Báo Đồng Nai điện tử
En

"Phần thưởng" lớn nhất với tôi là giúp mối quan hệ Việt Nam - Đức thân thiết hơn

10:12, 14/12/2018

Hơn 40 năm công tác, Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng đã có rất nhiều đóng góp trong việc thắt chặt mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức. "Phần thưởng" lớn nhất trong cuộc đời làm ngoại giao của ông chính là đã góp phần để quan hệ Việt Nam - Đức ngày càng trở nên thân thiết, gắn bó và ông có được sự tin tưởng của chính phủ 2 nước.

Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng.
Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng.

Hơn 40 năm công tác, Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng đã có rất nhiều đóng góp trong việc thắt chặt mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức. “Phần thưởng” lớn nhất trong cuộc đời làm ngoại giao của ông chính là đã góp phần để quan hệ Việt Nam - Đức ngày càng trở nên thân thiết, gắn bó và ông có được sự tin tưởng của chính phủ 2 nước.

Sau khi tốt nghiệp đại học ở Đức, ông Tráng đã ở lại đây công tác trong ngành ngoại giao. Nhiều thập niên qua đi, ông đã đóng góp nhiều công sức để mở rộng mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Đức trên lĩnh vực kinh tế, xã hội. Hiện nay, Đức là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và Đồng Nai là nhờ một phần công lao của ông.

* Phải biết nắm lấy cơ hội

 Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Ở góc độ một nhà ngoại giao lâu năm, theo ông đâu là thách thức, đâu là cơ hội cho Việt Nam?

- Theo tôi, gọi là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nghe rất ghê gớm, thực ra đây chỉ là xung đột về lợi ích. Xung đột về lợi ích thì giữa 2 bên sẽ tìm được giải pháp để dung hòa. Trong đó, làm gì để nắm được cơ hội thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu vào Trung Quốc và Mỹ là điều doanh nghiệp Việt Nam phải nghĩ đến. Vì khi đó các doanh nghiệp tại Trung Quốc, Mỹ và những nước đang đầu tư vào Trung Quốc sẽ dịch chuyển đầu tư sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam để tránh bị trừng phạt về thuế. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp từ Trung Quốc đã dời cơ sở sản xuất qua Việt Nam và đây là cơ hội cho chúng ta thu hút đầu tư trên những lĩnh vực đang cần.

 Một số chuyên gia kinh tế cho rằng khi các doanh nghiệp tại Trung Quốc dịch chuyển sản xuất về Việt Nam nhiều cũng sẽ gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp trong nước vì phải cạnh tranh gay gắt hơn ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Ông đánh giá về việc này như thế nào?

- Tôi nghĩ điều này sẽ xảy ra, vì thế doanh nghiệp phải có những kế hoạch phù hợp hơn trong sản xuất và kinh doanh. Chọn thị trường tiêu thụ nào cho hiệu quả và làm sao để nâng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam từng bước củng cố lại sản xuất - kinh doanh và phát triển cho thích hợp. Hàng hóa sản xuất ra phải đảm bảo về số lượng lẫn chất lượng, chiến lược trong kinh doanh cũng phải nâng tầm, có như vậy mới giữ được thị phần trong nước và mở rộng xuất khẩu sang các nước.

 Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về việc ký kết các hiệp định thương mại tự do. Ông có nhận xét gì về những hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết?

- Đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và đang đàm phán tiếp 4 hiệp định nữa. Trước khi đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do, Chính phủ có những cân nhắc rất kỹ về những lợi ích kinh tế sẽ mang lại cho quốc gia và những khó khăn chúng ta sẽ gặp phải.

Nhưng đánh giá trên bình diện chung thì các hiệp định thương mại tự do đều sẽ mở ra cơ hội nhiều hơn cho Việt Nam trong phát triển kinh tế, cụ thể là thu hút đầu tư và xuất khẩu. Việt Nam được nhiều nước đánh giá là nơi có “độ mở” về nền kinh tế khá cao và trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp trên thế giới.

Điều Việt Nam nhận được khi dẫn đầu thế giới về số lượng hiệp định thương mại tự do đã ký kết là thu hút đầu tư tốt hơn, xuất khẩu tăng cao, kinh tế tăng trưởng ổn định. Việt Nam từ một nước nhập siêu, những năm gần đây đã chuyển qua xuất siêu. Nhưng muốn hưởng được nhiều lợi thế hơn nữa từ những hiệp định thương mại đã ký kết, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng đủ các yêu cầu về chất lượng, xuất xứ nguyên liệu, môi trường, lao động...

 Theo ông, vì sao các doanh nghiệp lại trông đợi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực hơn tất cả những hiệp định khác, kể cả CPTPP?

- Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu lớn các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như: giày dép, may mặc, sản phẩm gỗ, nông sản... Đồng thời đây cũng là thị trường nước ta đang nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất công nghiệp. Hiệp định có hiệu lực đa phần các dòng thuế xuất, nhập khẩu sẽ giảm dần về 0%.

Điều đáng nói, EU là thị trường lớn có đến 27 nước, trong đó có nhiều nước trước nay các doanh nghiệp chưa chú ý đến nhiều thì đây là dịp để mở rộng xuất khẩu hàng hóa. Khi không còn thuế, khả năng cạnh tranh sẽ cao hơn so với những mặt hàng cùng loại đến từ những quốc gia khác.

* Tiếp tục thúc đẩy hợp tác

 Trong hơn 40 năm làm công tác ngoại giao, điều gì khiến ông hài lòng và điều gì khiến ông còn trăn trở ?

- Sau khi tốt nghiệp đại học tại Đức tôi đã bước vào con đường làm ngoại giao. Sau này, những chương trình học nâng cao khác tôi cũng đều chọn học ở Đức. Suốt quá trình hơn 40 năm làm công tác ngoại giao, phần lớn thời gian tôi đều làm việc tại Đức. Nước Đức gắn bó với tôi còn vì vợ, các con tôi cũng đang làm việc và sinh sống tại Đức.

Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng làm cầu nối để doanh nghiệp Đức, Đồng Nai trao đổi và hợp tác.
Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng làm cầu nối để doanh nghiệp Đức, Đồng Nai trao đổi và hợp tác.

Điểm khiến tôi hài lòng nhất trong cả quãng thời gian làm việc của mình là đã góp sức giúp cho quan hệ giữa Việt Nam và Đức thắt chặt hơn. Tôi có được sự tín nhiệm cao từ Chính phủ nước ta và Chính phủ Đức. Đồng thời, tôi cũng làm cầu nối giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu vào Đức và một số nước trong khối EU. Tuy nhiên, điều khiến tôi còn băn khoăn và chưa được toại nguyện như mong muốn là thu hút đầu tư của Việt Nam từ Đức và xuất khẩu của Việt Nam vào Đức chưa xứng tầm với tiềm năng của 2 nước.

 Từng giữ vai trò kết nối rất hiệu quả trong những lần Đồng Nai xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại Đức, ông đánh giá tiềm năng hợp tác của các doanh nghiệp Đồng Nai với nước Đức ra sao?

- Đức hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 của Đồng Nai. Trong thời gian qua, tôi đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Đồng Nai quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến những khách hàng Đức đang cần. Qua đó, nhiều doanh nghiệp Đồng Nai đã liên kết được với doanh nghiệp Đức để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Mới đây, tôi cũng đưa hơn 10 doanh nghiệp của Đức đến Đồng Nai để tìm cơ hội đầu tư vào một số lĩnh vực như: hạ tầng kỹ thuật, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, xử lý chất thải thành điện...  Thực tế, hiện doanh nghiệp Đức biết đến Đồng Nai cũng như Việt Nam chưa nhiều. Đây cũng là trách nhiệm của tôi cũng như những người đang công tác trong Đại sứ quán Việt Nam tại Đức phải cố gắng quảng bá về đất nước mình đến với người Đức nhiều hơn nữa.

 Ông có thể kể về một vài kỷ niệm của mình trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức?

- Vợ chồng tôi đều có nhiều năm làm công tác ngoại giao và sống ở Đức khá lâu. Và Đức được xem như quê hương thứ 2 của gia đình tôi. Trong các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam - Đức và châu Âu những năm qua đều có sự đóng góp một phần công sức của vợ chồng tôi. Mới đây nhất là Hiệp định Ngôi nhà Đức ở TP.Hồ Chí Minh, dự án Hải Đăng, Trường đại học Việt Đức ở tỉnh Bình Dương, tôi cũng rất vui vì các dự án đều có những đóng góp nhỏ của mình.

 Kế hoạch trong thời gian tới của ông sẽ là gì để thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực kinh tế giữa Việt Nam và Đức nhiều hơn?

- Tôi vẫn sẽ giới thiệu, kết nối với những doanh nghiệp Đức đang có ý định đầu tư vào Việt Nam để họ mắt thấy, tai nghe về các chính sách trong thu hút đầu tư, qua đó sẽ dễ dàng chọn lựa hơn. Ngoài ra, tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ở các tỉnh, thành những thông tin về thị trường, mặt hàng Đức đang cần, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp đến các khách hàng Đức để tăng kết nối mở rộng tiêu thụ hàng hóa vào thị trường này.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều