Từng có 15 năm làm việc tại Việt Nam, ông Junichi Mori, chuyên gia về kinh tế đã tham gia giảng dạy, tư vấn cho nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đến đầu tư tại Việt Nam. Hơn 4 năm nay, ông còn kiêm thêm việc làm điều phối viên kết nối DN Việt với DN Nhật để 2 bên cung ứng sản phẩm cho nhau.
Từng có 15 năm làm việc tại Việt Nam, ông Junichi Mori, chuyên gia về kinh tế đã tham gia giảng dạy, tư vấn cho nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đến đầu tư tại Việt Nam. Hơn 4 năm nay, ông còn kiêm thêm việc làm điều phối viên kết nối DN Việt với DN Nhật để 2 bên cung ứng sản phẩm cho nhau.
Ông Junichi Mori là người khá thân thiết với những DN Nhật Bản đã đầu tư vào Đồng Nai và cả những DN Đồng Nai đã xuất khẩu được hàng tại chỗ cho DN Nhật. Ông được xem là “ông mai” mát tay cho các DN Nhật Bản đến đầu tư tại Đồng Nai. Không chỉ thế, ông còn giúp DN 2 nước hợp tác trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
* Gắn bó với Việt Nam
* Điều gì đã khiến ông chọn Việt Nam là nơi sinh sống và làm việc lâu dài?
- Tôi vốn là giảng viên của một trường đại học tại Nhật Bản. Hơn 15 năm trước, tôi được cử đến Việt Nam để tham gia chương trình hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam với công việc cụ thể là tư vấn cho các DN Việt về quản lý nguồn nhân lực, những quy trình trong sản xuất để có thể cung ứng hàng cho DN Nhật tại Việt Nam và xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, tôi còn tham gia giảng dạy trong một số trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam. Trong mắt tôi, con người Việt Nam rất hiếu khách, ham học hỏi và cần cù, điều đó đã khiến tôi chọn ở lại Việt Nam làm việc lâu dài.
* Từng tư vấn cho nhiều DN nhỏ và vừa của Việt Nam, ông có thể đánh giá đâu là điểm mạnh và đâu là điểm yếu của họ?
- Tôi có may mắn là được tiếp xúc với nhiều DN nhỏ và vừa của Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành ở Việt Nam và thấy họ có những ưu điểm rất nổi trội là chịu học hỏi, nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ mới hiện đại vào trong sản xuất - kinh doanh. Họ cũng rất thông minh, nhanh nhạy và khi không may gặp trở ngại bị thất bại, vẫn có ý chí để tiếp tục làm lại từ đầu và vươn lên. Sự nhạy bén và không sợ gặp trở ngại rủi ro là điều nhiều DN nhỏ của Nhật Bản chúng tôi cũng cần học hỏi.
Tuy nhiên, các DN nhỏ Việt Nam cũng có nhược điểm cần khắc phục là chưa thực sự hiểu rằng, khi muốn liên kết, bán sản phẩm cho DN Nhật Bản hoặc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản hàng hóa phải đảm bảo chất lượng gần như tuyệt đối. Cụ thể có không ít DN Việt cho rằng làm ra cả ngàn sản phẩm thì có 2-3% lỗi là điều bình thường nên không chú tâm lắm đến biện pháp khắc phục để tỷ lệ sản phẩm lỗi giảm xuống mức thấp nhất. Trở ngại nằm ở chỗ các DN Nhật Bản lại không chấp nhận được điều này, vì họ cần tỷ lệ sản phẩm đạt chất lượng gần như tuyệt đối.
* Những điểm yếu ông đã nêu trên liệu có phải là rào cản lớn nhất khiến nhiều DN Việt chưa tham gia vào chuỗi kết nối với DN Nhật Bản?
- Theo tôi đó cũng chỉ là một trong những điểm yếu khiến 2 bên chưa liên kết và cung ứng nguyên liệu đầu vào cho nhau như mong muốn. Thực tế còn nhiều nguyên nhân khác nữa. Tôi đơn cử như hiện tại Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác có công nghiệp phát triển nhưng vẫn chưa xây dựng được danh sách DN trong từng lĩnh vực, quy trình sản xuất, chất lượng, số lượng sản phẩm.
Xây dựng được danh sách trên, có thể tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa DN Việt và DN Nhật Bản trên cùng lĩnh vực cho phù hợp để có thể giao lưu, tìm đối tác cung ứng sản phẩm cho nhau.
Có được dữ liệu trên, Đồng Nai và các tỉnh thành khác cũng có thể xúc tiến thương mại với các DN Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu... đang đầu tư vào tỉnh và những tỉnh, lân cận khác.
* Góp phần thắt chặt quan hệ Việt - Nhật
* Hơn 15 năm làm việc tại Việt Nam, ông thấy mình hài lòng nhất ở điều gì trong công việc?
Bàn Kansai là bộ phận một cửa thuộc chính quyền tỉnh Đồng Nai, là nơi tư vấn trực tiếp cho các DN và nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, đặc biệt là từ vùng Kansai. Bàn Kansai đóng vai trò cầu nối giữa các DN Kansai - Nhật Bản và các cơ quan công quyền của tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là về các thủ tục đầu tư, giúp các DN thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác, thuận lợi, hỗ trợ DN giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án tại Đồng Nai. Văn phòng Bàn Kansai hiện đặt tại Bộ phận một cửa - Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai. |
- Nhiều năm công tác ở Việt Nam, mong muốn lớn nhất của tôi là có thể góp phần thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt giữa vùng Kansai với Đồng Nai. Sau đó, có thể đem những kiến thức, kinh nghiệm của mình giảng dạy cho sinh viên, tư vấn hỗ trợ các DN Việt để họ nắm bắt được những yêu cầu của phía DN Nhật, từ đó có thể hợp tác với nhau trong sản xuất - kinh doanh để cùng phát triển bền vững.
Điều khiến tôi vui mừng và luôn tự hào là được các sinh viên, giảng viên ở những trường tôi đã tham gia giảng dạy quý mến. Các DN Việt, Nhật Bản cũng tin tưởng tôi và khi có những trở ngại hoặc vướng mắc, họ đã tìm đến tôi.
* Vậy còn điều gì khiến ông băn khoăn và thấy mình chưa làm được?
- Đầu tư của Nhật Bản vào tỉnh trong 3-4 năm qua tăng nhanh và đúng lĩnh vực Đồng Nai đang mời gọi là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao. Nhưng theo tôi, vẫn chưa xứng tầm.
Trong thời gian tới, với vai trò là chuyên gia tư vấn, điều phối viên của Bàn Kansai tại Đồng Nai, tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để làm cầu nối đưa những DN nhỏ Nhật Bản đến tỉnh đầu tư. Đồng thời phải kết nối được nhiều DN Nhật với DN Đồng Nai hơn nữa để cùng tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm cho nhau để cùng phát triển lớn mạnh.
* Từng nghiên cứu khá kỹ về môi trường đầu tư của Đồng Nai để tư vấn cho DN Nhật Bản, theo ông Đồng Nai cần làm gì để thu hút được nhiều DN Nhật đến đầu tư hơn nữa?
- So với nhiều tỉnh, thành phía Nam thì Đồng Nai là nơi có nhiều ưu điểm trong thu hút đầu tư nước ngoài mà DN Nhật Bản, cũng như DN nhiều nước khác đang cần. Song thực tế có nhiều DN nhỏ Nhật Bản đang muốn đầu tư vào Việt Nam vẫn chưa biết rõ về tỉnh. Vì thế tôi nghĩ trong thời gian tới, tỉnh nên tổ chức nhiều đợt xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Trong đó, giới thiệu rõ những ngành nghề mình đang thu hút, tiềm năng và lợi thế của tỉnh để họ biết rõ. Như vậy, số DN Nhật Bản đến Đồng Nai đầu tư sẽ tăng cao hơn nữa.
Bên cạnh đó, tỉnh nên tiếp tục giảm bớt các thủ tục hành chính, thời gian giải quyết hồ sơ để DN Nhật vào Đồng Nai sớm triển khai dự án đi vào hoạt động. Tỉnh nên thu hút các DN lớn để khi họ tới sẽ đưa theo nhiều DN nhỏ để cung ứng sản phẩm cho mình.
* Theo nhìn nhận của ông, trong thời gian tới, lĩnh vực nào tại Đồng Nai sẽ đón nhận được nhiều dự án đầu tư từ Nhật Bản?
- Tôi nghĩ lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ tiếp tục thu hút được nhiều DN Nhật Bản đến đầu tư hơn. Bởi Đồng Nai là một trong những nơi sản xuất công nghiệp lớn nhất Việt Nam và hầu hết các tập đoàn đa quốc gia lớn của thế giới trên các lĩnh vực phần lớn đều có nhà máy sản xuất tại Đồng Nai.
Việt Nam là nước đang nằm trong tốp đầu của thế giới về hội nhập nhanh và đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan. Nhưng muốn hưởng ưu đãi về thuế, phải đáp ứng yêu cầu về xuất xứ nguyên liệu sản xuất trong nước, như vậy các DN Nhật Bản cũng như nước ngoài đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ dễ dàng tìm được đối tác cung ứng sản phẩm để xuất khẩu tại chỗ.
Ngoài ra, tôi thấy 2 lĩnh vực khác cũng sẽ thu hút các DN Nhật Bản bỏ vốn đầu tư là thương mại và dịch vụ.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)