lắm. Cụ thể, ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng nông sản. Nhờ đó, nông dân nuôi được con gà, con heo, con tôm sạch, có chứng chỉ, có thương hiệu để bán được với giá cao. Với công nghệ 4.0,  có thể 10 năm nữa nông dân muốn trồng cây gì, nuôi con gì thì hỏi trí tuệ nhân tạo để có câu trả lời

* Ông có ý kiến gì về chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ 4.0 tại Việt Nam?

- Tôi không phải là người ngồi chờ được hỗ trợ mới làm mà luôn xác định chúng tôi phải làm gì và không có ai làm thay mình để mạnh dạn bắt tay vào thực hiện. Trong thực tế làm việc, tôi thấy nhiều địa phương rất tích cực trong việc ứng dụng công nghiệp 4.0. Cụ thể như tỉnh Đồng Nai, chính quyền rất năng động, muốn làm và chuyển đổi rất nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi.

Chúng tôi đang kết hợp với Đồng Nai triển khai nhiều chương trình ứng dụng công nghệ 4.0 với mục tiêu đưa Đồng Nai thành tỉnh chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phát triển ngành chế biến và đẩy mạnh xuất khẩu. So với các nước trong ứng dụng công nghệ 4.0, Việt Nam thiệt thòi hơn về vốn, về nguồn lực, đi chậm hơn nhưng nếu quyết tâm thì không có gì là không thể.

 Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều