Báo Đồng Nai điện tử
En

Khẩn cấp và đồng bộ phòng, chống dịch

10:03, 01/03/2019

Ngay sau khi Việt Nam xuất hiện các ổ dịch tả heo châu Phi (AFS), ngành Nông nghiệp Đồng Nai đã họp khẩn và đưa ra các giải pháp đồng bộ trong việc phòng, chống dịch.

ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai

Ngay sau khi Việt Nam xuất hiện các ổ dịch tả heo châu Phi (AFS), ngành Nông nghiệp Đồng Nai đã họp khẩn và đưa ra các giải pháp đồng bộ trong việc phòng, chống dịch.

Phóng viên Báo Đồng Nai đã phỏng vấn ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch AFS của cả các cơ quan chức năng và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

* Ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài

- Ông có thể cho biết những giải pháp cần làm ngay để ngăn chặn mầm bệnh AFS từ bên ngoài vào tỉnh?

- Đồng Nai là một trong những tỉnh chăn nuôi trọng điểm của cả nước nên việc chủ động các biện pháp phòng, chống dịch rất quan trọng. Hiện heo miền Bắc đang chuyển vào Nam tiêu thụ ngày càng nhiều nên việc kiểm soát để mầm bệnh từ bên ngoài cần được đặt lên hàng đầu vì nếu không làm ngay thì có thể heo bệnh sẽ lọt vào trong tỉnh. Đồng Nai đã lập thêm 2 chốt kiểm dịch trên quốc lộ 1 ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) giáp với tỉnh Bình Thuận và 1 chốt ở xã Phú Bình (huyện Tân Phú) giáp với Lâm Đồng để kiểm soát nguồn heo có nguy cơ mang mầm bệnh từ phía Bắc vào.

Ngoài ra, các sản phẩm chế biến có mầm bệnh AFS cũng có thể là nguồn lây lan dịch nếu người chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa có mầm bệnh cho heo ăn. Đặc biệt sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội, lượng khách du lịch mang thức ăn được chế biến từ thịt heo vào tỉnh rất nhiều và khó kiểm soát, không loại trừ khả năng có sản phẩm mang mầm bệnh.

- Hiện nay, công tác phòng dịch AFS được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Ngay sau khi Việt Nam xuất hiện dịch AFS, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đưa ra các giải pháp khẩn cấp gồm: tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của dịch bệnh này; tổ chức hội nghị để triển khai các biện pháp khẩn cấp từ cấp tỉnh đến từng địa phương để có sự sẵn sàng trong phòng, chống dịch; tăng cường công tác kiểm dịch tại các cơ sở giết mổ; thực hiện tổng vệ sinh sát trùng, tiêu độc…

* Chủ động phòng chống

 - Về phía người chăn nuôi, cần phải làm gì để ứng phó với dịch bệnh?

- Hiện chưa có vaccine nên việc người nuôi chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học rất quan trọng. Trước hết là phải kiểm soát nguồn con giống có địa chỉ rõ ràng, được kiểm dịch và thực hiện cách ly nghiêm túc. Người nuôi cần thực hiện cùng vào cùng ra là nuôi cùng một lứa để khi xuất hết heo nên để trống chuồng, tổng vệ sinh, tiêu độc chuồng trại trước khi nhập lứa nuôi mới.

Các trang trại đều ráo riết ứng dụng các biện pháp an toàn sinh học để phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Trong ảnh: Trang trại heo tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên
Các trang trại đều ráo riết ứng dụng các biện pháp an toàn sinh học để phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Trong ảnh: Trang trại heo tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên

Hiện nay, dịch AFS đang đe dọa nên người nuôi cần thường xuyên thực hiện sát trùng, tiêu độc, thậm chí làm hằng ngày công tác này; thường xuyên kiểm tra, giám sát đàn để kịp thời phát hiện trường hợp bất thường. Nếu có yếu tố nghi ngờ cũng báo ngay cho cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm và có biện pháp khẩn trương phòng, chống. Ngoài ra, nguồn thức ăn, nước uống cũng phải được kiểm soát; không cho xe vận chuyển vào trại hoặc phải có địa điểm riêng để thực hiện sát trùng, tiêu độc vì phương tiện vận chuyển đi nhiều nơi có thể là nguồn lây lan.

- Có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi khi dịch bệnh xảy ra hay không?

- Chúng tôi đã đề nghị Sở Tài chính căn cứ vào Nghị định 02 của Chính phủ và Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hóa và sớm công bố mức hỗ trợ cho từng con heo bệnh; tránh trường hợp người dân “giấu dịch”, bán heo bệnh gây lây lan dịch bệnh. Sở Tài nguyên - môi trường thì xác định địa điểm, vị trí và hướng dẫn quy trình xử lý heo bệnh đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch trong trường hợp có dịch xảy ra.

 Cảm ơn ông!

Lê Quyên  (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều