Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần "phiên bản mới" trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài

09:01, 25/01/2019

Trong suốt 30 năm qua, Đồng Nai luôn nằm trong tốp các địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước. Với vai trò là Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), ông Đỗ Nhất Hoàng đánh giá Đồng Nai rất cao về việc tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư FDI.

Trong suốt 30 năm qua, Đồng Nai luôn nằm trong tốp các địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước. Với vai trò là Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), ông Đỗ Nhất Hoàng đánh giá Đồng Nai rất cao về việc tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư FDI. 

* Địa phương trong “tầm ngắm” nhà đầu tư

 Theo đánh giá của riêng ông, Đồng Nai có những lợi thế nào để giữ vững vị trí là một trong số ít địa phương luôn dẫn đầu trong thu hút đầu tư FDI?

- Đồng Nai có cả 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong thu hút đầu tư FDI. “Thiên thời” là địa phương có thời tiết, khí hậu ôn hòa. Về “địa lợi”, chúng tôi cũng ngỡ ngàng vì vùng đất này có vị trí địa lý đẹp như thế. Đất ở đây lại cao hơn mực nước biển 3m, nền đất cứng nên chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng thấp. Chúng tôi từng giới thiệu nhà đầu tư về một địa phương vùng trũng, đất mềm, khi nhà máy đi vào hoạt động gặp rất nhiều khó khăn vì máy bị rung, ảnh hưởng đến những khâu sản xuất đòi hỏi độ chính xác cao, trong khi đầu tư tại Đồng Nai thì không gặp vấn đề này.

Về “nhân hòa”, tôi có điều kiện gắn bó với Đồng Nai trong quá trình phát triển, thu hút đầu tư FDI và nhận thấy từ lãnh đạo tỉnh đến các sở, ngành đều rất chăm chút cho mảng đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện qua việc địa phương đã tạo được một môi trường đầu tư rất cởi mở; thủ tục đầu tư khá đơn giản, nhanh gọn. Chính vì thế, nhiều năm qua Đồng Nai luôn nằm trong tốp 5, tốp 10 thu hút đầu tư FDI.

Năm 2018, thu hút đầu tư FDI của Đồng Nai đạt hơn 1,9 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 1.378 dự án FDI còn hiệu lực từ các nhà đầu tư ở 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; vốn đăng ký 28,5 tỷ USD. Thu ngân sách từ các dự án FDI năm 2018 là 27 ngàn tỷ đồng, chiếm 54% tổng thu ngân sách của tỉnh. 3 năm liên tiếp vừa qua, Đồng Nai đều xuất siêu.

Ông khẳng định Đồng Nai rất “được lòng” các nhà đầu tư, điều này thể hiện cụ thể ở những khía cạnh nào, thưa ông?

- Lãnh đạo tỉnh thường xuyên có sự phối hợp với chúng tôi trong xử lý mọi tình huống. Qua thực tiễn, chúng tôi thấy rằng 32 khu công nghiệp của Đồng Nai đều làm rất tốt việc hỗ trợ nhà đầu tư.

Tôi lấy ví dụ về việc các đối tượng xấu lợi dụng công nhân biểu tình phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam để gây rối, đập phá tài sản của các công ty trong các khu công nghiệp xảy ra vài năm trước, Đồng Nai đã xử lý rất tốt với hàng loạt biện pháp được đưa ra kịp thời để bảo vệ nhà đầu tư. Đây chính là điểm sáng để thu hút nhà đầu tư khi chính quyền có ý thức rất cao trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư.

Thực tế còn cho thấy, việc giải quyết chính sách trong khối doanh nghiệp FDI cũng rất tốt; đặc biệt doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm xã hội khá nghiêm túc, tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội 3 năm nay thấp và theo hướng ngày càng giảm.

 Với những yêu cầu của nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay, theo ông Đồng Nai có dễ dàng giữ được vai trò là địa chỉ hấp dẫn với các nhà đầu tư FDI trong giai đoạn mới?

- Đồng Nai là 1 trong 5 địa phương nộp ngân sách lớn nhất trong cả nước, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ nguồn thu của khối doanh nghiệp FDI. Thu hút đầu tư FDI tại Đồng Nai thành công hơn nhiều tỉnh, thành khác, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Thời gian qua, rất nhiều dự án đầu tư tiếp tục được mở rộng là bằng chứng cho thấy Đồng Nai vẫn là mảnh đất lành với các nhà đầu tư.

* Buộc phải chọn lọc hơn về dự án

Hiểu những khó khăn của Đồng Nai trong giải quyết các bài toán khó về đầu tư nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng đã kiến nghị lên Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong dịp về làm việc tại Đồng Nai vào ngày 8-1 về việc xem xét việc bố trí nguồn vốn ưu đãi cho Đồng Nai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, chính sách hỗ trợ cần chú trọng đến vai trò của các tập đoàn lớn trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân.

 Còn những thách thức trong thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- Tôi được biết, có 2 tập đoàn lớn đã chọn đầu tư ở Nghệ An vì tỉnh này cũng có những lợi thế về địa lý, chính quyền rất tích cực trong việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Xu hướng đầu tư FDI trong thời gian tới có thể có sự chuyển hướng về khu vực miền Trung. Nguyên nhân không phải Đồng Nai làm không tốt mà các nhà đầu tư đang tính bài toán về nhu cầu lao động tại chỗ.

Vì công nhân của Đồng Nai chủ yếu từ ngoại tỉnh nên không ổn định với nhiều bài toán khó cần giải quyết. Trong đó, câu chuyện xây nhà ở xã hội cho công nhân là vấn đề địa phương cần quan tâm vì hiện nhà ở cho công nhân vẫn khá tạm bợ. Chính vì vậy, thu nhập của lao động ở Đồng Nai cao nhưng khi người lao động có cơ hội, họ sẽ về quê làm việc dù mức lương có thấp hơn nhưng không tốn kém chi phí thuê nhà. Do đó, trong tương lai nguồn lao động đến Đồng Nai có thể sẽ giảm dần. Đây là điều Đồng Nai cần tính toán khi thu hút vốn FDI.

 Ông có góp ý gì cho Đồng Nai trong việc giải bài toán khó trên?

- Tôi thấy Đồng Nai ngày càng chọn lọc hơn trong thu hút đầu tư FDI, quan tâm đến các tiêu chí ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động, ít gây ô nhiễm môi trường là phù hợp. Chú trọng đến các dự án có chất lượng, có sức lan tỏa, chuyển dần từ thu hút FDI với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn cũng là định hướng của Việt Nam trong thu hút đầu tư những năm tới.

Đồng Nai phù hợp với sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Ví dụ, tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là ngành sản xuất các linh kiện, chi tiết máy móc, thiết bị. Địa phương cũng đã hình thành chuỗi liên kết giữa các nhà máy trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Phát triển các ngành chế biến, chế tạo để xuất khẩu thay cho các dự án lắp ráp là hướng đi đúng vì khu vực phía Nam không có ưu thế bằng các tỉnh phía Bắc trong việc nhập linh kiện từ Trung Quốc. Và để phát huy lợi thế này, tỉnh cần chuẩn bị về nguồn nhân lực chất lượng cao.

 Cần gỡ những rào cản nào về mặt chính sách để tiếp tục thu hút tốt nguồn đầu tư FDI trong thời gian tới, thưa ông?

- Bộ Kế hoạch - đầu tư đang sửa đổi Luật Đầu tư, dự kiến sẽ góp phần tháo gỡ nhiều khúc mắc các địa phương đang gặp phải hiện nay. Cụ thể như những vướng mắc về sự không tương thích giữa Luật Đầu tư và thuế khiến các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, khiếu nại về thuế, nhất là về vấn đề ưu đãi với dự án đầu tư mới - đầu tư cũ; liên quan việc ký quỹ của doanh nghiệp... Trong các chuyến công tác về các tỉnh, chúng tôi vẫn tiếp tục ghi nhận lại những kiến nghị của địa phương để báo cáo với Ban soạn thảo luật.

 Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều