Báo Đồng Nai điện tử
En

Chắt chiu giữ tiếng thơm cho đặc sản bưởi Tân Triều

09:05, 10/05/2019

Khu du lịch sinh thái Làng Bưởi Tân Triều Năm Huệ (cù lao Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) được Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam công nhận tốp 10 Thương hiệu du lịch văn hóa; tốp 100 Điểm đến ấn tượng Việt Nam; đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao...

Ông Huỳnh Đức Huệ
Ông Huỳnh Đức Huệ

Khu du lịch sinh thái Làng Bưởi Tân Triều Năm Huệ (cù lao Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) được Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam công nhận tốp 10 Thương hiệu du lịch văn hóa; tốp 100 Điểm đến ấn tượng Việt Nam; đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao...

Người sáng lập và gầy dựng nên thương hiệu Làng Bưởi, “cha đẻ” của rượu bưởi là ông Huỳnh Đức Huệ (người làng quen gọi là ông Năm Huệ), nhưng cũng có người gọi lão nông Năm Huệ là ông “Năm gàn” vì cách làm du lịch “không giống ai”.

Ông “Năm gàn” trồng bưởi

* Ông có giai đoạn dài “ly nông” và “ly hương”, rời bỏ đất quê  về thành phố sống?

- Cuối năm 1981, giai đoạn mọi người từ thành phố đổ về các vùng quê theo chương trình kinh tế mới thì tôi lại làm ngược lại, xuống mua nhà ở TP.Biên Hòa để các con có đủ điều kiện ăn học. Gần 20 năm, tôi đều chỉ là người tạm trú ở thành phố vì muốn giữ hộ khẩu tại quê gốc Tân Triều, chờ các con học xong tôi sẽ về quê lại. 

* Nhiều người ăn bưởi nhưng lại ít biết lịch sử của giống bưởi đặc sản Tân Triều?

- Khi nhà thờ Tân Triều được xây dựng vào giữa thế kỷ 18, một vị cha xứ đã mang 2 nhánh bưởi giống từ Brasil về trồng là giống bưởi đường lá cam (cây bưởi mà lá nhỏ như lá cam) và bưởi đường cao nốm (còn gọi là bưởi đường da láng). Thấy cây bưởi phát triển tốt, cho trái ngon, nông dân trong vùng mới xin nhân giống về trồng. Không ngờ, 2 giống bưởi này lại hòa hợp một cách hoàn hảo với đất phù sa của cù lao Tân Triều và cho trái ngọt thơm lạ lùng, được trồng mãi đến ngày nay. Theo những gì tôi biết, đó là khởi nguồn của 2 giống bưởi đặc sản Tân Triều.

* Khi nào thì ông quyết định đầu tư trồng vườn bưởi hiện nay?

- Tôi là người đầu tiên mở cửa hàng kinh doanh xe máy trên đất Đồng Nai để nuôi được 5 người con ăn học. Nhưng năm 1994, khi má tôi cho tôi nửa hécta đất để cho thuê có thêm thu nhập, tôi lại chọn cách cực nhất là đầu tư trồng bưởi. Lúc đó, cả vùng đất trũng ven sông này chỉ trồng mía, cây hoa màu ngắn ngày do nông dân sợ cây chết vì ngập nước. Đa số nông dân cũng chỉ trồng bưởi ở vùng đất cao và chủ yếu vẫn là vườn tạp, chưa mấy ai đầu tư chuyên canh cho cây bưởi.

“Những vùng trồng nho, sơ ri...đều có rượu đặc sản trái cây riêng sao xứ bưởi của mình lại không có rượu bưởi. Gần 3 năm tôi mới ra được công thức chuẩn rồi đi đăng ký nhãn hiệu chính thức”.

Trước khi lập vườn, tôi tìm hiểu về đặc tính nông học của 2 giống bưởi đang được trồng nhiều tại địa phương. Sau đó, tôi trồng 500 gốc bưởi đầu tiên. Tôi chọn trồng chuyên bưởi đường lá cam vì nó chịu được đất trũng ven sông ẩm ướt.

Ai cũng nói tôi làm “liều”, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm mương rồi xuống cây giống. Tôi thất bại khi vườn bưởi chết gần hết do người làm xử lý không đúng cách khi nước sông ngập vào vườn. Tôi tự nhận mình là một nông dân khá “lì đòn”, muốn làm cái gì là cứ đeo bám cho đến khi được mới thôi. Tôi lại cho xuống đợt cây giống mới. Đến năm 2000, con gái út của tôi sắp tốt nghiệp đại học, tôi quyết định về quê ở hẳn để chăm sóc vườn cây.

Quý trọng đặc sản quê hương

* Điều gì giữ cho ông luôn gắn bó với giống bưởi đặc sản riêng của quê hương Tân Triều?

- Giai đoạn trái bưởi da xanh được thị trường ưa chuộng, bán giá cao, nhiều người hỏi tôi có định trồng thêm giống bưởi này để tăng thu nhập. Tôi luôn trả lời tôi không bao giờ quay lưng với giống bưởi mà tôi từng chắt chiu bao nhiêu năm nay vì nó là đặc sản của địa phương tôi.

Trong danh thiếp của tôi luôn ghi rõ đây là giống bưởi cù lao Tân Triều. Vì giống bưởi này phải trồng trên đất phù sa ven sông của đất cù lao Tân Triều thì mới ra hương vị riêng của nó. Đây là giống bưởi khó tính. Để trồng ra trái bưởi ngon còn đòi hỏi người nông dân phải có bề dày kinh nghiệm, có tay nghề kỹ thuật cao.

* Vì sao ông làm mô hình du lịch sinh thái Làng Bưởi?

- Khi lập vườn bưởi, tôi luôn nghĩ phải làm cách nào để trao tận tay người mua trái bưởi mình trồng chứ không qua trung gian. 

Năm 2001, tôi mở quán ăn trong vườn bưởi với mục đích có nơi bán trái cây vườn nhà. Khi mời một đầu bếp có tiếng ở Thủ Đức lên thực đơn cho quán, tôi yêu cầu thêm những món dân dã vì tôi cần khách địa phương lắm. Món gỏi Làng Bưởi trong thực đơn quán là món ăn của gia đình tôi đem qua. Dần dần danh sách những món ngon từ bưởi được nối dài thêm như: gà nướng trái bưởi, bì bưởi chiên giòn, rượu bưởi...

* Là người tiên phong làm du lịch vườn ở khu vực này, ông khởi đầu kiểu du lịch đó ra sao?

- Khi tôi cho xây dựng quán mái lá, nhiều người thắc mắc không biết tôi làm gì. Tôi cho làm logo, đăng ký nhãn hàng hóa riêng để chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình. Tôi tự lên ý tưởng, chăm chút từng chi tiết từ dáng cái mái lá đến cái kệ trưng bày sản phẩm; ý tưởng thiết kế bầu gốm đựng rượu bưởi. Tôi tự tỉ mỉ cầm lưỡi cưa nhỏ tạo từng đường vân, nếp gồ trên mẫu thạch cao hình trái bưởi, tự cắt cành bưởi có nhánh lá ngoài vườn, lấy keo gắn làm cuống bầu rượu rồi gửi đến lò gốm để họ làm ra bình rượu y khuôn như trái bưởi thật.

Bí quyết làm dịch vụ của tôi là chu đáo trong mọi việc. Chính vì vậy, nghe khách chê tôi mừng lắm vì chê là cái giúp mình. Khu vườn sinh thái này, tôi làm theo sở thích của mình. Tôi làm từ trong ruột làm ra, chăm chút cho quán, khuôn viên vườn rồi mới tính đến chuyện làm cổng, bảng hiệu bên ngoài. Có khách từ Úc, từ Mỹ về, họ chia sẻ bước từ ngõ vào nghe cái đầu thư thái, nhẹ nhàng, tôi vui lắm vì họ đồng cảm với mình.

* Ông luôn nhấn mạnh “tôi chỉ bước “từng nửa bước một” để giữ tiếng thơm cho đặc sản bưởi Tân Triều”. Ông có thể giải thích về quan điểm này?

“Trong vườn, tôi nhân cả ngàn cây giống bưởi đường lá cam. Khách tới mua cây giống, tôi luôn hỏi rõ họ sẽ trồng ở vùng đất nào. Nếu ở vùng đất không phù hợp, tôi tặng họ 2 nhánh cây giống về trồng làm kiểng chơi. Vì nông dân tụi tôi trồng 5-6 năm trời mới ra được trái bưởi, nếu bưởi trồng ra không ngon thì uổng công lắm”.

- Năm 2007, lần đầu tiên tôi tham gia hội chợ ở Hà Nội. Tôi cho xẻ bưởi, mời khách thử rượu bưởi. Có khách người Mỹ đặt liền 2 container rượu bưởi xuất khẩu. Nhưng tôi từ chối. Tôi cũng từng từ chối rất nhiều đơn hàng xuất khẩu như vậy khi tham gia hội chợ tại một số nước. Ngay từ đầu, tôi đã xác định tôi không làm giàu từ rượu bưởi mà đây là sản phẩm thương hiệu của Năm Huệ. Tôi không chạy theo sản lượng hay giá rẻ vì bưởi Tân Triều sản lượng có hạn, giá cao hơn nhiều loại bưởi khác. Tôi chỉ bán bưởi, bán sản phẩm nhà làm và bưởi từ một số vườn bưởi của bà con, biết rõ chất lượng, nguồn gốc chứ không chạy theo doanh số.

Trong lao động, tôi không dừng lại để nhìn về thành quả đạt được. Dù tôi cũng mở rộng thêm nhiều vườn bưởi, quy mô quán cũng có thể phục vụ hàng ngàn khách nhưng điều tôi quan tâm không phải là liên tục mở rộng về quy mô mà chăm chút làm sao cho chất lượng ổn định và ngày càng tốt hơn.

* Ông suy nghĩ thế nào trong xây dựng thương hiệu cho đặc sản quê hương?

- Giữ uy tín, chất lượng là thứ đã có sẵn trong “ruột” của mình, tôi cứ thế mà làm. Thực tình khi làm, tôi không nghĩ tới việc xây dựng thương hiệu riêng cho Làng Bưởi. Thương hiệu này đến một cách tự nhiên và mỗi ngày tôi thấm thêm một chút về giá trị của nó.

Với trái cây thì mình đâu đảm bảo đạt, ngon 100%, gửi cho khách 500 trái, bị hư, bị dở vài trái là “may” rồi. Làm dịch vụ cũng vậy, lỗi xảy ra là điều khó tránh khỏi. Giữ uy tín về chất lượng là mình biết nhận cái lỗi đó và tôi sẵn lòng đổi cho khách lại những trái bưởi ngon dù họ ở tận Hà Nội. Tư duy kinh doanh thường là phải làm sao quản lý để không bị hao hụt, mất mát. Tôi không nghĩ theo cách đó, kinh doanh với tôi còn là niềm vui. Chính vì vậy, khách mua 1 thùng bưởi, nói bớt 20 ngàn đồng tôi không bớt nhưng sẵn sàng tặng họ thêm trái bưởi có giá gấp mấy lần. Có đợt gần trăm sinh viên về vườn học thực tế, vào vườn tham quan, tôi nói các em nếu hái trái cây đề nghị hái 50% nghĩa là hái trái, lá chừa lại để bảo vệ cây. Mình làm vậy còn để các bạn trẻ không là người tham lam và tôi vẫn “có lời” về mặt tinh thần.

 Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích