Ông Trần Đức Cảnh (tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế thế giới tại Học viện Hành chính John F.Kennedy, Đại học Harvard) có gần 45 năm sống và làm việc tại Mỹ, từng là thành viên của Ban Cố vấn tuyển sinh Đại học Harvard, có nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý và xây dựng chính sách cho các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại bang Massachusetts (Hoa Kỳ).
Ông Trần Đức Cảnh. Ảnh: H.QUÂN |
Ông Trần Đức Cảnh (tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế thế giới tại Học viện Hành chính John F.Kennedy, Đại học Harvard) có gần 45 năm sống và làm việc tại Mỹ, từng là thành viên của Ban Cố vấn tuyển sinh Đại học Harvard, có nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý và xây dựng chính sách cho các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại bang Massachusetts (Hoa Kỳ). Ông Cảnh được Thủ tướng bổ nhiệm vào Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021.
Trong quá trình làm việc, ông nhiều lần giúp làm cầu nối cho các chương trình giáo dục của Mỹ và Việt Nam như: chương trình học bổng Fulbright, Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF)... Từ năm 1999, ông rời khỏi vị trí Giám đốc điều hành các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội của chính quyền bang Massachusetts, về Việt Nam và bắt tay vào các dự án kinh doanh như điện mặt trời, khách sạn cao cấp tại Nha Trang và khu nghỉ dưỡng Bình Định... Song trên hết, giáo dục là điều ông luôn trăn trở và muốn tham gia đóng góp để thay đổi tốt hơn.
* Dạy trẻ không chỉ có nhà trường
* Vì sao ông chọn trở về Việt Nam làm việc trong khi đang ở một vị trí rất tốt tại Mỹ, và lại bắt đầu ở Việt Nam bằng công việc kinh doanh chứ không phải giáo dục - lĩnh vực làm việc chính của ông lúc đó?
- Thứ nhất là với cá nhân tôi, công việc lúc đó mặc dù rất tốt về mặt địa vị xã hội, đảm bảo cuộc sống gia đình và có nhiều cơ hội để phát triển, học hỏi cho cá nhân, song công việc quản lý nhà nước có lúc cũng nhàm chán, mà tôi lại là người năng động, luôn tìm một công việc mới và thử thách hơn, có khả năng đóng góp nhiều hơn. Tôi từng chia sẻ là công việc hành chính như một “chiếc còng vàng”, hấp dẫn ban đầu và mang lại sự ổn định nhưng chính sự ổn định đó lại là lực cản lớn khi ta muốn thay đổi cho cá nhân hay hệ thống tích cực hơn. Lý do thứ 2 là tôi mong muốn về Việt Nam làm việc khi có điều kiện và cơ hội, 45 năm sống và làm việc ở Mỹ với tôi có lẽ đã khá dài.
Kinh doanh cũng là một thử thách thú vị khi về Việt Nam. Ở vị trí Tổng giám đốc cho Selco-Vietnam (chi nhánh một công ty của Mỹ tại Việt Nam) đưa điện mặt trời đến các hộ dân vùng sâu, vùng xa. Tôi có cơ hội đi khắp nơi trên khắp miền đất nước, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo để cảm nhận và hiểu biết thêm về đất nước và con người Việt Nam mình. Tôi không bao giờ quên gương mặt hạnh phúc của những người dân vùng xa khi lần đầu có điện thắp sáng, xem tivi và trẻ con học bài buổi tối, từ đó hiểu rằng lựa chọn của mình là hợp lý. Lúc đó tôi làm kinh doanh, nhưng thực chất công việc không khác gì đi làm từ thiện ở quy mô lớn.
Ở góc độ một nhà quản lý giáo dục và đào tạo, ông từng không ít lần chia sẻ, “cần cả ngôi làng” để giáo dục một đứa trẻ, có phải ông muốn nhấn mạnh đến sự kết nối giữa nhà trường - gia đình và các yếu tố khác của xã hội trong giáo dục con người?
- Đây là một câu ngạn ngữ châu Phi và tôi cho là nó đúng với thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay. Sẽ rất khó để giáo dục một đứa trẻ nếu không có sự chung tay của gia đình, nhà trường, xã hội, chính quyền địa phương...
Xã hội đang có xu hướng chỉ trông chờ hoặc quy trách nhiệm giáo dục một đứa trẻ cho nhà trường. Một ngôi trường dù có tốt đến mấy cũng không thể giáo dục trẻ khi chúng ra khỏi cổng trường, ở nhà, huống chi ở những môi trường xã hội phức tạp khác. Thực tế, xã hội Việt Nam hiện nay đang thiếu nhất quán về ứng xử trong nhà trường, ngoài xã hội, tại các nơi công cộng... Đứa trẻ sẽ rất bối rối khi nó được dạy ứng xử một kiểu tại trường và lại chứng kiến những kiểu ứng xử khác nhau cho cùng một tình huống ở các nơi khác.
Để giáo dục một đứa trẻ thành công, chỉ có nhà trường thôi không đủ mà cần cả gia đình và cộng đồng tham gia. Chúng ta cần đến cả “một ngôi làng” với sự nhất quán về ứng xử, hành vi, nguyên tắc để làm gương cho đứa trẻ, để trẻ thấy rằng những gì được dạy trong nhà trường là đúng đắn. Muốn làm được như thế, gia đình, xã hội, nhà giáo, nhà trường, chính quyền... phải tư duy lại cấu trúc và vận hành của hệ thống giáo dục địa phương hiện nay, thay vì phân chia, đổ lỗi, quy trách nhiệm thì tất cả hãy xem mình là “cổ đông” trong việc giáo dục một đứa trẻ cho đến khi trẻ rời ghế nhà trường. Đây không phải là việc làm một ngày, một tháng, mà phải qua nhiều thế hệ.
Thiết nghĩ nhà trường và hệ thống giáo dục cần chuyển từ tư duy hệ thống “trách nhiệm cứng” sang linh động, sáng tạo và cầu thị trong việc tiếp nhận ý kiến, tận dùng nguồn lực từ gia đình và xã hội cho việc giáo dục một học sinh. Tôi nghĩ một số trường đã đi theo hướng này rồi.
* Phụ huynh Việt Nam vẫn rất quan tâm con em
* Nhiều phụ huynh Việt Nam đang chọn con đường du học cho con của mình để con có cơ hội tiếp thu giáo dục ở các nước phát triển. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?
- Hiện nay, giáo dục trong nước đã đa dạng hơn, có trường năng khiếu, tư thục, trường quốc tế mở ra với số lượng ngày một nhiều. Lựa chọn loại trường nào là do mỗi gia đình tự cân nhắc, nếu muốn và có điều kiện họ có thể cho con du học. Đây là xu hướng diễn ra ở nhiều nước từ nhiều thập niên trước, không riêng gì Việt Nam. “Nước chảy chỗ trũng”, những quốc gia có nền giáo dục được cho là khá ưu việt như Mỹ chẳng hạn sẽ thu hút nhiều du học sinh từ nhiều nước.
Giáo dục Việt Nam còn nhiều vấn đề, và sự lo lắng hiện nay của phần lớn phụ huynh là hoàn toàn có cơ sở. Bản thân tôi cũng rất nóng ruột và chia sẻ các vấn đề rất phổ biến trong giáo dục từ lớp 1-12, như chương trình học trong lớp khá nặng, nạn học thêm - dạy thêm, nạn bạo hành trong các trường, thiếu môi trường và không gian cho thể dục - thể thao và sinh hoạt lành mạnh. Thiết nghĩ nhà quản lý giáo dục các cấp đều hiểu rõ những việc này, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khiến sự thay đổi, phản ứng trong hệ thống giáo dục dường như rất chậm, gây búc xúc không ít cho xã hội.
Điều làm tôi vẫn còn lạc quan cho giáo dục Việt Nam là sự lo lắng quan tâm giáo dục con em trong gia đình và xã hội còn rất lớn, khó tìm thấy ở các nước, các cộng đồng dân tộc khác mà tôi có nhiều năm kinh nghiệm, đó là điều may mắn nhất của dân tộc Việt. Nếu tận dụng được sự “quan tâm” trong xã hội, kết hợp với lực thay đổi nhanh chóng các vấn đề cản trở hiện nay, thì nền giáo dục Việt Nam sẽ vực dậy rất nhanh.
Việc gia đình cho con học trường quốc tế trong nước nếu có điều kiện, hay cho con du học cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, khi gia đình quyết định cho con du học nước ngoài cũng nên cân nhắc, môi trường sống và học tập, ngành học, hướng phát triển nghề nghiệp tương lai theo năng khiếu và sở thích, và khả năng tài chính. Du học là hình thức đầu tư trí tuệ, nếu đầu tư đúng thì sẽ mang lại vô vàn giá trị, ngược lại thì chỉ là thất vọng. Không nên chạy theo phong trào hay ảnh hưởng số đông.
* Ông nghĩ gì về sự cố “chạy trường” của một số người nổi tiếng xảy ra ở Mỹ, và nghĩ gì về việc “sửa điểm” tại Hà Giang?
- Tôi không ngạc nhiên khi sự cố “chạy trường” ở Mỹ bị phanh phui. Nhưng cần hiểu đây là một sự cố cá biệt và nó bị cả xã hội lên án gay gắt, chứ không phải là một tình trạng phổ biến. Nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển sinh ở các đại học danh tiếng Mỹ, tôi hiểu khá rõ các ngóc ngách của vấn đề.
Điều đáng quan tâm về sự cố sửa điểm ở Hà Giang có liên quan đến những người làm quản lý giáo dục và những người có chức quyền địa phương, có phần mang tính lạm quyền hệ thống. Mức độ phổ biến của sự cố này phần nào nói lên chất lượng và nhận thức của cả một nền giáo dục. Chúng ta không thể đòi hỏi cả một xã hội đều tốt cả, song cần làm mọi cách để những cái xấu trở nên cá biệt chứ không phải trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất ở đây không phải là nhận thức, đạo đức cá nhân về các vấn đề tiêu cực trong tuyển sinh ở đại học Mỹ hay Việt Nam, mà là cấu trúc vận hành của nền kinh tế và xã hội. Ở Mỹ, cơ chế thị trường không cho phép những người thiếu khả năng tồn tại trong công việc lâu dài, kể cả nhân viên trong chính quyền. Bằng cấp chỉ chứng minh người đó có học và tốt nghiệp, còn khả năng lại là một chuyện khác. Do đó, muốn tồn tại trong cơ chế “thị trường” thì buộc phải học thật và có năng lực công việc thật. Một khi cơ chế thị trường, kể cả thị trường nguồn nhân lực công và tư, hoạt động lành mạnh thì mới mong đào thải các loại tiêu cực này.
* Là thành viên của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực do Thủ tướng bổ nhiệm đã được 2 năm, ông thấy mình đã làm được điều gì?
- Như những thành viên khác trong Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi không phải là một hội đồng chuyên trách, không giải quyết hay xen vào các công việc thuộc các bộ, ngành, Quốc hội, trường. Chức năng của hội đồng là tư vấn cho Chính phủ các vấn đề, để xuất giải pháp cho các vấn đề giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.
Song bằng các mối quan hệ, bằng kinh nghiệm của mình, tôi vẫn đang cổ động tích cực cho những thay đổi, đóng góp những ý kiến, đề xuất các mô hình, chương trình mới về phát triển giáo dục và xây dựng nguồn nhân lực trong bối cảnh đất nước hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Từ năm 1999, ông Trần Đức Cảnh cùng nhóm bạn xây dựng ý tưởng chương trình học bổng dành cho sinh viên Việt Nam đào tạo bậc tiến sĩ các ngành khoa học ứng dụng và kỹ thuật, sau đó Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) ra đời cuối năm 2000 và hoạt động cho đến năm 2018. Mỗi năm VEF tuyển chọn và đào tạo khoảng 40 du học sinh tại các đại học nghiên cứu hàng đầu của Mỹ. Hiện nay ông tham gia cùng các cựu sinh viên VEF giúp tuyển chọn khoảng 20 sinh viên tiến sĩ/năm, với học bổng toàn phần do các đại học nghiên cứu hàng đầu của Mỹ cấp. Hy vọng chương trình học bổng này sẽ tiếp tục lớn mạnh, tạo cơ hội cho các tài năng trẻ Việt Nam tham gia học tập, nghiên cứu ngành khoa học ứng dụng và kỹ thuật tại các đại học lớn ở Mỹ. |
Kim Ngân (thực hiện)