Ông Huỳnh Đức Thơ, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Thái Vinh ở KP.3, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề gốm tại Đồng Nai. Trải qua nhiều thăng trầm của nghề gốm, ông luôn đau đáu một nỗi niềm là làm sao tìm cách phát triển nghề và mở rộng danh tiếng của gốm Biên Hòa - Đồng Nai.
Ông Huỳnh Đức Thơ |
Ông Huỳnh Đức Thơ, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Thái Vinh ở KP.3, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề gốm tại Đồng Nai. Trải qua nhiều thăng trầm của nghề gốm, ông luôn đau đáu một nỗi niềm là làm sao tìm cách phát triển nghề và mở rộng danh tiếng của gốm Biên Hòa - Đồng Nai.
Từ năm 14 tuổi, ông Thơ tìm đến học nghề ở những cơ sở gốm trong vùng. Với niềm say mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ nên chỉ sau 3 năm, chàng trai 17 tuổi khi ấy đã trở thành một thợ gốm lành nghề, có thể làm được tất cả các công đoạn của gốm, và sau hơn 50 năm làm gốm, hiện ông làm chủ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gốm Biên Hòa đến Hoa Kỳ.
* Muốn làm gốm, phải “mê” nghề gốm
* Điều gì khiến ông đam mê nghề gốm từ khi còn ít tuổi như vậy?
- Tôi sinh ra và lớn lên tại Tân Vạn, nơi nổi tiếng cả nước với nghề làm gốm nên từ nhỏ ngoài tự hào về làng gốm hơn 100 năm, tôi còn nuôi một ước mơ khi lớn lên sẽ trở thành một thợ gốm giỏi, có thể tự mình sáng tạo ra những sản phẩm gốm đặc sắc. Cũng vì ước mơ này mà năm 14 tuổi, tôi bắt đầu theo chân các thợ gốm trong vùng để học hỏi kinh nghiệm, trở thành thợ gốm.
Khi đã chính thức là một người thợ gốm lành nghề, tôi có thêm hoài bão sẽ tự mình sáng tạo ra nhiều sản phẩm gốm mới lạ, hấp dẫn nhưng vẫn giữ nét truyền thống của riêng gốm Biên Hòa - Đồng Nai là thanh nhã, có giá trị cả về nghệ thuật, thẩm mỹ và văn hóa. Sau đó, sẽ đưa gốm Biên Hòa - Đồng Nai đến với đông đảo người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
* Trải dài hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề gốm, ông thấy mình đã làm được những gì để phát triển nghề?
- Tôi cũng như nhiều nghệ nhân, thợ giỏi trong nghề đều cố gắng đưa những tâm huyết, đam mê vào trong từng sản phẩm gốm. Gốm Biên Hòa - Đồng Nai trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng và cái hồn riêng không nơi nào có được. Qua nhiều thăng trầm, song không thể phủ nhận gốm Đồng Nai vẫn giữ được vị thế riêng ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Riêng bản thân tôi, ngoài làm các sản phẩm theo các đơn đặt hàng thì cũng không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều mẫu sản phẩm gốm mới lạ, hấp dẫn để giới thiệu cho các khách hàng. Suốt quá trình làm gốm của mình, tôi từng làm ra hàng ngàn sản phẩm gốm khác nhau và được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Đây là niềm vui lớn nhất của người làm nghề. Và điều khiến tôi thấy hài lòng là suốt trong nhiều năm qua đã truyền nghề được cho hàng trăm người. Trong đó, có những người hiện là những thợ gốm giỏi, có tên tuổi trong nghề.
* Có còn những điều ấp ủ nào mà ông thấy mình chưa thực hiện được hay không?
- Những điều tôi mong muốn nhưng chưa làm được thì còn rất nhiều. Cụ thể như tôi muốn đưa gốm Biên Hòa - Đồng Nai đến được nhiều quốc gia trên thế giới, song thực tế vẫn chưa làm được nhiều như mong muốn. Cái khó ở đây không phải khó trong mở rộng thị trường mà là mình không đủ sức đáp ứng các đơn hàng lớn của đối tác.
Vì thế, tôi rất mong các cơ sở gốm có thể liên kết lại với nhau, đưa ra nhiều sản phẩm độc lạ mang sắc thái riêng của gốm Đồng Nai để quảng bá, mở rộng thị trường ra nhiều nước. Tôi cũng hy vọng mình có thể truyền lòng đam mê nghề cho những bạn trẻ để nghề gốm ngày càng phát triển.
* Mong xuất khẩu gốm Biên Hòa ra thế giới
* Khởi đầu chỉ là một doanh nghiệp chuyên gia công, bán hàng cho những công ty xuất khẩu, làm sao để sản phẩm gốm của ông có thể xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Hoa Kỳ?
- Trước đây, cơ sở gốm của tôi chỉ làm hàng tiêu thụ trong nước và phải xuất khẩu qua các công ty trung gian. Nguyên nhân là vì khi đó nhà xưởng không đáp ứng được nhu cầu của khách nước ngoài. Nhưng hơn 2 năm nay, sau khi di dời vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa), nhà xưởng được xây mới, máy móc thiết bị được đầu tư hiện đại đảm bảo về môi trường, phòng chống cháy nổ nên tôi liên hệ trực tiếp với khách hàng nước ngoài để xuất khẩu trực tiếp.
Khi khách hàng đến tham quan nơi sản xuất, phòng trưng bày các mẫu gốm, họ rất thích và đặt hàng với số lượng lớn. Do đó, công ty của tôi có thể xuất khẩu hàng trực tiếp vào một số thị trường. Thế nhưng, gần đây, thị trường Hoa Kỳ đặt hàng với số lượng lớn nên chỉ làm riêng đơn hàng xuất khẩu vào thị trường này cũng không kịp nên tôi đành phải từ chối các đơn hàng đến từ các nước khác. Thời gian qua, để có thể hoàn thành một số đơn hàng lớn, tôi có liên kết với một số doanh nghiệp chia sẻ bớt các đơn hàng để cùng sản xuất.
* Trải qua hơn 50 năm nhiều thăng trầm với nghề gốm, ông có nhìn nhận thế nào về gốm Biên Hòa - Đồng Nai hiện nay?
Năm 2010, ông Huỳnh Đức Thơ, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Thái Vinh được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu Thợ giỏi. Hiện tỉnh đang làm hồ sơ phong tặng ông danh hiệu Nghệ nhân. Ông là người có công trong bảo tồn, phát triển nghề gốm Biên Hòa - Đồng Nai. Hiện nay, gần 100% sản phẩm gốm của Công ty TNHH gốm sứ Thái Vinh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. |
- Tôi từng trải qua từ thời hoàng kim đến giai đoạn “trượt dốc” của gốm Biên Hòa - Đồng Nai. Nếu trước đây, tại Biên Hòa có đến gần 200 cơ sở gốm thì nay chỉ còn 37 cơ sở. Dù gốm Biên Hòa - Đồng Nai thời gian qua có mai một nhưng sẽ không dễ dàng bị “xóa sổ” như đánh giá của một số người. Bởi vẫn còn những người tâm huyết với nghề, muốn giữ nghề và phát triển. Đặc biệt là tỉnh, thành phố cũng rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát triển nghề gốm.
Gần 2 năm nay, các cơ sở gốm sau khi di dời vào cụm công nghiệp đã dần khôi phục trở lại, nâng công suất và mở rộng thị trường. Gốm Biên Hòa - Đồng Nai hiện xuất khẩu vào hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ và phần lớn là xuất khẩu trực tiếp. Điều này chứng tỏ gốm Biên Hòa - Đồng Nai vẫn giữ được giá trị về kinh tế, văn hóa, thẩm mỹ ở thị trường trong và ngoài nước. Các cơ sở gốm tại Đồng Nai vẫn không ngừng nghiên cứu, đưa ra những mẫu sản phẩm mới, lạ, đẹp.
Càng về sau, kỹ thuật làm gốm Biên Hòa - Đồng Nai càng được cải tiến mang lại những nét đặc sắc hơn. Sản phẩm gốm Biên Hòa không chỉ đơn thuần với chức năng sử dụng hàng ngày mà còn mang giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật, văn hóa cao, góp phần giúp gốm Biên Hòa - Đồng Nai nổi danh trong và ngoài nước.
* Người yêu gốm Biên Hòa liệu có thể mơ gốm Biên Hòa - Đồng Nai trở lại thời hoàng kim thêm lần nữa?
- Trở lại thời hoàng kim như xưa thì… hơi khó, song muốn gốm Biên Hòa - Đồng Nai phát triển mạnh hơn, xứng tầm hơn thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố như: nhân lực, thị trường, cơ chế chính sách của tỉnh, thành phố, mức độ cải tiến mẫu mã theo kịp xu hướng của thị trường, xúc tiến thương mại để quảng bá giới thiệu sản phẩm...
Thời gian qua, Đồng Nai đã có những chính sách ưu đãi cho phát triển nghề gốm. Tuy nhiên muốn nghề gốm phát triển mở rộng hơn nữa thì tỉnh cần tiếp tục có những chính sách ưu đãi về vốn vay, đất đai để các doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng, nâng công suất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Bởi xuất khẩu gốm ngoài lợi ích về kinh tế còn mang ý nghĩa lớn là giới thiệu cho thế giới biết về bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam. Ngoài ra, nên có chính sách để gắn phát triển du lịch với làng nghề gốm để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước.
* Trong hội nhập, muốn đủ sức tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp rất cần sự bắt tay, liên kết. Theo ông, những doanh nghiệp gốm tại Đồng Nai có sự liên kết chặt chẽ hay chưa?
- Theo tôi thấy thì gần đây các doanh nghiệp gốm tại Đồng Nai đã có sự liên kết để cùng đáp ứng một số đơn hàng lớn. Tuy nhiên sự gắn kết giữa các doanh nghiệp chưa được chặt chẽ, ít chia sẻ những kinh nghiệm cho nhau trong sản xuất, xuất khẩu. Đây cũng là điểm hạn chế trong việc phát triển nghề gốm.
Hiện nay, 90% sản phẩm gốm của Đồng Nai sản xuất ra là để xuất khẩu và được thị trường thế giới rất ưa chuộng. Nếu các doanh nghiệp cùng hợp tác, tôi cho là sẽ nghiên cứu ra được nhiều mẫu mã mới, đặc sắc hơn và có thể đưa gốm Biên Hòa - Đồng Nai gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)