Đến Đồng Nai chủ trì Hội nghị toàn quốc văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá về kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thời gian qua cũng như định hướng cho thời gian tới.
Đến Đồng Nai chủ trì Hội nghị toàn quốc văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá về kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thời gian qua cũng như định hướng cho thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường |
Bộ trưởng cho biết mục tiêu của chương trình NTM trong năm 2019 cũng như ý nghĩa của hội nghị lần này?
- Dự kiến năm 2019, chúng ta sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra vào năm 2020. Tuy nhiên còn một yếu tố là không phải tất cả các tỉnh, thành đều có huyện NTM nên cần tiếp tục phấn đấu.
Để chuẩn bị cho tổng kết 10 năm xây dựng NTM dự kiến tổ chức vào cuối năm nay, hội nghị toàn quốc lần này để thúc đẩy các huyện, các tỉnh rà soát lại toàn bộ nhóm chỉ tiêu để những chỉ tiêu nào chưa hoàn thành thì phải dồn lực vào. Hội nghị lần này còn giúp đại biểu của các tỉnh, thành trong cả nước thấy được sự cần thiết, bản chất của NTM là thay đổi đời sống người dân nên những chỉ tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM được nhấn mạnh tại hội nghị. Trong đó, tập trung số một là tổ chức sản xuất phải hình thành liên kết trên tất cả 3 trục sản phẩm: trục sản phẩm cấp quốc gia, trục sản phẩm cấp tỉnh và cấp xã. Phải xem liên kết là chìa khóa để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; chìa khóa để nông sản Việt Nam hội nhập được. Đây cũng là cơ sở để cải thiện đời sống người dân.
Bộ trưởng có thể đánh giá về kêt quả xây dựng NTM trong cả nước thời gian qua?
- Chương trình xây dựng NTM của chúng ta từ năm 2010-2020 được chia ra làm 2 giai đoạn căn cứ vào giai đoạn phát triển kinh tế. Trong đó, giai đoạn 1 (2010-2015) về cơ bản đạt được những mục tiêu cốt lõi với hơn 17% trên tổng số xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 24,4 triệu đồng/người/năm, nâng lên được 1,9 lần, cao hơn mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, tổng kết lại giai đoạn này vẫn có nhiều bất cập từ huy động nguồn lực, một số nơi vẫn phát triển theo phong trào; những mục tiêu căn cốt như: vấn đề tổ chức sản xuất, vấn đề về môi trường, an sinh, an ninh trật tự chưa được chú ý nhiều bằng các chỉ tiêu cơ sở hạ tầng.
Giai đoạn 2 (2016-2010), chúng ta bắt tay ngay vào xử lý những tồn tại của giai đoạn trước. 3 năm qua của giai đoạn 2 đã có nhiều sáng tạo, cập nhật nhiều điểm mới nên phong trào không chỉ khắc phục những hạn chế của giai đoạn trước mà còn đẩy mạnh chương trình. Việc đầu tiên, chúng ta đã hoàn thiện bộ tiêu chí mới để điều chỉnh phù hợp hơn giữa các vùng, miền. Cụ thể, riêng về ngân sách trung ương đầu tư cho NTM tăng hơn gấp 4 lần so với giai đoạn trước. Chúng ta cũng có hệ số tập trung, tăng nguồn lực cho các vùng kinh tế khó khăn, miền núi gấp 4-5 lần so với mức bình quân của cả nước để tạo ra bức tranh phát triển bền vững trong xây dựng NTM. Nhiều nội dung mới cũng được đưa vào giai đoạn này, như: Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phong trào xây dựng vườn mẫu gắn với khu định cư kiểu mẫu; phát triển du lịch nông thôn…
Điều đó cho thấy giai đoạn 2016-2020 chúng ta quyết tâm rất cao, nhất là trong công tác rút kinh nghiệm chỉ đạo, cầu thị tiếp thu những vấn đề giai đoạn trước để chỉnh sửa. Chính vì thế, những kết quả chúng ta đạt được rất tốt đẹp cả về mặt số lượng và chất lượng. Đến hôm nay, cả nước có 4.144 xã đạt chuẩn NTM; có 62 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.
Theo Bộ trưởng, định dạng NTM Việt Nam sẽ như thế nào trong giai đoạn mới?
- Tổng kết 10 năm xây dựng NTM, ngoài việc đánh giá kết quả một cách khách quan nhất thì điều quan trọng hơn là định dạng ra giai đoạn mới, NTM Việt Nam sẽ như thế nào trong bức tranh chung của kinh tế Việt Nam trong 5 năm, 10 năm tới.
Trong đó, chất lượng sẽ được chú trọng. Những chỉ tiêu như: môi trường, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, củng cố chính quyền địa phương… cần được tập trung hơn. Về phát triển sản xuất, những chương trình lớn như: phát triển 15 ngàn hợp tác xã kiểu mới; chương trình Mỗi xã một sản phẩm… phải được xem là chiến lược lâu dài để phát triển nông nghiệp bền vững. Du lịch Việt Nam tăng nhanh theo mỗi năm, cần chú trọng khai thác du lịch nông nghiệp, nông thôn. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào những chương trình trên cũng cần được quan tâm.
Về việc kéo gần khoảng cách chênh lệch trong xây dựng NTM giữa các vùng, miền, ngoài việc tiếp tục tạo mọi điều kiện cho những vùng khó khăn phát triển, xây dựng NTM sẽ được lồng ghép với nhiều chương trình như: xóa đói giảm nghèo, chương trình các xã vùng biên giới hải đảo; gắn giữa phát triển rừng bền vững với xóa nghèo…
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Lê Quyên (thực hiện)