Tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam và kinh nghiệm xử lý khủng hoảng giáo dục tại Hoa Kỳ do Hội Hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ TP.Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, GS.Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đã chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam và kinh nghiệm xử lý khủng hoảng giáo dục tại Hoa Kỳ do Hội Hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ TP.Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, GS.Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đã chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn GS.Nguyễn Minh Thuyết xoay quanh vấn đề này.
* Hãy mạnh dạn trao quyền tự chủ cho giáo viên
Xin giáo sư cho biết điểm khác biệt về mục đích của chương trình giáo dục phổ thông mới và chương trình giáo dục phổ thông hiện nay?
GS.Nguyễn Minh Thuyết: “Cần phải đảm bảo điều kiện làm việc tối thiểu cho giáo viên. Một lớp học 50-60 học sinh thì giáo viên không thể đổi mới nổi”. |
- Các chương trình giáo dục của nước ta nghiêng về cung cấp kiến thức hàn lâm cho người học. Những chương trình này nhằm trả lời câu hỏi học sinh học xong thì biết những gì. Còn với chương trình giáo dục phổ thông mới do chúng tôi biên soạn nhằm phát triển toàn diện cả về phẩm chất lẫn năng lực cho người học. Chương trình này sẽ trả lời cho câu hỏi học sinh học xong sẽ biết làm những gì. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được biên soạn xong từ tháng 8-2018. Bộ GD-ĐT sau khi xin ý kiến của các cơ quan liên quan xong sẽ ban hành.
Vai trò của giáo viên khi tiến hành chương trình này là gì, thưa giáo sư ?
- Chương trình này nêu lên những điểm hết sức căn cốt nhưng không đi vào quá chi tiết. Do đó sẽ không bó buộc người soạn sách giáo khoa, không bó buộc giáo viên dạy và học sinh cũng có quyền lựa chọn những chủ đề thích hợp. Các em sẽ chỉ học ít môn hơn hiện nay. Chúng tôi cũng tập trung vào tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh. Giáo viên là người đóng vai trò tổ chức cho học sinh hoạt động, tạo ra những tình huống có vấn đề để khơi dậy tính ham hiểu biết của học sinh. Qua thực hành, học sinh sẽ tự phát hiện mình có khả năng gì, muốn gì và cần phải làm gì.
Giáo sư có những đề xuất giải pháp gì để giáo viên hào hứng hơn với đổi mới chương trình giáo dục phổ thông?
- Hiện nay, giáo viên đang đứng trước quá nhiều áp lực. Trong đó, áp lực về thi cử khiến giáo viên không có nhiều thời gian để đổi mới, đặc biệt là phương pháp giảng dạy. Có nhiều giáo viên sẵn sàng cắt bỏ những nội dung trong sách giáo khoa mà không có trong nội dung thi để tập trung ôn luyện những kiến thức trong nội dung thi cho học sinh.
Do đó, với góc độ những người hoạch định chính sách giáo dục, chúng tôi phải soạn ra một chương trình giáo dục phổ thông thật sự mới, thật sự thu hút giáo viên. Còn những người soạn sách giáo khoa có trách nhiệm soạn bộ sách có hiệu quả hơn hẳn chương trình sách giáo khoa cũ. Đặc biệt, các nhà quản lý phải đổi mới công tác quản lý. Hãy tin tưởng và mạnh dạn trao quyền tự chủ cho giáo viên. Không thể để tình trạng cấp trên đi kiểm tra, dự giờ mà cứ giở sách giáo khoa buộc giáo viên phải dạy theo từng chữ trong đó thì giáo viên khó có hứng thú, động lực để đổi mới.
* Học sinh cần xác định được mục đích học tập
Trong mấy chục năm với vai trò là người hoạch định chính sách giáo dục, ông có thấy sự khác nhau nào trong việc xác định mục đích học tập của học sinh Việt Nam và học sinh các nước khác?
Cô và trò Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) trong giờ học tiếng Anh. |
- Năm 2016, trong chuyến công tác ở Hy Lạp, tôi thấy người Hy Lạp nói tiếng Anh rất giỏi. Tôi hỏi và được biết mỗi tuần họ cũng chỉ dạy 3-4 tiết tiếng Anh như Việt Nam. Khi trao đổi vấn đề này, một vị làm quản lý giáo dục ở Hy Lạp trả lời, nhà trường chỉ trang bị những kiến thức cơ bản còn bản thân người học phải tự tìm cách học thêm như: đọc sách, báo, nghe đài bằng tiếng Anh; xin vào làm bồi bàn, hướng dẫn du lịch ở các trung tâm du lịch để nâng cao ngoại ngữ. Họ nói rằng nếu ra trường không nói, nghe, hiểu được tiếng Anh sẽ không kiếm được việc làm hoặc có việc làm nhưng lương không cao.
Còn học sinh Việt Nam rất thông minh nếu được khơi gợi sáng tạo nhưng phần lớn chưa xác định được mục đích học tập hoặc mục tiêu quá xa vời, trừu tượng. Điều mà các em cần được hướng tới là phải học tốt thì ra trường mới xin được việc làm, có lương cao, lúc đó mới nuôi được bản thân, giúp đỡ gia đình rồi mới đến giúp đỡ xã hội, xây dựng đất nước…
Các bậc phụ huynh cần phải làm gì để đồng hành cùng con cái trong thời buổi hiện nay, thưa ông?
- Chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng bản thân tôi thấy rất nhiều phụ huynh đang có sự quan tâm hơi lệch lạc. Nhiều người chỉ quan tâm đến thành tích học tập của con bằng điểm số nên cứ phải cho con học trước chương trình hoặc tìm cách “thăm nom” thầy cô. Điều này sẽ khiến trẻ chủ quan. Chúng ta cần một điểm số thực chất, cần con người có năng lực thực sự, sống được, phát triển được trong xã hội hiện đại chứ không phải những con điểm ảo. Phụ huynh hãy tạo cho con mình có nếp sống tốt, đạo đức tốt, phương pháp học tập tốt.
Theo giáo sư, những khó khăn của ngành giáo dục như vấn đề thiếu trường lớp, thiếu giáo viên cần được giải quyết như thế nào?
- Ở nhiều nơi hiện còn xảy ra tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, học sinh phải học cả ca ba. Do vậy, các cấp chính quyền cần quan tâm, đầu tư hơn nữa để những nơi này có thêm nhiều trường, lớp học mới, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Về vấn đề tinh giản biên chế, giảm đầu mối, ở nhiều địa phương đang giao khoán chỉ tiêu và mặc nhiên cào bằng giáo dục như những ngành khác. Điều này cần phải được nghiên cứu và xem xét lại. Tôi mong rằng giáo dục sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa từ các cấp ủy chính quyền các địa phương. Bởi nếu chỉ có một mình ngành giáo dục loay hoay thì không giải quyết nổi.
Xin cảm ơn giáo sư !
Hạnh Dung (thực hiện)