Báo Đồng Nai điện tử
En

Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên quý cho du lịch

10:05, 31/05/2019

Gần 20 năm nghiên cứu về du lịch ở các nước trong khối ASEAN, GS-TS.Badaruddin Mohamed, giảng viên Trường đại học Sains Malaysia (USM, Malaysia) cho rằng kết nối các di tích, hình thành những tour du lịch là cách làm vừa bảo tồn giá trị văn hóa, nghệ thuật lại vừa phát triển kinh tế địa phương. Đồng Nai có nhiều di tích, thắng cảnh và nếu biết kết hợp sẽ tạo ra những tour du lịch thu hút du khách.

GS-TS.Badaruddin Mohamed
GS-TS.Badaruddin Mohamed

Gần 20 năm nghiên cứu về du lịch ở các nước trong khối ASEAN, GS-TS.Badaruddin Mohamed, giảng viên Trường đại học Sains Malaysia (USM, Malaysia) cho rằng kết nối các di tích, hình thành những tour du lịch là cách làm vừa bảo tồn giá trị văn hóa, nghệ thuật lại vừa phát triển kinh tế địa phương. Đồng Nai có nhiều di tích, thắng cảnh và nếu biết kết hợp sẽ tạo ra những tour du lịch thu hút du khách.

GS-TS.Badaruddin Mohamed đã nhiều lần đến Việt Nam để nghiên cứu, tư vấn về phát triển du lịch cho các tỉnh, thành. Những ý tưởng ông đưa ra đã được một số doanh nghiệp Việt Nam áp dụng tương đối thành công.

* Du lịch di sản văn hóa

* Trong các hội thảo về du lịch tại Việt Nam, ông hay đề xuất phát triển du lịch văn hóa kết nối với di sản. Ông có thể nói rõ về những tiềm năng trên lĩnh vực này?

- Theo nghiên cứu của tôi và một số chuyên gia về du lịch trên thế giới thì những năm gần đây, xu hướng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái ngày càng phát triển mạnh mẽ. Một số nước trong khối ASEAN như: Thái Lan, Malaysia đã kết nối du lịch văn hóa với di sản, tạo ra sự hài hòa giữa văn hóa, con người và cộng đồng, thu hút rất nhiều du khách quốc tế.

Do đó, di sản văn hóa được xem là tài nguyên, nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch. Bởi nó có sức hấp dẫn vô cùng lớn với du khách vì đem lại những trải nghiệm thú vị. Việt Nam có bề dày lịch sử hàng ngàn năm đã để lại một kho di sản văn hóa đồ sộ, vô cùng phong phú, đa dạng, độc đáo có thể phát triển du lịch di sản văn hóa. Cụ thể, Việt Nam có 24 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên được UNESCO vinh danh là di sản thế giới như: vịnh Hạ Long, Hoàng thành Thăng Long, cố đô Huế, phố cổ Hội An, đờn ca tài tử Nam bộ... Bên cạnh đó còn hàng vạn di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Những di sản, di tích trên có thể  kết nối thành những tour du lịch hấp dẫn những du khách muốn tìm hiểu và khám phá.

* Gần đây, các tỉnh, thành tại Việt Nam hay nhắc đến việc xây dựng thương hiệu du lịch cho địa phương. Theo ông, đâu là điều cốt lõi để tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch của từng địa phương?

“Làm du lịch nên đổi mới, sáng tạo để luôn giữ được vị thế. Hiện nay, tầm quan trọng, sức mạnh của mạng xã hội, các kênh truyền thông và người dân địa phương đối với việc tạo dựng thương hiệu cho các điểm đến là rất lớn. Vì vậy, cần phát huy tối đa lợi thế của những kênh trên để phát triển du lịch bền vững”.

- Du lịch là loại hình hoạt động tự nguyện, du khách chọn điểm đến dựa vào một số nguyên nhân như: có những di tích, danh lam thắng cảnh đẹp, mang nét đặc trưng riêng khác với nơi họ đang sinh sống; những dịch vụ đi kèm đầy đủ và chuyên nghiệp, giao thông thuận tiện, ẩm thực ngon... Vì thế, các tỉnh, thành muốn tạo dựng thương hiệu riêng về du lịch  hãy kết nối các di sản, danh thắng của địa phương thành tour du lịch.

Tại các điểm đến, khai thác những đặc sản, ẩm thực của vùng để du khách có thể thưởng thức những món ngon mà nơi khác không có. Đây là hai yếu tố quyết định đến hơn 70% yêu cầu của khách tham quan.

Tôi đơn cử TP.Penang (Malaysia) trở thành nơi thu hút lượng khách quốc tế đến tham quan đông nhất của nước này là vì gắn kết được các di sản văn hóa, danh thắng, phát triển được nền ẩm thực dân dã, kết nối hạ tầng giao thông thuận tiện, hạ tầng du lịch hoàn chỉnh, loại hình lưu trú đa dạng, chiến lược quảng bá thông tin tốt. Hiện nay, mỗi năm Malaysia đón hơn 32 triệu lượt khách quốc tế và đóng góp 60 tỷ ringgit (335,7 ngàn tỷ đồng) cho nền kinh tế.

