Báo Đồng Nai điện tử
En

Thấu hiểu giá trị của độc lập để cống hiến cho Tổ quốc hơn nữa

10:12, 28/12/2018

Nhìn người phụ nữ 86 tuổi với vẻ đẹp dịu dàng, phúc hậu ấy, ai có thể ngờ rằng đó là một trong những chiến sĩ tình báo xuất sắc của Cụm tình báo H63 huyền thoại, cộng sự của những cán bộ tình báo nổi tiếng như: Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Phạm Xuân Ẩn. Bà là Thượng úy tình báo Nguyễn Thị Mỹ Nhung, bí danh Tám Thảo, hiện sống tại quận Phú Nhuận (TP.Hồ Chí Minh).

Nhìn người phụ nữ 86 tuổi với vẻ đẹp dịu dàng, phúc hậu ấy, ai có thể ngờ rằng đó là một trong những chiến sĩ tình báo xuất sắc của Cụm tình báo H63 huyền thoại, cộng sự của những cán bộ tình báo nổi tiếng như: Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Phạm Xuân Ẩn. Bà là Thượng úy tình báo Nguyễn Thị Mỹ Nhung, bí danh Tám Thảo, hiện sống tại quận Phú Nhuận (TP.Hồ Chí Minh).

Tham gia kháng chiến từ năm 1948, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1950, là chiến sĩ Cụm tình báo H63 giữ nhiệm vụ giao liên cho cán bộ tình báo X6 (tức Phạm Xuân Ẩn) từ năm 1960... cuộc đời nữ chiến sĩ tình báo Tám Thảo như bản anh hùng ca tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và của lực lượng tình báo nói riêng.

* Bước ngoặt nào đưa bà từ một tiểu thư tư sản đến một chiến sĩ cách mạng, thưa bà?

- Gia đình mẹ tôi vốn là tư sản yêu nước. Trong kháng chiến chống Pháp, các cậu và dì của tôi đều tham gia cách mạng. Gia đình tôi trước kia có nhiều hiệu buôn tơ lụa trải dài từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu, anh chị em chúng tôi chỉ có lo ăn học nên thường tìm đọc rất nhiều sách. Trong số sách anh tôi mang về đọc sau đó chuyển cho tôi có những quyển về chủ nghĩa Marx, khi đọc xong tôi cảm thấy như có chân trời mới mở ra trước mắt.

Sau Cách mạng Tháng Tám, cha mẹ tôi gom góp toàn bộ nữ trang quyên tặng Tuần lễ vàng, và cha tôi lúc đó được bầu làm Chủ tịch xã. Khi thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ, cha tôi bị bắt, gia đình tán gia bại sản. Mẹ tôi trong hoàn cảnh tay trắng phải vay mượn hơn 12 ngàn đồng Đông Dương - một số tiền rất lớn thời điểm ấy để lo lót cho cha tôi ra tù, nhờ bạn bè giúp đỡ nên trốn được từ Bạc Liêu lên Vĩnh Long. Kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình, giác ngộ cách mạng qua sách vở, thêm lòng căm thù giặc Pháp nên năm 1948, lúc mới 16 tuổi tôi đã thoát ly gia đình theo kháng chiến.

 * Vậy, cơ duyên nào đưa bà đến với công tác tình báo?

- Cũng không phải cơ duyên nào, mà đó là công việc tôi đã chọn ngay từ đầu khi làm cách mạng. Hồi còn nhỏ tôi đọc nhiều sách về hoạt động tình báo và rất mê. Lúc vào chiến khu, nghe các chị bên hội phụ nữ kể chuyện đi rải truyền đơn bằng cách đặt truyền đơn trên xe, khi xe chạy gió thổi làm những lá truyền đơn bay tung trên đường, tôi tự nhủ mình cũng làm được như vậy, nhưng xin mãi mà các chị không cho theo.

Vì vậy khi được cấp trên trao đổi, gợi ý về việc đưa tôi vào nội thành Sài Gòn để hoạt động bí mật, tôi đồng ý ngay. Ngoài việc học tiếng Anh, tôi được đào tạo 2 năm, nhưng thực tế những nội dung được đào tạo là dùng trong công tác quân báo chớ không phải là tình báo. Có lẽ các cán bộ, chiến sĩ Cụm tình báo H63 chúng tôi lúc đó, kể cả người chỉ huy như anh Tư Cang, người chuyển tài liệu quan trọng về cho tổ chức như anh Phạm Xuân Ẩn, chẳng một ai được đào tạo bài bản, huấn luyện tình báo chuyên nghiệp. Vì yêu nước mà chúng tôi nhận lấy những công tác đặc biệt, và với ý chí cách mạng mà chúng tôi làm được những điều tưởng như là không thể.

 * Cụ thể, bà đã làm những việc gì và đã hoàn thành nhiệm vụ như thế nào?

- Từ năm 1959, anh Phạm Xuân Ẩn đi học từ Mỹ về, với vỏ bọc là ký giả đồng thời có mối quan hệ với một số người đặc biệt, anh bắt đầu chuyển những tài liệu mật của Mỹ và chính quyền Sài Gòn về chiến khu, sau đó chuyển ra Trung ương để phân tích, đánh giá từ đó có đối sách thích hợp. Tôi là người nhận tài liệu trực tiếp từ anh Ẩn. Với lớp vỏ bọc là tiểu thư Sài Gòn sành điệu, tôi thường được anh Ẩn lái xe đón đi ăn sáng, hoặc đi nhảy đầm, đi hóng mát và đó là lúc chúng tôi trao đổi thông tin, tài liệu mà địch không hề nghi ngờ. Sau khi nhận tài liệu, tôi tìm cách chuyển ra chiến khu.

Trong quá trình hoạt động, Cụm tình báo H63 có 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Các cán bộ, chiến sĩ hoạt động trong cụm cũng được trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như: Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, Đại tá Nguyễn Văn Tàu, Thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Thiếu tá Nguyễn Thị Ba… Quân số toàn cụm có tất cả 45 người, trong quá trình hoạt động đã hy sinh 27 người, 13 người bị thương.

* Xem những hình ảnh trước đây, bà rất là đẹp. Có phải vì đẹp nên bà được chọn để hoạt động tình báo?

- Nếu người làm công tác tình báo chỉ dựa vào sắc đẹp, ngoài việc dễ bị lợi dụng thì trong hoạt động cũng chưa chắc thành công. Sắc đẹp chỉ là một trong những lợi thế và có thể là phương tiện, còn lại là sự bình tĩnh nhận định tình hình, ứng phó linh hoạt và trên hết là ý chí cách mạng để vượt qua khó khăn.

Khoảng năm 1961, có lần tôi nhận của anh Ẩn 24 cuộn phim Kodak rồi bắt xe đò từ nội thành Sài Gòn ra Củ Chi để chuyển tài liệu.Thời đó mỗi khi ra đường tôi luôn mặc áo dài, xách bóp đầm sang trọng, đi xe thì luôn ngồi ở ghế trên. Xe chạy tới địa phận Hóc Môn thì bị một toán cảnh sát chặn lại, yêu cầu tất cả mọi người trên xe phải xuống cho chúng khám xét. Tôi bình tĩnh xuống xe như mọi người, sau đó xách chiếc bóp đầm có chứa tài liệu đến gần người cảnh sát chỉ huy và vui vẻ bắt chuyện tán gẫu. Mãi đến lúc khám xét xong, mọi người lên xe, sốp-phơ (tài xế) nổ máy tôi mới làm như “sực tỉnh”, chào viên chỉ huy để trở lại xe. Có tên cảnh sát nói tôi chưa xét, tôi quay lại cười với viên chỉ huy: “Em mải nói chuyện với thầy mà quên hết, chưa xét là tại thầy đó nha”. Anh này cũng cười lại rồi phất tay cho tôi đi. 24 cuộn phim chứa toàn bộ kế hoạch Staley - Taylor  về “bình định miền Nam Việt Nam” đã được chuyển an toàn cho Trung ương, từ đó có những kế sách ứng phó kịp thời.

 * Không chỉ là giao liên, chuyển tài liệu cho X6 (Phạm Xuân Ẩn), bà còn nhiều lần tự mình thu thập tài liệu quan trọng, cung cấp nhiều nguồn tin giá trị cho cách mạng. Xin bà cho biết thêm về nguồn tin mà bà đã cung cấp?

- Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, địch vô cùng hoang mang, tăng cường bố phòng để ngăn chặn lực lượng của ta đồng thời gia tăng các hoạt động quân sự khiến cho lực lượng của ta gặp nhiều tổn thất. Lúc này theo phân công của tổ chức, tôi làm thông dịch viên cho một thiếu tá cố vấn tình báo Mỹ tại Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam cộng hòa, cấp trên giao cho tôi nhiệm vụ phải nhanh chóng tiếp cận hồ sơ, nắm được phương án của địch để ta có cơ sở tiến công đợt 2. Sau khi biết địch tổ chức họp bàn kế hoạch, tôi tìm cách ở lại muộn hơn mọi ngày để tìm tài liệu, bỏ vào bóp ung dung ra về, đưa cho chú Tư Cang chụp lại rồi nhanh chóng trả lại chỗ cũ. Đó là tập tài liệu vô cùng quan trọng, ghi rất rõ nhận định của địch về ta sau Tết Mậu Thân 1968. Trong đó, quan trọng nhất là địch nhận định, sau những tổn thất về cơ sở cách mạng nhất định “Việt cộng” sẽ không dám tiếp tục tiến công. Chính điều này đã làm cơ sở để ta tổ chức tiến công đợt 2 năm 1968. Ngoài ra, tôi cũng tìm cách chụp được sơ đồ, bố trí lực lượng của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam cộng hòa chuyển về chiến khu, làm cơ sở cho các trận đánh vào cơ quan đầu não địch sau này.

* Kỷ niệm nào khiến bà nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động của mình?

- Điều mà tôi nhớ nhất không phải là những thời điểm căng thẳng để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ, mà là những ngày đầu mới vào sống ở chiến khu tại Vĩnh Long. Trước đó tôi sống cuộc đời “tiểu thư”, chưa từng làm việc nặng nhọc. Vào chiến khu tôi được giao nhiệm vụ giao liên, chèo thuyền đưa đón cán bộ, chiến sĩ mà tôi thì có biết chèo bao giờ. Không biết thì tập, tập riết cho đến khi nào rành rẽ mới thôi, mọi người không ai cười nhạo tôi mà còn động viên, giúp đỡ. Nhớ nhất là những lần đưa đón anh Phạm Ngọc Thảo, lúc đó đang làm việc ở Văn phòng Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ. Anh luôn động viên, khuyến khích tôi trong công tác, mỗi lần đi anh còn hái hoa tặng cho tôi, có khi bó hoa để từ sáng đến chiều đã héo rũ nhưng tôi rất vui. Ai bảo người cách mạng là không lãng mạn? Ai bảo cuộc đời hoạt động cách mạng là không có niềm vui?

* Nhìn lại quãng đường gian khó đã qua, bà có điều gì nhắn gửi thế hệ trẻ?

- Sau ngày đất nước hòa bình, tôi tiếp tục công tác trong quân đội, sau đó chuyển ngành về Sở Văn hóa - thông tin TP.Hồ Chí Minh cho đến lúc nghỉ hưu  vào năm 1993. Với vốn liếng tiếng Anh, tôi không ngồi không mà nhận làm việc về dịch thuật.

Nhìn lại quãng đường đã qua, tôi thấy mình có nhiều may mắn là được gặp gỡ, làm việc với người vĩ đại, như anh Phạm Ngọc Thảo, anh Phạm Xuân Ẩn, anh Tư Cang, được các anh rèn luyện, dạy dỗ để trưởng thành. Tôi không xem mình là anh hùng. Anh hùng chính là những người anh mà tôi đã kể, là những đồng đội đã hy sinh giữ cho Cụm tình báo H63 chưa bao giờ bị lộ, là những người dân đã che chở, đùm bọc tôi suốt giai đoạn kháng chiến. Tôi trưởng thành nhờ nhân dân, từ nhân dân.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, tôi đã chọn làm người chiến sĩ, hoạt động âm thầm. Ngay trở về với đời thường tôi cũng nguyện thầm lặng cống hiến, góp sức mình nhân lên những niềm vui cho cuộc sống. Với thế hệ trẻ, tôi chỉ muốn nhắn gửi: hãy thấu hiểu giá trị của độc lập, tự do, của cuộc sống thanh bình, hạnh phúc hôm nay để cống hiến cho Tổ quốc hơn nữa.

 Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Tuyết - Hà Lam

(thực hiện)

Tin xem nhiều