Dù thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), thu hút đầu tư trong nước mỗi năm đều vượt kế hoạch khá cao, nhưng tỉnh vẫn đề ra những giải pháp nhằm tăng tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư.
Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà |
Dù thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), thu hút đầu tư trong nước mỗi năm đều vượt kế hoạch khá cao, nhưng tỉnh vẫn đề ra những giải pháp nhằm tăng tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư. Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư.
[links()]Theo UBND tỉnh, đến nay Đồng Nai có trên 34,5 ngàn DN đăng ký kinh doanh và là một trong những địa phương có công nghiệp phát triển nhất cả nước. Về thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay có 1.406 dự án với tổng vốn trên 28 tỷ USD.
* Cả bộ máy cùng vào cuộc
Theo ông, vì sao PCI năm 2018 của tỉnh lại không có được bước tăng hạng như mong muốn?
- PCI năm 2018 của Đồng Nai tuy có tăng điểm nhưng thứ hạng thực chất vẫn giữ nguyên so với năm trước. Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến điều này nên đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải có biện pháp tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư.
Thực tế, nhiều tiêu chí đánh giá phụ thuộc vào phương pháp chọn mẫu và cảm nhận của DN, nếu có sai sót trong chọn mẫu và tính khách quan, kết quả sẽ sai lệch. Chỉ số PCI gắn liền với công tác cải cách hành chính và kết quả thu hút đầu tư. Và kết quả cải cách hành chính của tỉnh liên tục tăng và nằm trong nhóm dẫn đầu. Năm 2016 xếp hạng 4, năm 2017 xếp hạng thứ 3 (năm 2018 chưa có đánh giá).
Thu hút đầu tư trong nước cũng tăng trưởng cao trong năm 2018 với 3.520 DN dân doanh đăng ký thành lập mới, 552 DN mở rộng. Nhưng vì tốc độ đô thị hóa nhanh nên DN ở Đồng Nai tiếp cận đất đai khó khăn hơn bởi quỹ đất còn lại không nhiều, các dự án đầu tư vào tỉnh có chọn lọc... dẫn đến có những chỉ số bị giảm điểm.
Đâu là giải pháp chính có thể giúp Đồng Nai tăng điểm và tăng hạng so với năm trước, thưa ông?
- Trong năm nay, tỉnh tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh. Cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Đồng thời, cho phép người dân, DN thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau và đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích DN khởi nghiệp sáng tạo. Công khai quy hoạch, chính sách thủ tục để DN dễ tiếp cận. Mỗi sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm tăng điểm cho chỉ số thuộc ngành mình.
* Ưu tiên dự án công nghệ cao
Đồng Nai đã chuẩn bị những gì để tập trung thu hút đầu tư trên lĩnh vực công nghệ cao?
- Từ nhiều năm nay, tỉnh đã có những tiêu chí rõ ràng trong thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên cho những dự án công nghệ cao tạo ra giá trị gia tăng lớn.
Đồng Nai là nơi có công nghiệp phát triển sớm và nhanh, đến nay đã có 31/35 khu công nghiệp đang hoạt động, cơ sở hạ tầng được chú ý đầu tư và hoàn thiện. Đồng Nai cố gắng giữ vững vị trí là một trong những đầu tàu về phát triển kinh tế của khu vực phía Nam. Tỉnh có chính sách luôn đồng hành cùng DN, giải quyết thủ tục bằng cơ chế “một cửa”, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Vì thế, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đặt nhà máy sản xuất tại Đồng Nai chính là lời quảng bá tốt nhất cho tỉnh. Những năm gần đây đã có những dự án công nghệ cao trị giá từ vài chục đến cả trăm triệu USD đầu tư vào tỉnh.
Môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định là lý do để các DN trong nước, FDI chọn lựa. Tỉnh sẽ làm gì để đạt được những yêu cầu trên?
- Đồng Nai quyết tâm xây dựng, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung vào cải cách hành chính, đảm bảo công khai minh bạch, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, góp phần tạo lập môi trường hoạt động thông thoáng để khẳng định “Đồng Nai là đất lành của nhà đầu tư”.
Chúng tôi sẽ thường xuyên đối thoại, kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động, đặc biệt là đối với DN dân doanh. Khuyến khích DN luôn có hoạt động đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Hỗ trợ DN về vốn vay, nâng cao năng lực cạnh tranh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)