Báo Đồng Nai điện tử
En

Mơ ước chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao

08:11, 03/11/2018

Bước chân vào ngành nông nghiệp với khởi điểm chỉ là một xưởng cơ khí nhỏ chuyên sản xuất các thiết bị chăn nuôi, 10 năm sau ông Trần Quang Tính đã xây dựng được một quy trình sản xuất khép kín...

Bước chân vào ngành nông nghiệp với khởi điểm chỉ là một xưởng cơ khí nhỏ chuyên sản xuất các thiết bị chăn nuôi, 10 năm sau ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (trụ sở ở TP.Hồ Chí Minh)đã xây dựng được một quy trình khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt. Trong đó, chất thải chăn nuôi được ông dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp cho trang trại công nghệ cao trồng rau quả sạch trong nhà màng.

Ông Trần Quang Tính giới thiệu mô hình trồng rau ôn đới hữu cơ trong nhà màng. Ảnh: B.Nguyên
Ông Trần Quang Tính giới thiệu mô hình trồng rau ôn đới hữu cơ trong nhà màng. Ảnh: B.Nguyên

Đây chỉ là khởi điểm cho giấc mơ ứng dụng công nghệ cao xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ cạnh tranh tốt cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu của ông chủ Trang Trại Việt.

* Mê làm nông nghiệp sạch

 Câu chuyện về quá trình ông bước chân vào ngành nông nghiệp ra sao, thưa ông?

- Tôi từng làm quản đốc tại một tập đoàn lớn trong ngành dệt với mức lương cao vì có rất nhiều sáng kiến. Cái máy cả triệu USD tôi cũng chế tạo được. Nhưng tôi vẫn quyết định trở thành nông dân vì mê làm nông nghiệp sạch dù lúc đó gia đình phản đối.

Trang Trại Việt đã có 5 sản phẩm trồng trong nhà màng được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP gồm: dưa lưới, cà chua, ớt chuông, dưa hấu, các loại rau ăn lá. Dự kiến năm 2018, trang trại sản xuất 300 tấn rau quả, đạt doanh thu trên 6,5 tỷ đồng.

Ban đầu, tôi mở xưởng sản xuất thiết bị chăn nuôi. Tôi đầu tư trang trại nuôi gà với quy mô 200 ngàn con tại tỉnh Tây Ninh, vì phải trực tiếp nuôi mới nghiên cứu, chế tạo được thiết bị phù hợp nhất. Trang trại chăn nuôi được tôi thiết kế hoàn toàn tự động từ hệ thống cho ăn đến thu gom phân gà, hệ thống làm mát... nên trại nuôi không mùi, không ruồi. Chính vì vậy, thiết bị do chúng tôi cung cấp luôn được khách hàng đánh giá cao.

 Tại sao ông chọn con đường sản xuất phân bón hữu cơ?

- 10 năm đầu tư vào nông nghiệp, quá trình “giải mã” lâu nhất của tôi là với con gà. Trong đó, xử lý chất thải chăn nuôi rất khó khăn, tốn kém. Tôi lại bỏ công nghiên cứu để có thể kiếm được tiền thay vì phải mất chi phí xử lý nguồn chất thải này. Đến nay, tôi đã xây dựng được chuỗi khép kín từ làm con giống, thức ăn đến quy trình chăn nuôi, xử lý chất thải thành phân bón hữu cơ.

Tôi đầu tư nhà máy sản xuất phân gà hữu cơ tại xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) đạt công suất 200 tấn/ngày vì ký hợp đồng xử lý chất thải cho một tập đoàn chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài lớn có hệ thống trang trại tại đây. Tuy về nguyên tắc công nghệ xử lý phân gà của chúng tôi hoạt động cũng giống công nghệ của nhiều nước hiện đại, nhưng tôi đã cải tiến để phù hợp hơn với thực tế sản xuất trong nước. Nông dân mình vẫn quan niệm phân không thối, không mùi là phân giả. Thực tế, phân đã hoai rồi sẽ không còn mùi hôi. Trang trại nuôi gà của tôi không có mùi hôi vì phân thải ra được làm khô, xử lý ngay để bảo toàn nguồn dinh dưỡng cho cây trồng ở mức cao nhất. Phân hữu cơ của chúng tôi có nhiều nhóm, nhóm chuyên dùng cho cây trà; nhóm cho cây ca cao, cây ăn trái; nhóm phù hợp với cây ớt chuông, dưa lưới; nhóm chuyên cho cây rau…

Ngoài những đơn hàng gia công cho công ty phân bón lớn, phân bón hữu cơ sinh học Lộc Việt của chúng tôi có nhiều khách hàng là các trang trại, hợp tác xã. Chúng tôi cũng đang xây dựng hệ thống đại lý trên cả nước.

 Điều gì khiến ông chuyển từ ngành chăn nuôi sang trồng trọt?

- Trang Trại Việt rộng 13 hécta với hệ thống nhà màng trồng rau, quả sạch tại huyện Xuân Lộc được tôi đầu tư cũng để chứng minh về chất lượng phân bón hữu cơ. Mục tiêu của tôi còn là làm ra thực phẩm sạch trước hết cho chính gia đình mình sử dụng rồi mở rộng ra người tiêu dùng. Vì tôi hiểu rất rõ tác hại của việc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng đến sức khỏe con người.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn tham quan trang trại Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt ở huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn tham quan trang trại Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt ở huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên

Muốn làm được nông sản hữu cơ phải đạt những điều kiện khắt khe như: đất, nước, phân bón, môi trường... đều phải sạch. Đất ở đây không đạt chuẩn nên tôi tự làm đất sạch bằng cách đưa cát chưa từng được canh tác nông nghiệp từ tỉnh Bình Thuận về trộn với phân hữu cơ. Tôi cũng cho khoan giếng khai thác nguồn nước ngầm dưới sâu và xử lý để đạt độ an toàn. Tôi từng phải gỡ bỏ 4 nhà lưới vì con nhện trắng chỉ nhỏ như đầu kim; con bướm đẻ trứng... đều có thể lọt qua lớp lưới và hình thành ổ dịch bên trong nhà lưới. Muốn sản xuất sạch, nông dân buộc phải đầu tư nhà màng.

* Công nghệ “không đụng hàng”

 Ông vẫn tự hào những cải tiến, công nghệ của hệ thống nhà màng tại Trang Trại Việt đều “không đụng hàng”?

- Công nghệ nhà màng ở châu Âu đã có nhưng tôi không thể “bê” y nguyên về ứng dụng tại Việt Nam. Vì nhà màng này dùng cho xứ lạnh, cần “nhốt” lại nhiệt độ ở bên trong nên với thời tiết ở Việt Nam vào trưa nắng, nhiệt độ trong nhà màng có thể lên đến 65°C thì không cây gì có thể sống được. Những cải tiến của tôi biến nhược điểm thành ưu điểm. Trước khi xuống giống, tôi đóng kín nhà màng để nhiệt độ cao diệt được tất cả côn trùng, sâu bệnh có hại. Tôi tự chế ra hệ thống làm mát để điều tiết tiểu khí hậu bên trong nhà màng; ban đêm tôi có thể kéo nhiệt độ xuống mức 20°C, ban ngày khoảng 30°C. Tôi trồng thành công cây dâu tây ở Tây Ninh là xứ nóng nhất, các giống rau ôn đới ở trang trại Xuân Lộc cũng sẽ sống tốt trong mô hình nhà màng này.

Đến thăm Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt vào tháng 6-2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Đây là hình mẫu của doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp thời cách mạng công nghiệp 4.0; đặc biệt là đã tạo được lợi thế cạnh tranh khi xây dựng thành công chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt”.

 Ông còn chế tạo robot tưới cây?

- Tôi thiết kế robot được lập trình tự động để khi nhiệt độ cao sẽ tự vận hành tưới nước cho cây, làm mát trong nhà màng. Tôi đang đưa vào thử nghiệm việc ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống làm mát và thời gian tới sẽ cho lắp đặt đồng loạt để giảm chi phí sử dụng điện. Những ứng dụng, cải tiến về máy móc, công nghệ của tôi vào nông nghiệp rất đa dạng, giúp tôi tiết kiệm chi phí đầu tư gấp nhiều lần so với việc nhập công nghệ từ nước ngoài về sử dụng.

 Ông luôn mong muốn liên kết với nông dân xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch, vậy chương trình hợp tác này như thế nào?

- Trang Trại Việt có cửa hàng bán sản phẩm hữu cơ tại TP.Hồ Chí Minh và khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc... muốn đặt hàng xuất khẩu, nhưng mục tiêu tôi làm hàng xuất khẩu vào các thị trường khó tính là để xây dựng thương hiệu rồi quay về phục vụ cho gần 100 triệu người tiêu dùng trong nước.

Để làm được điều này, chỉ Trang Trại Việt không thể đáp ứng. Tôi đã thử nghiệm và chọn ra những loại rau quả cho hiệu quả kinh tế cao như: dưa lưới, măng tây... rất phù hợp với điều kiện khí hậu của Đồng Nai. Doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao từ công nghệ nhà màng đến kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Ngoài ra, chúng tôi có chương trình hợp tác với nông dân ở nhiều địa phương trồng trái cây sạch. Chúng tôi cũng sẽ chuyển giao quy trình kỹ thuật, cung cấp nguồn phân bón và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Điều quan trọng nhất là nông dân phải tuân thủ quy chuẩn nghiêm ngặt đề ra.

 Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích