NGND, Thiếu tướng, GS-TS. Trương Giang Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông (huyện Thống Nhất) là người có thâm niên công tác và cống hiến trên nhiều lĩnh vực. Ông từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và sau đó là thư ký riêng của Thượng tướng Trần Văn Trà; giảng viên Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh; Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân; Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân…
NGND, Thiếu tướng, GS-TS. Trương Giang Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông (huyện Thống Nhất) là người có thâm niên công tác và cống hiến trên nhiều lĩnh vực. Ông từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và sau đó là thư ký riêng của Thượng tướng Trần Văn Trà; giảng viên Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh; Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân; Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân…
NGND, Thiếu tướng, GS-TS.Trương Giang Long chia sẻ, ông ước mơ và có hoài bão phấn đấu để trở thành hiện thực, đó là làm một người thầy, một nhà khoa học.
* Động lực từ những người thầy
Thưa ông, điều gì đã thôi thúc ông đến với nghề giáo?
- Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày gian khó, nhọc nhằn. Thế nhưng thật may mắn là tôi đã được các thầy cô giáo tin yêu, quý mến. Chính tấm gương của những người thầy đã tạo cho tôi động lực vô cùng mạnh mẽ để phấn đấu trở thành một nhà giáo.
Ông từng nói ông có một tình cảm sâu nặng với nghề dạy học, thế nhưng ông lại trải qua nhiều công việc khác nữa. Phải chăng đó là đam mê của ông?
- Tôi có một đam mê cháy bỏng với nghề dạy học, cũng như thế hệ thanh niên thời của tôi, tất cả đều khát khao cầm súng đánh giặc, giữ nước. Riêng tôi mơ ước trở thành sỹ quan tình báo. Và có thể nói tôi có quá nhiều may mắn và hạnh phúc lớn lao khi cùng lúc được làm cả hai công việc này.
Đại diện Công an Đồng Nai tặng hoa chúc mừng cho NGND, Thếu tướng GS.TS. Trương Giang Long |
Nhiều học trò đã dành tình cảm và sự trân trọng rất lớn cho ông. Làm thế nào ông có được điều đó?
- Tôi rất yêu mến và quý trọng người học. Những gì có thể truyền đạt được cho các em tôi luôn sẵn lòng. Học trò quý mến tôi có lẽ bởi tôi sống và ứng xử với họ rất chân thành, trách nhiệm. Tôi dạy các em phải có lòng tự trọng, sống là phải biết dâng hiến, biết sống cho người khác, vì người khác. Chỉ có như thế thì mọi người mới chia sẻ, quý trọng, thương yêu và giúp đỡ mình.
Là người thầy lâu năm lại quản lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ông nghĩ gì về thành quả giáo dục của đất nước?
- Tôi đã được Nhà nước cho về nghỉ chế độ nhưng vẫn mong muốn về Trường Đại học Công nghệ Miền Đông để góp phần đào tạo cho Đồng Nai và đất nước nguồn nhân lực, nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tôi cho rằng nếu ai đó phủ nhận những thành quả của nền giáo dục nước nhà trong suốt những năm vừa qua thì phải nói dứt khoát rằng họ không có trái tim. Chúng ta đã có hàng triệu thế hệ học trò trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Hình ảnh người thầy, người cô vẫn tiếp tục lung linh tỏa sáng, dẫn dắt chúng ta đi trên con đường đời, mỗi chúng ta hôm nay dù mình là ai cũng không được phép lãng quên điều đó.
Tuy nhiên, cũng phải thành thật mà nói, xã hội đã có những thay đổi và đòi hỏi rất khác. Nếu chúng ta cứ duy trì lối dạy cũ thì không thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới, hội nhập. Bởi thực tế chúng ta đang đứng trước thách thức của hội nhập, cả thế giới đang hòa mình vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Chúng ta phải thay đổi tư duy giáo dục để đào tạo ra một thế hệ những người lao động mới vừa giữ được phẩm chất của người Việt Nam nhưng có tư duy và tầm nhìn toàn cầu. Đó là con người Việt Nam tự tin, bản lĩnh và chủ động hội nhập với thế giới.
* Có duyên với Đồng Nai
Ông đã có 45 năm công tác và cống hiến, đến tuổi về hưu vẫn tiếp tục tham gia sự nghiệp giáo dục, phải chăng ông nghĩ mình còn “nợ” các thế hệ đi trước, thế hệ hôm nay, nói rộng hơn là “nợ” đất nước?
- Khi được Nhà nước cho nghỉ chế độ, tôi cảm thấy thật sự nhẹ nhõm. Tôi đã dâng hiến cả tuổi trẻ cho đất nước, cho nhiều thế hệ học trò, trong đó có các thế hệ học trò của lực lượng Công an nhân dân. Nếu nói là tôi có còn “nợ” đất nước điều gì hay không thì tôi có thể nói rằng, cả cuộc đời của tôi trả cũng không bao giờ hết ân nghĩa với Đảng, với nhân dân. Tôi đã ăn cơm của dân, của Đảng, được Đảng giáo dục, dạy dỗ, nhân dân cưu mang đùm bọc, nhờ vậy mà tôi trưởng thành và tôi còn nợ nhiều đồng chí, đồng đội của mình, những người đã ngã xuống cho đất nước chúng ta có được phồn vinh hôm nay. Và đó là lý do tôi sẽ còn làm việc, còn tiếp tục cống hiến cho đất nước.
Ông từng công tác ở nhiều vị trí và đến tuổi về hưu đã chọn Đồng Nai là quê hương thứ 2 của mình. Tình cảm của ông với Đồng Nai có gì đặc biệt?
- Tôi sớm có duyên với mảnh đất phương Nam này, đặc biệt là Đồng Nai. Những ngày diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh, mà cụ thể là từ ngày 30-4-1975 lịch sử, tôi đã cùng với đồng đội của mình tham gia những trận đánh mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sau này, tôi đã nhiều lần quay lại Đồng Nai, tham gia giảng dạy nhiều chuyên đề cho các đơn vị ở TP.Biên Hòa và một số huyện như: Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ,... Tôi muốn chia sẻ rằng, phần cuối của con đường tôi sẽ đi là ở lại nơi này.
NGND. Thiếu tướng, GS. TS Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông tặng bằng khen cho các tân cử nhân khóa I đạt thành tích học tập xuất sắc |
Vậy ông sẽ làm gì cho Đồng Nai?
- Tôi đã cùng với các nhà đầu tư tham gia thành lập Trường Đại học Công nghệ Miền Đông ngay từ đầu với ước muốn là giúp Đồng Nai đào tạo ra những cán bộ trẻ, hội tụ được những tố chất quan trọng của thời kỳ đổi mới, đó là lòng yêu nước, làm việc với tinh thần trách nhiệm, hiệu quả, biết sống dâng hiến cho quê hương. Trong số đó tôi đặc biệt ưu tiên cho bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn,... Các đối tượng chính sách trên đây sẽ được miễn giảm học phí, được ở ký túc xá miễn phí, được giới thiệu việc làm… Tôi muốn dành cho Đồng Nai sự chia sẻ bằng việc phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh mở các lớp cao học cho các cán bộ chủ chốt... Sắp đến tôi nghiên cứu đề xuất cấp học bổng những ngành như: Quản lý tài nguyên và môi trường, Quản lý đất đai, Luật kinh tế,... cho cán bộ các phường, xã có thêm cơ hội học tập để nâng cao trình độ.
Trường Đại học Công nghệ Miền Đông “sinh sau đẻ muộn” nên chắc chắn sẽ phải cạnh tranh với nhiều trường khác. Đây liệu có phải là vấn đề đáng lo lắng không, thưa ông?
- Đúng là trường của chúng tôi sinh sau đẻ muộn, tuy nhiên chúng tôi đã có một đội ngũ nguồn nhân lực nền tảng, giàu kinh nghiệm và đặc biệt là chúng tôi chú trọng thay đổi phương thức đào tạo. Chúng tôi tin tưởng vào những bước đi đột phá mà trường đang thực hiện nhằm khẳng định chất lượng đào tạo, thông qua việc ký thỏa thuận hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kỹ thuật ô tô, xây dựng… phối hợp cùng thiết kế chương trình đào tạo, hợp tác đào tạo chuyển giao công nghệ, giúp sinh viên thích ứng với môi trường làm việc trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Công Nghĩa (thực hiện)