Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo bứt phá trong ngành lao động - thương binh và xã hội

12:02, 07/02/2019

Với trách nhiệm quản lý 14 lĩnh vực quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân, Bộ Lao động - thương binh và xã hội chọn năm 2019 là năm phát triển toàn diện và bứt phá; theo đó, tất cả các lĩnh vực đều phải có sự chuyển động mới để góp phần bảo đảm an sinh xã hội của đất nước. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung khi trả lời phỏng vấn nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019.

 

Với trách nhiệm quản lý 14 lĩnh vực quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân, Bộ Lao động - thương binh và xã hội chọn năm 2019 là năm phát triển toàn diện và bứt phá; theo đó, tất cả các lĩnh vực đều phải có sự chuyển động mới để góp phần bảo đảm an sinh xã hội của đất nước. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung khi trả lời phỏng vấn nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019.

m
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung. 

* Bộ trưởng có thể cho biết một số kết quả nổi bật của ngành trong năm qua? Năm 2019, Bộ Lao động - thương binh và xã hội sẽ chọn lĩnh vực nào là khâu đột phá?

- Với phương châm "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo", 2018 là năm toàn ngành đã nỗ lực rất lớn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao phó; đặc biệt là các chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Các lĩnh vực người có công, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt, năm 2018, toàn ngành đã tạo ra bước đột phá mới, quan trọng, tạo nền tảng cho 2019

Năm 2019, trên cơ sở các định hướng lớn: Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 của Chính phủ, sự chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, ngành Lao động - thương binh và xã hội sẽ bám sát thực hiện các Nghị quyết, trong đó tập trung vào 14 lĩnh vực ngành được phân công phụ trách. 

Bộ chọn 2019 là năm phát triển toàn diện và bứt phá. Theo đó, tất cả các lĩnh vực đều phải có sự chuyển động mới. Cụ thể, ngành tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện các thể chế liên quan, trọng tâm là xây dựng, phát triển chiến lược an sinh Việt Nam trong 10 năm tới. Chiến lược này phải hướng tới mục tiêu mọi người dân Việt Nam đều được thụ hưởng quyền an sinh. Quyền an sinh này ít nhất phải bảo đảm ba vấn đề: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và khu vực người dân có quan hệ lao động phải có mức sống bằng mức lương tối thiểu, bảo đảm người lao động và gia đình của hộ được sống mức sống tối thiểu.

Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật: tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để ban hành, sửa đổi Bộ luật Lao động với những yếu tố mới, cấu thành mới, đáp ứng yêu cầu mới trong nước và hội nhập quốc tế, nhất là các vấn đề tiền lương tối thiểu; thời gian làm thêm; chuyển dịch lao động; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; tham mưu sửa đổi Pháp lệnh Người có công theo hướng chăm lo tốt hơn cho người có công trong giai đoạn mới, giải quyết căn bản các vấn đề còn vướng mắc trong thời gian qua; đề xuất sửa đổi một số Luật như: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi; nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Công tác xã hội... 

Cùng với đó, Bộ sẽ tập trung cao độ thiết lập một thị trường lao động để đồng bộ hơn, lành mạnh hơn, phù hợp với xu thế thị trường. Muốn làm được việc này phải làm tốt công tác dự báo thị trường; kết nối tốt cung - cầu lao động; gắn việc làm với đào tạo nghề ở nông thôn; đào tạo nghề mới; đào tạo lại người lao động; xuất khẩu lao động... Muốn phát triển đất nước nhanh, cần hướng thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng thời kỳ mới.

Bộ cũng tiếp tục tập trung cao độ cho công tác giáo dục nghề nghiệp, hướng tới để cả xã hội, nhất là nhận thức của các bậc phụ huynh, người học dần dần tiệm cận vấn đề, coi việc học nghề là một xu hướng tất yếu, một sự cần thiết trong cơ chế thị trường. Theo đó, Bộ tiếp tục quy hoạch lại mạng lưới theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phấn đấu tỷ lệ người học nghề ít nhất gấp hai lần so với năm 2018. Năm 2018 là năm đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp nhưng không thể bằng lòng với kết quả này, Bộ sẽ phấn đấu đạt kết quả gấp đôi. Bộ chọn lựa các nghề trong 34 bộ giáo trình cấp độ quốc tế từ nước ngoài được quốc gia chuyển giao hoặc tổ chức giáo dục, đào tạo quốc tế có uy tín kiểm định, công nhận đạt chất lượng, tiếp cận được thị trường quốc tế để có thể chuyển dịch được lao động, phù hợp với xu hướng trong thời kỳ mới. Đồng thời, Bộ nghiên cứu lại chương trình đào tạo 9+ để không lãng phí, kéo dài nguồn nhân lực này trong đào tạo để các em có thể tiếp cận thị trường lao động sớm nhất, nhanh nhất, phù hợp nhất.

Bộ triển khai mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, đi đôi với đó là đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo theo địa chỉ, thời gian; thực hiện đào tạo kép gắn giữa doanh nghiệp, nhà trường với nhu cầu quản lý của xã hội tạo ra giáo dục nghề nghề nghiệp thực sự đồng bộ với ba khâu đột phá tự chủ, kết nối và chuẩn hóa. Tin tưởng năm 2019 giáo dục nghề nghiệp sẽ có bước khởi sắc.

Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung

Người lao động ở Biên Hòa trao đổi với các đại biểu Quốc hội về chế độ, chính sách cho người lao động. Ảnh: Hạnh Dung.

* Năm qua, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã có bước tiến đáng kể: vươn lên đứng thứ 12/19 và là Bộ có giá trị điểm số tăng cao nhất 8.09% (từ 71.91% năm 2016 lên 80% năm 2017) trong 19 bộ, ngành. Năm 2019, Bộ sẽ tiếp tục có những giải pháp gì để cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng đối với người dân và doanh nghiệp, thưa Bộ trưởng?

- Năm 2019, Bộ tiếp tục coi việc cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những trọng tâm. Theo đó, Bộ sẽ triển khai đồng bộ 6 nhóm nội dung trong cải cách hành chính. Trong đó, Bộ chọn ra hai vấn đề lớn:

Một là tập trung cải cách, xây dựng thể chế để thông thoáng nhất cho người dân tiếp cận được công việc của ngành một cách tiện ích nhất. Gắn liền với đó là lấy sự hài lòng của nhân dân là thước đo để đánh giá công việc của ngành.

Hai là tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh, tiến tới các chế độ chính sách từng bước được thực thi thông qua các cơ quan chức năng, nhất là giao khoán cho bưu điện thực hiện một cách đồng bộ để từng bước tiến tới mỗi người dân có một thẻ an sinh với 6 trụ cột cơ bản.

Đồng thời, Bộ sẽ cùng các địa phương kiên quyết sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phát huy cao độ vai trò của tập thể cũng như cá nhân; tập trung phối hợp với các địa phương sắp xếp, rà soát lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mỗi địa phương, nhất là các tỉnh miền núi có một trường cao đẳng, trong trường cao đẳng có trường trung cấp, có đào tạo sơ cấp, đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực. Trên cơ sở phát triển mạnh hệ thống các trường dân lập, tư thục để các trường này thực sự gọn nhưng phát huy được vai trò của mình để có số lượng học sinh, sinh viên tăng lên, ra trường có việc làm, có thu nhập. Các em có nhu cầu được học liên thông tốt hơn.

* Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - thương binh và xã hội sẽ thực hiện như thế nào trong năm 2019, thưa Bộ trưởng?

- Nghị quyết 28-NQ/TW là Nghị quyết rất quan trọng, tạo bước đột phá lớn về an sinh xã hội của Việt Nam vì an sinh xã hội là một chủ trương nhất quán của Đảng. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai trụ cột lớn của an sinh xã hội. Mục tiêu phải hướng tới là mọi người đều được thực hiện quyền an sinh này theo điều 34 Hiến pháp năm 2013.

Để làm được điều đó, chúng ta tiến tới phải thực hiện từng bước bảo hiểm xã hội toàn dân. Tức là tất cả người già, người lao động, kể cả có hợp đồng lao động, quan hệ lao động hay không có quan hệ lao động, khi về già vẫn có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Để tiến tới đó, việc đầu tiên cần làm trong thời gian tới là chú trọng công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ hơn vai trò, tầm quan trọng, sự thiết yếu của bảo hiểm xã hội đối với chính cuộc sống của mỗi người, như vậy mới thành công và khi đó sẽ trở thành văn hóa an sinh, như một số nước phát triển đã thực hiện.

 Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường xây dựng các cơ chế, chính sách hợp lòng dân để khuyến khích không chỉ người có hợp đồng lao động tham gia mà cả những người chưa có quan hệ lao động hoặc không có quan hệ lao động, như: nông dân, người làm công việc tự do... có thể tham gia. Những chính sách này phải thiết kế rất đa dạng, linh hoạt. Ví dụ như 11 nhóm chính sách trong cải cách sẽ cố gắng triển khai 11 nội dung cải cách bảo hiểm xã hội: Điều chỉnh thời gian đóng - hưởng; điều chỉnh bổ sung quyền lợi cho người lao động tham gia đóng bảo hiểm; đa dạng, đa tầng bảo hiểm xã hội; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu...

 Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm tất cả các vi phạm của doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng; kết hợp đồng bộ các cơ quan để vào cuộc. Một trong những mục tiêu đặt ra của năm 2019 là phấn đấu vận động được khoảng 200.000 người tham gia bảo hiểm tự nguyện. Nếu đạt được mục tiêu này, kết quả năm 2019 sẽ bằng cả 14 năm tiến hành vận động bảo hiểm tự nguyện.

Tôi tin rằng với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là các địa phương, chúng ta cũng sẽ giao mục tiêu phát triển về bảo hiểm xã hội cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; đồng thời, tiến hành cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn, chuyên nghiệp hóa bộ máy bảo hiểm xã hội... Tiến hành đồng bộ các giải pháp đó, tôi tin rằng cải cách bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW sẽ tạo ra bước đột phá mới.

* Thưa Bộ trưởng, một trong những nội dung quan trọng Nghị quyết 27-NQ/TW là giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào tiền lương trong khu vực doanh nghiệp tư nhân, điều này đòi hỏi sẽ phải xây dựng được một mối quan hệ lao động tôt. Trách nhiệm của Bộ Lao động - thương binh và xã hội trong thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?

- Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương là một trong những đột phá trong thị trường lao động; khuyến khích tạo lập một môi trường mới cho người lao động, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động. Ngành Lao động - thương binh và xã hội đã tham mưu và Trung ương đã thể hiện rất rõ trong Nghị quyết những nội dung, giải pháp, công việc phải làm liên quan đến khối tiền lương, khối doanh nghiệp.

Trước mắt, phải tập trung hoàn thiện toàn bộ khuôn khổ pháp lý liên quan đến vấn đề này. Khuôn khổ pháp lý này phải vừa đáp ứng được yêu cầu trong nước và phù hợp với thị trường lao động quốc tế. Bên cạnh đó, Nhà nước phải hướng dẫn cho doanh nghiệp để tăng cường thỏa thuận, thỏa ước lao động giữa người lao động với giới chủ và tiến tới năm 2021, Nhà nước không can thiệp vào thang, bảng lương của doanh nghiệp nhưng Nhà nước can thiệp bằng cách đưa ra mức lương, mức sống tối thiểu và người lao động có quyền thỏa thuận với doanh nghiệp. Như vậy sẽ dẫn đến người lao động cần doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng cần người lao động. Nhà nước sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các chính sách này. Không can thiệp vào thang bảng lương không có nghĩa là doanh nghiệp thoát khỏi sự quản lý của Nhà nước mà Nhà nước quản lý theo pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo thị trường (thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và có sự quản lý của Nhà nước).
         * Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

         Phúc Hằng (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều