Báo Đồng Nai điện tử
En

Chất lượng nước sông Đồng Nai được cải thiện

09:01, 04/01/2019

Kết quả quan trắc trong 2 năm qua trên hệ thống lưu vực sông Đồng Nai cho thấy chất lượng nước sông đã được cải thiện, nhưng ô nhiễm cục bộ vẫn diễn ra khá dày. Để rõ hơn về giải pháp ngăn chặn ô nhiễm trong thời gian tới, Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Võ Tuấn Nhân.

Kết quả quan trắc trong 2 năm qua trên hệ thống lưu vực sông Đồng Nai cho thấy chất lượng nước sông đã được cải thiện, nhưng ô nhiễm cục bộ vẫn diễn ra khá dày. Để rõ hơn về giải pháp ngăn chặn ô nhiễm trong thời gian tới, Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Võ Tuấn Nhân.

* Quản lý chặt các nguồn thải

* Ông có thể cho biết cụ thể hơn về chất lượng môi trường nước trên hệ thống lưu vực sông Đồng Nai trong 2 năm qua?

- Nếu đánh giá chung thì môi trường nước trên hệ thống lưu vực sông Đồng Nai 2 năm qua được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn. Tuy nhiên, ở một số đoạn sông chảy qua các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và đô thị - vẫn còn xảy ra tình trạng ô nhiễm cục bộ do nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt.

Cụ thể như năm 2018, Trung tâm quan trắc môi trường miền Nam quan trắc 5 đợt tại 49 điểm trên hệ thống lưu vực sông Đồng Nai thì chất lượng nước ở thượng nguồn khá tốt. Nhưng vẫn còn một số vị trí chất lượng nước giảm và còn ô nhiễm cục bộ là hồ Trị An (do có nhiều loại tảo xanh), sông Thị Vải (Đồng Nai), cảng Phú Định trên sông Chợ Đệm, hạ nguồn cảng Tân Thuận (TP.Hồ Chí Minh), cửa sông Thị Tính (Bình Dương)... Bộ Tài nguyên - môi trường đã yêu cầu các tỉnh, thành có những điểm ô nhiễm cục bộ phải xử lý sớm để đảm bảo chất lượng nước mặt.

* Sự phối hợp của 11 tỉnh, thành trong bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thời gian qua như thế nào, thưa ông?

- Trong những năm gần đây, các tỉnh, thành đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc bảo vệ nguồn nước trên hệ thống sông Đồng Nai, đặc biệt là những vùng giáp ranh. Những nguồn thải lớn trong sản xuất công nghiệp đã được kiểm tra, giám sát chặt chẽ để hạn chế tình trạng xả thải gây ô nhiễm. Đã có khoảng 93% các khu công nghiệp ở lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có nhà máy xử lý nước thải tập trung và xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra sông, suối.

Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai gồm 11 tỉnh, thành là: Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Đắk Nông, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, tại nhiều khu đô thị lớn, nước thải sinh hoạt vẫn chưa được xử lý đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường nên nguy cơ ô nhiễm từ nguồn xả thải này còn khá cao, cần sớm được khắc phục để bảo vệ nguồn nước sông được tốt hơn. Các tỉnh, thành thuộc lưu vực đang tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, camera giám sát ở những nơi có nguồn thải lớn và truyền dữ liệu về sở tài nguyên - môi trường các tỉnh để giám sát 24/24 giờ. Tôi nghĩ đây là bước tiến xa trong bảo vệ môi trường nước, vì khi các nguồn thải lớn có phát sinh ô nhiễm cơ quan chức năng sẽ phát hiện kịp thời để ngăn chặn.

* Nên để người dân giám sát về môi trường

* Năm 2019 và 2020 là thời gian cuối để tổng kết Đề án bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai. Theo ông, các tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai phải tiếp tục làm gì để cải thiện môi trường nước sông được tốt hơn?

- Môi trường nước của hệ thống sông Đồng Nai trong 2 năm trở lại đây đã được cải thiện tốt hơn nhưng vẫn xảy ra ô nhiễm cục bộ. Những nơi còn nguy cơ ô nhiễm cao là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Võ Tuấn Nhân (đứng thứ 3, từ phải qua) chứng kiến lễ bàn giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường  lưu vực hệ thống sông Đồng Nai giai đoạn 2019-2020.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Võ Tuấn Nhân (đứng thứ 3, từ phải qua) chứng kiến lễ bàn giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai giai đoạn 2019-2020.

Theo đó, trong thời gian tới 11 tỉnh, thành thuộc lưu vực sông phải tiếp tục có những giải pháp quản lý, xử lý ô nhiễm. Cụ thể các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung và xử lý đạt chuẩn trước khi xả thải ra các sông, suối. Những khu đô thị lớn ven sông cũng phải ưu tiên vốn đầu tư nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt. Ngoài ra, yêu cầu các chủ nguồn thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát thường xuyên.

Ở lưu vực sông Đồng Nai hiện có trên 800 chủ nguồn thải lớn với lưu lượng từ 200 m3/ngày đêm trở lên và Bộ Tài nguyên - môi trường yêu cầu các tỉnh, thành phải kiểm tra giám sát thật chặt không để phát sinh ô nhiễm. Nếu các địa phương làm tốt những vấn đề trên thì chất lượng môi trường nước sẽ được cải tạo tốt hơn.

* Mức xử phạt hiện nay cho các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã đủ sức răn đe chưa, thưa Thứ trưởng?

- Tôi nghĩ mức xử phạt cho các hành vi gây ô nhiễm môi trường hiện nay đã đủ sức răn đe. Những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thể bị xử phạt đến hàng tỷ đồng. Và biện pháp phạt bổ sung là buộc cơ sở đó ngưng hoạt động, khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường đến khi đạt yêu cầu mới được hoạt động trở lại. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã bị ngưng hoạt động để khắc phục ô nhiễm và điều này khiến các doanh nghiệp, cơ sở đã có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ môi trường.

* Ở hệ thống lưu vực sông Đồng Nai có rất nhiều cơ sở sản xuất xả thải, cơ quan chức năng khó có thể kiểm tra, giám sát tình trạng ô nhiễm thường xuyên. Theo ông, biện pháp nào để giám sát được tất cả các nguồn thải trên?

- Muốn giám sát chặt tất cả những cơ sở có xả thải ở các tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai, tôi nghĩ ngoài việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, còn cần phải vận động người dân ở các địa phương cùng tham gia giám sát về môi trường. Như vậy, khi phát sinh tình trạng ô nhiễm người dân sẽ báo với các cơ quan chức năng để xử lý.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Võ Tuấn Nhân, tỷ lệ các khu công nghiệp ở những tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai có nhà máy xử lý nước thải tập trung mới đạt khoảng 93%. Theo lộ trình đến năm 2020 sẽ đạt 100% nhưng các tỉnh, thành nên hoàn thành trong năm 2019. Riêng tại Đồng Nai, 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 100%. Hầu hết các khu công nghiệp đang hoạt động của tỉnh đã có hệ thống quan trắc nước thải tự động kết nối với Sở Tài nguyên - môi trường để giám sát.

 Xin cảm ơn ông!

Khánh Minh (thực hiện)

Tin xem nhiều