* So với các nước trong khối ASEAN, theo ông du lịch Việt Nam phát triển nhanh hay chậm?

- Những năm gần đây, du lịch Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ. Với mức tăng trưởng trên 15%/năm, Việt Nam nằm trong tốp đầu các nước trong khối ASEAN về phát triển du lịch. Có được những bước tiến xa như vậy tôi nghĩ ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp thì Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong tạo hành lang pháp lý, “mở cửa” thông thoáng.

Trong những năm tới, Việt Nam vẫn là điểm đến của nhiều du khách nước ngoài. Vì Việt Nam có ẩm thực phong phú, phong cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang những sắc thái độc đáo. Nếu Chính phủ đầu tư tốt hơn cho hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách thì khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn. Những công ty lữ hành phải nghiên cứu tạo ra các tour dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Đồng thời, các doanh nghiệp tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá những điểm du lịch cho cộng đồng trong nước, quốc tế biết và chọn lựa. Nếu có những chiến lược tốt, tôi tin du lịch Việt Nam sẽ có tiến xa hơn nữa.

* Tiềm năng và nguồn lực còn nhiều

* Đã từng đến Đồng Nai tìm hiểu về các di tích, danh thắng, ông có thể cho một đánh giá thẳng thắn về phát triển du lịch của tỉnh?

“Tôi vẫn đang nghiên cứu về các di sản, danh thắng của Việt Nam với mong muốn có thể tư vấn cho các doanh nghiệp, chính quyền địa phương trong việc kết nối các di tích để làm du lịch. Đồng Nai sẽ là một trong những nơi tôi dự tính sẽ còn tiếp tục quay lại để đưa ra những giải pháp có thể góp phần vào phát triển du lịch của tỉnh”.

- Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch di sản văn hóa, du lịch sinh thái nhưng việc khai thác chưa tốt. Với lợi thế có rừng, sông, hồ, thác, di tích lịch sử, di tích văn hóa, nhiều làng nghề truyền thống, nếu thu hút đầu tư đúng mức sẽ tạo thành những khu du lịch nổi tiếng trong khu vực.

Ví dụ như ở TP.Biên Hòa có những ngôi đền, chùa cổ kính gắn với những nét văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân trong khu vực, kết nối lại có thể trở thành tour du lịch tâm linh. Hoặc đan xen vui chơi giải trí, tâm linh, trải nghiệm gồm đi thăm các di tích, làng nghề và đến các điểm du lịch.

Du lịch phát triển sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế của địa phương; đồng thời bảo tồn, tôn vinh được những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống.

* Những thách thức cho phát triển du lịch Đồng Nai là gì?

- Đồng Nai đang thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch bảo tồn di tích và chiến lược phát triển địa phương. Đầu tư cho hạ tầng, du lịch còn ít. Vì thế, muốn du lịch của tỉnh phát triển phải có cơ sở hạ tầng tốt, xây dựng được bản đồ di sản đơn lẻ thành một hệ thống tổng thể. Sau đó, tiến hành các mô hình thử nghiệm các hệ sinh thái di sản văn hóa dựa trên cộng đồng kết hợp với khu vực xung quanh: phố nghệ thuật, khu ẩm thực truyền thống, khu bán hàng lưu niệm, đặc sản... Tỉnh cũng có rất nhiều sản phẩm đặc sắc như: gốm, gỗ mỹ nghệ, tranh gạo... có thể làm sản phẩm du lịch để tăng sự cuốn hút với du khách, tăng doanh thu từ du lịch.

* Đồng Nai có nhiều tiềm năng về du lịch, nhưng mời gọi đầu tư rất khó khăn. Theo ông cần có những chính sách gì để thu hút đầu tư tốt hơn?

- Khi một doanh nghiệp muốn đầu tư vào du lịch ở khu vực nào, sẽ xem xét các yếu tố tiềm năng, kết nối giao thông có thuận lợi hay không; chính sách của tỉnh trong việc cho thuê đất, giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng...

Nếu Đồng Nai có những chính sách phù hợp đủ sức thu hút, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ đầu tư làm các khu du lịch. Tỉnh cũng nên thường xuyên tổ chức diễn đàn kinh tế du lịch thường niên, mời gọi các công ty lữ hành xây dựng các tour, tuyến kết hợp hài hòa giữa các di tích với khu du lịch tạo nên những nét độc đáo  cuốn hút. Khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào quảng bá du lịch, thành lập các hiệp hội, liên đoàn do người dân điều hành và cùng chia sẻ lợi nhuận.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích