Báo Đồng Nai điện tử
En

Kể cả khi sống trong hòa bình, cũng đừng làm phai phôi "chất lính"

09:05, 03/05/2019

Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng là người đã tham gia gần như trọn vẹn các trận đánh giải phóng Định Quán - La Ngà, Long Khánh, Xuân Lộc, Trảng Bom, Biên Hòa... rồi tiến vào Sài Gòn ngay sau khi Sài Gòn giải phóng.

Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng là người đã tham gia gần như trọn vẹn các trận đánh giải phóng Định Quán - La Ngà, Long Khánh, Xuân Lộc, Trảng Bom, Biên Hòa... rồi tiến vào Sài Gòn ngay sau khi Sài Gòn giải phóng. Từ sau năm 1975, ông trải qua nhiều vị trí công tác trong quân đội, và đến khi chuẩn bị được cử sang Tiệp Khắc học thì chiến tranh biên giới nổ ra. Ông tiếp tục tham gia chiến tranh biên giới ở cửa khẩu Mộc Bài và nhiều tỉnh của Campuchia với vai trò Đại đội phó, rồi Đại đội trưởng Đại đội 18 súng máy cao xạ 12 ly 7, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4.

Năm 1984, ông theo học tại Học viện Lục quân ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Năm 1989, ông quay lại Campuchia với vai trò trưởng đoàn chuyên gia của Quân đội nhân dân Việt Nam giúp xây dựng một đơn vị dự bị của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Campuchia. Sau đó, ông về nước và làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4). Từ năm 1994-1996, ông được cử đi đào tạo ở Học viện Quốc phòng rồi về Bộ Tham mưu Quân đoàn 4. Sau 16 năm công tác ở Bộ Tham mưu Quân đoàn 4, ông đã được phân công làm Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 2 (nay là Trường đại học Nguyễn Huệ). Từ một người lính rồi trở thành một “người thầy”, Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng chia sẻ, ở thời nào người lính cũng phải giữ gìn “chất lính” trong tim, nghĩa là sẵn sàng khi Tổ quốc cần: từ cứu hỏa, cứu lũ, cứu dân khi thiên tai đến cầm súng cứu nước khi hòa bình bị đe dọa.

“May mắn vì tham gia xuyên suốt chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975”

*  Ông tham gia quân ngũ và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc từ năm bao nhiêu tuổi?

- Tôi sinh năm 1954, quê ở Hải Phòng, tham gia kháng chiến chống Mỹ và nhập ngũ năm 18 tuổi. Huấn luyện mấy tháng thì chúng tôi nhận lệnh hành quân theo đường Trường Sơn trong 6 tháng để vào chiến trường miền Nam. Chúng tôi khởi hành từ chân núi Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), xuyên qua các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, từ Trường Sơn Đông sang Trường Sơn Tây, dọc đường biên giới Lào - Campuchia, về đến ngã ba Đông Dương xuyên qua các tỉnh Đông Bắc Campuchia rồi về đến Tây Ninh. Ròng rã suốt nửa năm trời thì vào đến miền Nam.

* Sau đó, ông tham gia Chiến dịch đường 14 - Phước Long - trận đánh được cho là “kinh điển” trong nghệ thuật quân sự Việt Nam?

- Chúng tôi vào đến miền Nam ở thời điểm sau Hiệp định Paris năm 1973 rồi tham gia chống địch “lấn đất, giành dân” phá hoại Hiệp định Paris ở Đồng Xoài, Tân Uyên, Bến Cát, Phú Giáo (nay thuộc các tỉnh: Bình Phước, Bình Dương). Chống chọi, giành giật với địch từng thước đất, kéo dài đến Chiến dịch đường 14 - Phước Long. Từ 14-12-1974 đến 6-1-1975, chúng tôi đón cái Tết thời chiến cuối cùng trước khi đất nước thống nhất (Tết năm 1975). Đó là một cái Tết vui nhất, đầy đủ hương vị ngày Tết nhất so với nhiều cái Tết trước đó của cả quân lẫn dân vì đường Trường Sơn đã được thông, nhiều thứ nhu yếu phẩm được đưa đến, có bánh chưng, có thịt heo tươi...

Chiến thắng Phước Long vào ngày 6-1-1975 đã giải phóng tỉnh đầu tiên của miền Nam và sau này quân đội ta tổng kết đây là một trong những trận đánh hay nhất về nghệ thuật quân sự và được gọi là “đòn trinh sát chiến lược”, tôi tự hào vì mình có mặt trong trận đánh đó, nhưng cũng không ít những giây phút xót xa vì sự hy sinh, mất mát. Tôi còn nhớ, ăn Tết xong thì chúng tôi giúp dân dọn dẹp chiến trường vì khu vực Phước Long, cụ thể là hồ Long Thủy sau cuộc chiến có hàng trăm người chết, cả địch lẫn dân...

* Tiếp theo đó là cả một chuỗi chiến dịch liên tục theo các tuyến quốc lộ, mở màn cho chuỗi chiến thắng mùa Xuân 1975?

- Tôi may mắn được tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam 1975 từ đầu đến cuối. Cuối tháng 2-1975, từ Phước Long, chúng tôi bắt đầu xuyên rừng mở đầu chiến dịch theo dọc tuyến quốc lộ 20. Bộ đội ta hành quân từ Bình Phước xuyên qua Tà Lài, vượt sông Đồng Nai rồi tiến vào giải phóng Định Quán vào ngày 17-3, sau đó chúng tôi “tiến công hành tiến” ngược lên Đạ Huoai, Đèo Chuối, Bảo Lộc, giải phóng Di Linh đến cầu Đại Ninh (sát Đức Trọng).

Rồi chúng tôi được lệnh tiến công giải phóng Long Khánh và Xuân Lộc. Trận Long Khánh bắt đầu từ ngày 9-4-1975, ròng rã trong 12 ngày và kết thúc vào đêm 20, rạng ngày 21-4. Chúng tôi lại bừng bừng khí thế và quyết tâm vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, theo quốc lộ 1 giải phóng Trảng Bom, theo hướng quốc lộ 1K giải phóng khu chợ Sặt, cầu Săn Máu và tiến vào giải phóng trung tâm hành chính Biên Hòa. Tôi còn nhớ bộ đội ta lúc đó người ai cũng đỏ rực vì bụi bặm sau nhiều ngày tham gia chiến dịch, nhưng khí thế chiến thắng và niềm vui giải phóng thì không bút mực nào tả xiết.

* Cảm giác của ông thế nào khi tiến vào Sài Gòn lúc cờ giải phóng đã cắm xong?

- Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi tiến vào Sài Gòn, nhiều người dân bắt đầu túa ra đường, tiếp nước uống cho quân giải phóng, hỏi han, chuyện trò rất tình cảm và gần gũi. Chúng tôi vừa mừng vui vì thắng trận, vì đất nước được giải phóng, lại cảm thấy thân tình ấm áp, một cảm giác cảm động, thân thương dù có phần lạ lẫm của những người con đất Bắc nhiều năm chưa được về nhà.

Với người lính: tâm trước, tài sau

* Nếu được lựa chọn lại, ông có chọn cho mình con đường khác thay vì tham gia hết trận chiến này đến trận chiến khác và có thể mất mạng bất cứ lúc nào?

- Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia chiến đấu. Không ai có thể an tâm học hành và phát triển bản thân khi đất nước còn đầy bom đạn cả. Vừa xong phổ thông, thanh niên miền Bắc, lứa bạn bè tôi coi chuyện nhập ngũ đi đánh giặc là chuyện rất bình thường và là niềm vinh dự. Thời điểm đó, cả miền Bắc sục sôi chống Mỹ với phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang”, không ai là không muốn góp một tay mình cho cuộc chiến giành độc lập của dân tộc thống nhất đất nước.

Tôi nghĩ rằng nếu ở thời bình, mỗi người có thể cho mình một hoặc nhiều mơ ước. Nhưng nếu đã là thời chiến, chẳng có ưu tiên nào bằng ưu tiên giải phóng đất nước trước đã. Có hòa bình thì mới có học hành, phấn đấu, còn như nước nhà chưa thống nhất, chúng ta chưa giành lại độc lập cho dân tộc thì liệu có cái gì thành hiện thực đâu mà mơ?

* Có bao giờ giữa những cuộc chiến khốc liệt, giữa đạn bom, ông thấy nản lòng và hoang mang?

- Không, với tôi thì ngay cả vợ con và gia đình phải tạm thời gác lại. Phải xác định điều đó thì mới an tâm chiến đấu. Ai cũng thích “hoa hồng”, không ai mong phải cầm súng chiến đấu, nhưng nếu thời thế bắt buộc thì phải xác định gian khó và hiểm nguy tính mạng là lẽ tất nhiên, không cần và không nên băn khoăn hay hoang mang gì cả.

* Nhiều người cho rằng ở thời đại hiện nay, người lính phải “vượt sướng” thay vì “vượt khổ” như ngày trước, tức là vì cái chung để vượt qua sự hấp dẫn của vật chất, danh tiếng để giữ gìn lý tưởng và lòng yêu nước của mình. Ông nghĩ sao về điều này?

- Thời chiến thì người lính thường xuyên đối đầu với địch, sau mỗi trận đánh lại lo chuẩn bị sức khỏe cho trận đánh tiếp theo. Còn trong thời bình thì người lính luôn trong tư thế “sẵn sàng” chiến đấu. Mỗi trạng thái sẽ có những góc cạnh giống nhau, khác nhau riêng. Nhưng hỏi tôi có băn khoăn gì về tinh thần yêu nước hay lý tưởng và phẩm chất của người lính thời bình hay không, thì tôi vẫn trả lời là tôi luôn tin tưởng vào đội ngũ sĩ quan trẻ và người lính của chúng ta hiện nay.

Những điều như “lý tưởng, lòng yêu nước” thoạt nghe có vẻ trừu tượng và khó nắm bắt, nhất là giữa xã hội hiện đại với tầng tầng lớp lớp những cái cũ, mới đan xen hiện nay, song khi Tổ quốc cần, tôi tin những người lính sẽ không ngại ngần ra trận. Những phản ứng sục sôi yêu nước xảy ra sau sự kiện giàn khoan HD981 vào năm 2014 trên cả nước cũng có nhiều thứ cần định hướng lại cho đúng, song rõ ràng chúng ta cảm nhận được lòng yêu nước và lý tưởng luôn luôn tồn tại, không chỉ trong người lính mà còn trong mỗi người dân Việt Nam.

* Ở vị trí một người thầy với nhiều năm làm công tác huấn luyện tại Trường Sĩ quan lục quân 2, ông cảm nhận thế nào về “chất lính” của đội ngũ sĩ quan trẻ ngày nay? Phải làm sao để truyền cho họ tâm huyết của những người đi trước?

- Hãy nói thật với hộ. Không có nghệ thuật chia sẻ nào hiệu quả hơn sự chân thành. Phải nói cho họ một cách trung thực về gian khổ, khó khăn, về những hy sinh, mất mát của chiến tranh có thể có khi họ quyết định trở thành người lính, dù ở thời bình hay thời chiến thì người lính luôn phải trong tâm thế sẵn sàng chấp nhận xông pha vào những nơi gian khổ nhất, chấp nhận hy sinh ở nhiều mức độ khác nhau tùy theo yêu cầu của Tổ quốc và tuyệt đối không được thoái lui - đó là biểu hiện tiêu biểu nhất của “chất lính”. Với tôi, cái “tâm” phải có trước, cái “tài” có thể rèn luyện sau, nếu tâm không vững thì đôi khi cái tài chính là tai họa cho người lính nếu cái tài đó bị đem ra phục vụ sai mục đích và xa rời lý tưởng.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

Tin xem nhiều