Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo dục giới tính nên bắt đầu từ tuổi mầm non

09:11, 30/11/2018

Giáo dục giới tính (GDGT) hiểu theo nghĩa chung chính là sự chuẩn bị cho trẻ những hiểu biết về giới tính để bước vào đời, giúp trẻ sống có trách nhiệm với bản thân, biết chăm sóc sức khỏe sinh sản và tự bảo vệ mình trước tình trạng bị xâm hại. Theo GS-TS.Hồ Đức Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học - giáo dục (IRES, trụ sở tại phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), GDGT nên được bắt đầu từ tuổi mầm non.

Giáo dục giới tính (GDGT) hiểu theo nghĩa chung chính là sự chuẩn bị cho trẻ những hiểu biết về giới tính để bước vào đời, giúp trẻ sống có trách nhiệm với bản thân, biết chăm sóc sức khỏe sinh sản và tự bảo vệ mình trước tình trạng bị xâm hại. Theo GS-TS.Hồ Đức Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học - giáo dục (IRES, trụ sở tại phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), GDGT nên được bắt đầu từ tuổi mầm non.

* 22% phụ huynh “thỉnh thoảng” nói chuyện giới tính với con

 Ông có cho rằng tại Việt Nam GDGT vẫn còn được xem là vấn đề nhạy cảm, khó nói không, thưa giáo sư?

 - Ở Việt Nam, thực tế lâu nay GDGT luôn bị coi là chủ đề nhạy cảm, chưa được truyền thông rộng rãi và phổ biến trong nhà trường. Ngay cả trong gia đình, nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy “ngại ngùng” khi đề cập chuyện này với con cái. Trong khi đó, GDGT cho trẻ em là việc làm rất cần thiết để trẻ biết tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ xâm hại có thể gặp phải bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. GDGT còn có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ.

Thực ra, việc GDGT cho trẻ ở Việt Nam cũng đã được tổ chức nhưng chưa đầy đủ và hiệu quả. Hiện nay ở trường học, GDGT chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, nên học sinh đang phải tiếp cận kiến thức một cách nửa vời, việc trang bị những kiến thức về  GDGT cho giáo viên, phụ huynh và học sinh một cách có bài bản và có hệ thống thì hầu như chưa nơi nào thực hiện được.

 Được biết, IRES có thực hiện một nghiên cứu về vấn đề GDGT tại Đồng Nai. Giáo sư đánh giá thế nào về kết quả khảo sát vấn đề này ở Đồng Nai?

- Ở Đồng Nai, chương trình GDGT chủ yếu được lồng ghép vào các bộ môn khác như: sức khỏe, sinh học, hay thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề ít ỏi... Điều này vừa gây ra sự chồng chéo trong quản lý, vừa không tạo được sự chuyên môn hóa và hiệu quả trong truyền đạt kiến thức tới các em.

Khảo sát cho thấy có 78% phụ huynh nói rằng trong quá trình nuôi dạy con cái, họ ít quan tâm đến GDGT cho trẻ; 22% còn lại thì “thỉnh thoảng” có đề cập đến vấn đề này với con. Đồng Nai cũng là một trong những địa phương xảy ra nhiều vụ trẻ bị xâm hại. Trong đó, nhiều vụ việc đã không được trình báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền, trong khi đó vấn đề GDGT lại chưa được quan tâm đúng mức, cha mẹ ít lưu tâm, giáo viên lại chưa biết tư vấn cho học sinh của mình đúng cách khi phát hiện vụ việc.

 Như giáo sư nói, GDGT cần phải được trang bị cho trẻ ngay từ lứa tuổi mầm non. Nhưng lứa tuổi mầm non có còn quá nhỏ cho vấn đề này?

GS-TS.Hồ Đức Hùng hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học - giáo dục (IRES). Ông từng tu nghiệp ở Pháp, Canada và là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Toulouse 1 (Pháp), có nhiều thành công trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu. GS.Hồ Đức Hùng từng tham gia giảng dạy, thuyết giảng tại nhiều đơn vị hành chính và trường đại học ở Đồng Nai.

- Dạy cho trẻ nhận biết giới tính và cách bảo vệ cơ thể tránh bị kẻ xấu lợi dụng không bao giờ là quá sớm. Vì vậy, GDGT cần phải được trang bị cho trẻ từ khi còn ở lứa tuổi mầm non.

Tại những nước phát triển như Mỹ, Hà Lan, Anh, Pháp... GDGT được đưa vào giảng dạy từ rất sớm. Ở tuổi mầm non, trẻ đã được tiếp cận với vấn đề này ở mức cơ bản. Sang tiểu học, học sinh quen với GDGT như một môn học chính thức, quan trọng chẳng kém gì học Toán hay Văn. Các trường học có khung chính sách hệ thống về việc GDGT trong các trường học.

Ở nước ta, nếu ở bậc tiểu học thì đến tận lớp 5 học sinh mới được học về giới tính, lên bậc THCS lại phải đợi tới lớp 8 mới được học trở lại vấn đề giới tính, nhưng chủ yếu nằm ở môn Sinh học. Tới bậc THPT, học sinh đã trưởng thành thì GDGT  lại chỉ được dạy theo kiểu “lồng ghép” qua một vài môn học và lâu lâu nhà trường mời chuyên gia, bác sĩ tâm lý về nói chuyện chuyên đề... Như vậy là quá trễ so với sự phát triển sinh lý cũng như sự khám phá bản thân của các em.

Trong khi đó, trẻ em thời nay dậy thì sớm hơn, từ 11-12 tuổi là khá phổ biến. Vì thế, tôi cho rằng GDGT phải nên bắt đầu từ tuổi mầm mon, tức giai đoạn từ 3-5 tuổi, bé đã sẵn sàng về mặt thể chất và tâm thần vận động để học hỏi, hòa nhập với thế giới xung quanh. Tất nhiên, những kiến thức về GDGT cho tuổi này cần đơn giản nhưng phù hợp với lứa tuổi và nhận thức của trẻ, chỉ cần hướng dẫn cho trẻ biết là không để người lạ đụng chạm cơ thể mình, đặc biệt là tại một số bộ phận nhạy cảm của thân thể là được.

* Vì con, đừng tiếp tục “ngại ngùng”

 GDGT là vấn đề khó, vậy theo giáo sư cha mẹ cũng như những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục cần những kỹ năng gì để đưa kiến thức đến với các em một cách đúng, đủ và rõ ràng nhất, nhưng lại không phải là “vẽ đường cho hươu chạy”?

- Khi nói đến GDGT, phụ huynh rất e ngại và cho đó là việc “vẽ đường cho hươu chạy”. Tôi không đồng tình với quan điểm này, vì trong vấn đề GDGT, đừng lo ngại sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”. Bởi thà “vẽ đường cho hươu” để chạy đúng còn hơn để nó chạy sai, chạy tán loạn rồi... mất hươu.

GS-TS.Hồ Đức Hùng trong một chương trình khởi nghiệp tổ chức tại huyện Long Thành tháng 4-2018.
GS-TS.Hồ Đức Hùng trong một chương trình khởi nghiệp tổ chức tại huyện Long Thành tháng 4-2018.

Theo tôi, nhu cầu hiểu biết về giới tính để tự bảo vệ mình là chính đáng. Trang bị kiến thức về GDGT cho các em dù muộn vẫn tốt hơn là để các em tự mày mò tìm hiểu. Ở mỗi lứa tuổi, cha mẹ, thầy cô, người phụ trách cần có những cách riêng, phù hợp để chia sẻ, giải thích cũng như hỗ trợ các trẻ trong quá trình phát triển.

Muốn GDGT cho trẻ một cách hiệu quả, những người làm công tác truyền thông, phổ biến phải hiểu GDGT là giáo dục những gì, cũng như trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết liên quan đến GDGT (cách gọi tên các bộ phận “nhạy cảm” trên cơ thể, phân biệt nam - nữ, sự thay đổi của hình thể, cách bảo vệ bản thân...) trước đã. Đừng để sự “ngại ngùng” của người lớn mà các trẻ phải chịu thiệt hại. Vì hậu quả của sự thiếu hiểu biết về GDGT là rất nặng nề.

 Theo giáo sư, để hạn chế tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ quan hệ tình dục khi còn quá nhỏ, tình trạng nạo phá thai... thì vai trò của cha mẹ trong gia đình như thế nào?

- Gia đình là cái nôi trong việc hình thành, định hướng và phát triển nhân cách cho mỗi trẻ. Vấn đề GDGT trong gia đình lại càng quan trọng, việc giáo dục không chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn mà cả trong suốt quá trình phát triển của trẻ, từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Cha mẹ không thể bảo vệ trẻ 24/24 nhưng cha mẹ có thể làm rất nhiều để giảm nguy cơ bị xâm hại cho trẻ. Đơn giản là hãy thẳng thắn chia sẻ kiến thức, hiểu biết của mình cho các em (chủ động trò chuyện, giải thích đơn giản, luôn có câu trả lời cho con...). Như vậy, cha mẹ chính là người bạn đồng hành cùng con cái.

Nếu cha mẹ biết cách chia sẻ những thắc mắc của con cái trong quá trình phát triển, sẽ giúp trẻ nâng cao năng lực và sức mạnh bản thân, có thái độ đúng và hành vi chuẩn mực, đặc biệt là khả năng tự chịu trách nhiệm trước hành vi tình dục của bản thân. Đồng thời, giúp trẻ đứng vững bằng những kiến thức và hiểu biết của mình trước những cạm bẫy của xã hội.

 Xin cảm ơn giáo sư!

Phương Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều