Báo Đồng Nai điện tử
En

Việc nào mang lại lợi ích chung, tôi sẽ theo đuổi đến cùng

09:12, 07/12/2018

GS-TS. Nguyễn Hoàng Trí là người có công đầu trong việc  đưa Việt Nam vào danh sách bản đồ sinh quyển thế giới. Cả cuộc đời của ông miệt mài nghiên cứu các công trình khoa học không biết mệt mỏi và châm ngôn làm việc của ông là theo đuổi mục tiêu của mình đến lúc thành công.

GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí
GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí

GS-TS. Nguyễn Hoàng Trí là người có công đầu trong việc  đưa Việt Nam vào danh sách bản đồ sinh quyển thế giới. Cả cuộc đời của ông miệt mài nghiên cứu các công trình khoa học không biết mệt mỏi và châm ngôn làm việc của ông là theo đuổi mục tiêu của mình đến lúc thành công.

Năm 2009, GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí là một trong 3 nhà khoa học vinh dự nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt. Ngoài ra, ông còn nhận được nhiều giải thưởng khác của Nhà nước. Ông là nhà khoa học có nhiều đóng góp cho môi trường Việt Nam. Bên cạnh việc nghiên cứu, GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí còn tham gia giảng dạy và viết sách.

* Tôi sẽ không bỏ cuộc

 Rất thành công trong các công trình nghiên cứu khoa học, nhưng thành tựu nào khiến ông tự hào nhất?

- Tôi đã tham gia nghiên cứu nhiều công trình khoa học và đa số là thành công. Trong đó, ngoài nỗ lực của bản thân thì tôi cũng có không ít may mắn, vì những đề tài tôi nghiên cứu hầu như được sự ủng hộ từ phía Nhà nước cũng như các nhà khoa học khác. Nhưng thành công khiến tôi nhớ và tự hào là mình đã góp sức để Việt Nam được UNESCO công nhận 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới. Việc này đồng nghĩa rằng nhân loại đã công nhận Việt Nam là nơi bảo tồn và phát triển được nhiều khu dự trữ sinh quyển, góp sức lớn trong bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống trên hành tinh.

Những nơi được công nhận có khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ tạo ra danh tiếng, thương hiệu cho địa phương để từ đó có thể phát triển du lịch, kinh tế. Môi trường là vấn đề ngày càng được cộng đồng thế giới quan tâm, các khu sinh quyển được công nhận sẽ góp phần đưa hình ảnh của Việt Nam vào tâm trí của người dân thế giới.

 Đề cao sự nỗ lực để thành công, song trong quá trình làm khoa học ông có từng thất bại chưa?

Khu dự trữ sinh quyển là một mô hình phát triển bền vững cho bảo tồn thiên nhiên gắn với kinh tế, văn hóa, giáo dục, môi trường và các vấn đề xã hội.

- Có chứ, tôi cũng có không  ít thất bại, song tôi đã rèn cho mình một thói quen là nếu vấn đề đó đem lại ích lợi chung cho địa phương, đất nước thì tôi sẽ theo đuổi tới cùng. Ví dụ như trước đây tôi từng nghiên cứu, đề xuất làm hồ sơ để Khu Hoàng Liên Sơn được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Lúc đầu địa phương đồng ý, nhưng sau đó vì lý do riêng lại xin rút. Đây chính là thất bại lớn của tôi vì chưa thuyết phục được địa phương tham gia. Bởi khu vực này nếu được công nhận sẽ đem lại một vị thế rất lớn cho Việt Nam trong bảo vệ môi trường lẫn lãnh thổ, được thế giới công nhận và biết đến. Nhưng tôi sẽ tiếp tục thuyết phục để tỉnh này đồng ý, làm hồ sơ để được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

 Cơ duyên nào đã khiến ông chọn lĩnh vực môi trường để nghiên cứu?

- Tôi chọn nghiên cứu về môi trường không phải do cơ duyên nào cả mà do mình yêu thích và đam mê từ trẻ. Vào năm 1997, khi tôi tham gia hội nghị quốc tế về môi trường tại Thái Lan, khi ấy các nước tham gia đều có khu dự trữ sinh quyển, chỉ riêng Việt Nam chưa có. Tôi được mời phát biểu và tôi đã nói đại ý các nước làm được thì Việt Nam cũng làm được. Lúc đó, tôi rất “run” vì ở Việt Nam hầu như không có nhà khoa học nào quan tâm đến vấn đề này. Đã công bố trước quốc tế thì phải làm, vì đó là danh dự của cả dân tộc.

Khi về nước, tôi đã chọn Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh) là điểm nghiên cứu đầu tiên và sau nhiều nỗ lực thì năm 2000 Cần Giờ được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam. Điều này trở thành động lực lớn thúc đẩy tôi tiếp tục nghiên cứu và đề xuất thêm những khu khác và trong hơn 10 năm Việt Nam đã có 9 khu dự trữ sinh quyển được công nhận và đây là niềm vui, tự hào lớn nhất của tôi.

* Lên án hành vi phá hoại môi trường

 Ông đánh giá như thế nào về nhận thức của cộng đồng Việt Nam trong bảo vệ môi trường sinh thái? So với cách đây 10 năm có khác biệt nhiều không?

- Hiện nay, ý thức của cộng đồng Việt Nam trong bảo vệ môi trường sinh thái, các loài động, thực vật quý hiếm khá tốt. Phần lớn mọi người đã nói không với ăn thịt các loài thú quý hiếm để góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Người dân có ý thức hơn trong việc trồng rừng, bảo vệ rừng, không khai thác bừa bãi các tài nguyên từ rừng. Đồng thời, cộng đồng dân cư cũng tích cực tham gia các chương trình về bảo vệ môi trường, giữ cho môi trường xanh sạch.

Theo tôi, nếu so với cách đây 10 năm thì ý thức bảo vệ môi trường của người Việt Nam đã được nâng lên khá cao. Hiện mạng xã hội phát triển, những hành vi gây hại cho môi trường bị lên án rất dữ dội, việc này khiến cho những ai ý thức môi trường còn kém sẽ phải sửa đổi.

 Thời gian qua, trên mạng xã hội đăng tải những clip quay lại cảnh hành hạ, ăn thịt các loài thú rừng quý hiếm. Việc này tạo cho ông cảm giác gì?

- Đây là những hành vi dã man và cộng đồng cần lên án những đối tượng này. Trong khi rất nhiều người dân đang cùng chung tay, góp sức trong bảo vệ môi trường thì lại có những người lại vô tâm phá hoại môi trường. Những trường hợp trên ngoài việc bị cộng đồng mạng lên án mạnh mẽ thì tôi nghĩ các ngành chức năng cũng nên có những biện pháp điều tra, xử lý thích đáng để hạn chế những vụ việc hành hạ, giết hại, ăn thịt động vật hoang dã quý hiếm.

GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp tham quan sản phẩm dán nhãn khu dự trữ sinh quyển của Đồng Nai.
GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp tham quan sản phẩm dán nhãn khu dự trữ sinh quyển của Đồng Nai.

Những hành vi trên không chỉ gây bức xúc cho những người yêu thiên nhiên muốn bảo vệ môi trường tại Việt Nam mà còn làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới. Hành vi trên chẳng khác nào “con sâu làm rầu nồi canh”.

 Là người đầu tiên nghiên cứu và gắn bó với các khu sinh quyển, ông đánh giá ra sao về thực trạng bảo vệ sinh quyển, các loài thú quý hiếm ở Việt Nam và riêng Đồng Nai?

- Các khu sinh quyển tại Việt Nam hiện được bảo vệ khá tốt. Hầu hết các nơi đã tiến hành đóng cửa rừng để bảo vệ đa dạng sinh học. Ngoài công tác bảo tồn, nhiều khu đã tiến hành nghiên cứu phát triển thêm những loài động, thực vật quý hiếm. Hiện các khu sinh quyển là ngôi nhà an toàn cho  nhiều loài động vật quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới sinh sống. Nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng nhưng nhờ có những khu dự trữ sinh quyển nên công tác bảo tồn tốt hơn, nguy cơ tuyệt chủng đã giảm xuống.

Năm 2011, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai mới được UNESCO công nhận, nhưng tôi đánh giá rất cao công tác bảo tồn và phát triển rừng của tỉnh. Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước tiến hành đóng cửa rừng để phục hồi. Sau 15 năm đóng cửa rừng, tình trạng phục hồi rất tốt, hiện khu dự trữ sinh quyển của Đồng Nai có trên 4.200 loài thực vật, động vật quý hiếm, đa dạng sinh học phong phú. Đồng Nai là nơi đến tham quan, nghiên cứu của nhiều nhà khoa học về môi trường trong nước cũng như thế giới.

 Nếu được trao quyền thực hiện 2 giải pháp cấp bách trong bảo vệ môi trường ông sẽ làm gì?

- Câu trả lời của tôi là sẽ không thực hiện quyền nào cả mà tôi sẽ tập trung vào tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường. Khi ý thức của người dân được nâng cao thì mọi người sẽ cùng chung tay bảo vệ môi trường tốt hơn.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều