Hàng trăm mẫu đèn trang trí "made in Vietnam" mang hơi thở của các làng nghề thủ công đã được ông Nguyễn Đức Tuấn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh ở Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom) xuất khẩu đi hơn 10 thị trường trên thế giới. Ông Hải là một trong số ít doanh nhân ở Đồng Nai đã kết nối được nhiều làng nghề ở Việt Nam.
Hàng trăm mẫu đèn trang trí “made in Vietnam” mang hơi thở của các làng nghề thủ công đã được ông Nguyễn Đức Tuấn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh ở Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom) xuất khẩu đi hơn 10 thị trường trên thế giới. Ông Hải là một trong số ít doanh nhân ở Đồng Nai đã kết nối được nhiều làng nghề ở Việt Nam.
Thành lập chưa lâu, nhưng công ty của ông Hải là một trong số ít doanh nghiệp (DN) trong nước xuất khẩu trực tiếp được đèn trang trí nội thất vào Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều nước khác. Những chiếc đèn của ông làm ra đều mang nét đặc sắc của làng nghề Việt Nam, được người tiêu dùng nước ngoài rất ưa thích.
* Gắn kết các làng nghề
* Cơ duyên nào đã đưa ông đến với ngành thiết kế và sản xuất các loại đèn thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu?
- Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm ở một số công ty, đến năm 2012 tôi về làm việc cho một DN của Anh chuyên sản xuất đèn tại Đồng Nai. Nhưng đến giữa năm 2014, công ty này phá sản. Vì thích nghề sản xuất, thiết kế đèn nên tôi đã mua lại công ty và quyết định gắn bó với nghề này. Tôi chọn cách đi riêng là thiết kế các loại đèn thắp sáng, trang trí dựa trên những nguyên liệu từ các làng nghề truyền thống ở Việt Nam như: mây tre nứa, gốm sứ, gỗ mỹ nghệ, ngọc trai, đá, cói, lục bình...
Càng đi sâu vào nghiên cứu, thiết kế tôi lại càng đam mê với ngành sản xuất này. Dựa trên nguyên liệu của các làng nghề nên đèn của công ty tôi làm ra có những nét độc đáo riêng đã chinh phục được nhiều khách hàng “khó tính” đến từ Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Canada...
* Đã có bao nhiêu làng nghề được kết nối cung ứng sản phẩm đầu vào để công ty của ông sản xuất các loại đèn?
- Tôi đã kết nối được hơn 10 làng nghề trải dài từ Bắc vào Nam để cung ứng sản phẩm đầu vào cho sản xuất của công ty. Có những sản phẩm làng nghề đã có sẵn, nhưng cũng có loại tôi phải đặt hàng để sản xuất cho phù hợp. Mỗi tháng công ty của tôi xuất khẩu khoảng 4-5 ngàn sản phẩm. Trong đó, có những loại đèn kết hợp nguyên liệu của 2-4 làng nghề cùng lúc.
Đây cũng là lý do giúp mỗi kiểu đèn tôi sản xuất ra đều mang phong cách riêng, ít bị “đụng hàng”. Do đó, khách hàng đến với tôi ngày một đông và có những đơn hàng làm đến 2-3 năm liền. Điều tôi tự hào nhất là những chiếc đèn thủ công mỹ nghệ Việt đã vào được các hệ thống siêu thị lớn của Hoa Kỳ, châu Âu, Canada... và đến với nhiều khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, nhà ở của người dân nước ngoài.
* Điều gì giúp ông trong khoảng thời gian ngắn đã đưa ra thị trường được hơn 400 mẫu đèn trang trí lấy cảm hứng từ chất liệu của các làng nghề?
- Tôi nghĩ mình làm được điều này là nhờ có niềm đam mê với những vật liệu truyền thống của Việt Nam, niềm đam mê với vẻ đẹp những chiếc đèn. Tôi đã đến hầu hết các làng nghề trong nước, tìm hiểu các sản phẩm của họ và từ đó lên ý tưởng cho những chiếc đèn thủ công mỹ nghệ theo từng phong cách để tạo ra nét hài hòa, phù hợp cho từng dạng kiến trúc của các công trình căn hộ. Sau đó, tôi đưa đi chào hàng ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Các mẫu đèn trang trí của tôi đã được nhiều DN nước ngoài đặt hàng. Có những đơn hàng lớn kéo dài 2-3 năm, song thiết kế sẽ thay đổi theo mùa, tôi phải vừa làm vừa học để luôn tìm ra những ý tưởng mới cho những sản phẩm của mình.
Nguyên tắc của tôi là mỗi chiếc đèn được làm ra đều mang hơi thở, bóng dáng của làng nghề Việt Nam. Điều này góp phần giúp các làng nghề của Việt Nam có thể bảo tồn, phát triển và đến với nhiều quốc gia trên thế giới.
* Tìm lối đi riêng
* Mua lại công ty từ một DN Anh có nhiều điều kiện hơn ông nhưng lại thất bại, ông đã làm gì để đưa công ty mình thành công ty đủ uy tín để xuất khẩu trực tiếp vào những quốc gia “khó tính”?
- Lúc đầu khi mua lại một công ty đã thất bại, dĩ nhiên tôi cũng rất lo lắng. Nguyên nhân là vì DN Việt Nam khi khởi nghiệp thường chọn những lĩnh vực ít rủi ro, khả năng thu hồi vốn nhanh. Nhưng nhiều năm làm việc và tiếp xúc với đối tác nước ngoài, tôi nghiệm ra được một điều, các DN trong nước sau khi khởi nghiệp hay đi theo “quy trình ngược” nên dễ dàng thất bại.
Gần 70% lượng hàng của Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ. Đèn thủ công mỹ nghệ của DN hiện có giá bán từ 7-300 USD/chiếc. |
Cụ thể, DN trong nước phần lớn đều có suy nghĩ là nhận được các đơn hàng lớn của đối tác nước ngoài mới tiến hành đầu tư nhà xưởng, máy móc và các yêu cầu khác liên quan đến môi trường, lao động, quy trình sản xuất, quản lý. Trong khi các đối tác nước ngoài lại không chấp nhận chuyện này. Khi họ xem hàng mẫu ưng ý sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất công ty trong vòng 6 tháng đến 1 năm nếu đáp ứng đủ yêu cầu mới tiến hành đặt hàng.
Tôi không đi theo lối mòn ấy mà ngay từ đầu đã đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị và những quy định khác đạt tiêu chuẩn của các đối tác nước ngoài nên qua thời gian theo dõi, họ đã yên tâm đặt hàng với số lượng lớn và dài hạn. Tôi cũng bớt nỗi lo lớn nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm.
* Hiện rất ít DN nhỏ trong nước có thể sản xuất hàng hóa, xuất khẩu trực tiếp vào Hoa Kỳ. Nhưng công ty của ông không chỉ xuất khẩu hàng trực tiếp vào thị trường trên mà còn đạt bước cao hơn là có chứng nhận UL (chất lượng của Hoa Kỳ) giúp hàng hóa xuất khẩu dễ dàng hơn. Ông có thể nói rõ hơn về lợi thế khi có UL?
- Chứng nhận UL là của một công ty tư vấn có trụ sở ở Hoa Kỳ cấp. Chứng nhận này giúp sản phẩm tiếp cận thị trường toàn cầu và phân biệt rõ ràng các sản phẩm của mình với các sản phẩm cùng loại của thương hiệu khác trên thị trường.
UL đánh giá các sản phẩm dựa trên các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về an toàn, hiệu suất, chất lượng, tác động môi trường và tuân thủ quy định theo yêu cầu cho thị trường ở Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Âu và châu Á. UL là bên thứ 3 độc lập đánh giá nên hoàn toàn khách quan, không chịu bất cứ tác động nào từ phía nhà sản xuất. Theo đó, những DN có được chứng nhận UL có thể xuất khẩu hàng trực tiếp vào Hoa Kỳ và một số nước không phải lấy mẫu kiểm tra từng đơn hàng vừa mất thời gian lại tốn kém. Mỗi đơn hàng kiểm tra mẫu mất từ 3-4 ngàn USD.
Ngoài ra, DN khi có chứng nhận UL sẽ làm việc với khách hàng Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều nước khác một cách thuận lợi hơn, vì họ sẽ dễ dàng tin tưởng và đặt hàng lâu dài. Tuy nhiên, muốn có được chứng nhận UL, công ty phải đảm bảo các yêu cầu khá khắt khe về nhà xưởng sản xuất, môi trường, lao động.
* Theo ông, DN nhỏ khi mới thành lập thường yếu nhất ở những khâu nào và phải vượt qua ra sao?
- Khi mới thành lập, công ty của tôi cũng gặp phải những vướng mắc như hầu hết các DN mới khởi nghiệp khác đó là thiếu vốn. Những DN mới thành lập khi thiếu vốn thường nghĩ ngay đến đi vay người thân, bạn bè hoặc ngân hàng. Sau khi làm ăn có lời rồi mới nghĩ đến kêu gọi vốn đầu tư. Nhà đầu tư sẽ căn cứ vào doanh thu, lợi nhuận để đầu tư chứ ít chú ý đến kế hoạch lâu dài của công ty trong 5-10 năm tới. Do đó, nguồn vốn DN nhỏ khi mới thành lập rất thiếu và khó xoay xở.
Trong khi đó, ở nước ngoài họ khởi nghiệp sẽ xây dựng phương án sản xuất, tiêu thụ phù hợp và kêu gọi góp vốn đầu tư. Muốn làm được điều này, người đứng đầu công ty phải có năng lực, tầm nhìn và khả năng diễn thuyết tốt. Nhưng nhiều chủ DN trong nước mới khởi nghiệp rất yếu trong khả năng diễn thuyết để mời gọi đầu tư. Sớm nhận ra điều này nên tôi đã phải tự học hỏi, rèn luyện để tạo cho mình sự tự tin trong tiếp xúc, trao đổi mời gọi đầu tư và liên kết.
* Một công ty mới thành lập thời gian chưa dài nhưng đã xây dựng được thương hiệu ở nhiều thị trường “khó tính”. Mong muốn của ông trong thời gian tới là gì?
- Trong thời gian tới tôi sẽ tăng tốc trong sản xuất để mở rộng thị trường sang nhiều quốc gia khác, đáp ứng các đơn hàng lớn của đối tác nước ngoài. Dù có phát triển nhanh nhưng yêu cầu hàng đầu của tôi vẫn là đảm bảo chất lượng hàng hóa, giữ uy tín với khách hàng. Đồng thời tiếp tục xây dựng thương hiệu cho đèn Việt để nhiều người tiêu dùng trên thế giới biết đến. Qua đó, giới thiệu những tinh hoa của các làng nghề Việt Nam đến với thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)