Nhiều năm sống và làm việc tại Đồng Nai nên ông Peter Wu, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp (DN) Đài thương tại Đồng Nai coi đây như là quê hương thứ 2 để gắn bó. Với vai trò là Chi hội trưởng, ông đã giới thiệu nhiều DN Đài Loan (Trung Quốc) đến tỉnh đầu tư và được nhiều DN Đài Loan xem như cầu nối giữa chính quyền tỉnh Đồng Nai và DN nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong làm ăn.
Nhiều năm sống và làm việc tại Đồng Nai nên ông Peter Wu, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp (DN) Đài thương tại Đồng Nai coi đây như là quê hương thứ 2 để gắn bó. Với vai trò là Chi hội trưởng, ông đã giới thiệu nhiều DN Đài Loan (Trung Quốc) đến tỉnh đầu tư và được nhiều DN Đài Loan xem như cầu nối giữa chính quyền tỉnh Đồng Nai và DN nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong làm ăn.
Theo ông Peter Wu, các chính sách thu hút đầu tư thì địa phương nào cũng có, thậm chí có những cuộc “chạy đua” giữa các địa phương về thu hút vốn đầu tư, tuy nhiên những câu chuyện lập nghiệp thành công, hoạt động tốt và mở rộng đầu tư tại Đồng Nai mới chính là lời quảng bá thuyết phục nhất cho bất cứ DN nào có ý định đầu tư.
* Đài Loan đang có chính sách “hướng Nam”
Đã có nhiều năm làm việc tại Đồng Nai, theo ông môi trường đầu tư của tỉnh như thế nào so với nhiều địa phương khác?
- Chỉ cần nhìn kết quả là thấy, đến nay có gần 290 DN Đài Loan đầu tư vào tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đăng ký trên 5,2 tỷ USD. Vậy nên Đồng Nai là nơi rất hấp dẫn các DN Đài Loan. Thực tế, tuy giá thuê đất của Đồng Nai có cao hơn so với các tỉnh lân cận, nhưng bù lại tỉnh nằm ở vị trí cửa ngõ giao thông vùng, DN vận chuyển hàng hóa nhanh, rút ngắn được nhiều thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, chính quyền Đồng Nai được nhiều DN Đài Loan đánh giá là năng động, chú trọng cải cách và thường kịp thời tháo gỡ những khó khăn để DN hoạt động, vậy nên khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều DN Đài Loan đã tăng vốn đầu tư vào tỉnh từ 100-200 triệu USD/năm.
Đài Loan không chỉ có công nghiệp mà nông nghiệp công nghệ cao cũng rất phát triển, đây là lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư. Theo ông, Đồng Nai nên làm gì để có thể thu hút được nhiều DN Đài Loan đến tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao?
- Những câu chuyện DN Đài Loan đến Đồng Nai đầu tư thành công chính là lời quảng bá tốt nhất để mời gọi đầu tư mới. Ngoài lĩnh vực công nghiệp, gần đây nhiều DN Đài Loan cũng rất quan tâm và đang tìm hiểu, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Đài Loan đang có chính sách “hướng Nam”, nghĩa là mở rộng đầu tư ra các nước Đông Nam Á. Việt Nam là nơi được nhiều DN Đài Loan lựa chọn và Đồng Nai là điểm dừng chân lý tưởng. Hằng năm, UBND tỉnh có phối hợp với Chi hội DN Đài thương tại Đồng Nai đi xúc tiến đầu tư, thương mại tại Đài Loan. Theo tôi, thời gian tới sẽ có nhiều DN Đài Loan trên các lĩnh vực sẽ đến tỉnh đầu tư, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp, chế biến.
Công nghiệp vẫn là lĩnh vực được nhiều DN Đài Loan lựa chọn nhiều nhất khi đầu tư vào Đồng Nai, song cũng nhiều năm “mang tiếng” là sử dụng công nghệ cũ. Theo ông, nên có cái nhìn như thế nào về công nghệ sản xuất hiện nay của các DN Đài Loan tại Đồng Nai?
- Hàng hóa các DN Đài Loan tại Đồng Nai sản xuất phần lớn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, cho nên những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu của thị trường đòi hỏi ngày một cao, các DN phải liên tục cải tiến, thay đổi công nghệ mới hiện đại cho phù hợp. Những DN đầu tư mới vào tỉnh trong 3-4 năm trở lại đây hầu hết có dây chuyền sản xuất công nghệ cao, sử dụng ít lao động nhưng vẫn cho năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội.
Đài Loan hiện vẫn đang là một trong 3 thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn nhất của Đồng Nai. Các DN nhập khẩu chủ yếu sản xuất hàng hóa xuất khẩu vào thị trường đòi hỏi cao nhất về chất lượng, mẫu mã trên thế giới hiện nay như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc nên sắp tới, sẽ có các DN Đài Loan trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có công nghệ cao đầu tư vào tỉnh để cung ứng sản phẩm đầu vào cho những DN trên.
Hiện nay, Chi hội DN Đài thương tại Đồng Nai có 285 thành viên. Các DN Đài Loan đầu tư vào Đồng Nai khá sớm, từ khi tỉnh bắt đầu mời gọi đầu tư nước ngoài. Có những DN Đài Loan đã đến tỉnh xây dựng nhà máy sản xuất được gần 30 năm. Nhiều DN sau một thời gian đầu tư hiệu quả đã liên tục mở rộng, tăng vốn lên gấp 2-4 lần so với ban đầu. |
Thưa ông, như vậy thời gian tới phải chăng sẽ có “làn sóng” DN Đài Loan trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có công nghệ cao đầu tư vào Đồng Nai?
- Thực ra, hiện đã có nhiều DN Đài Loan đến tỉnh tìm cơ hội để đầu tư cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra ảnh hưởng lớn đến nhiều DN Đài Loan đang đầu tư vào Trung Quốc, nên có nhiều DN muốn chuyển đầu tư sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đồng Nai là “cái nôi” sản xuất công nghiệp lớn nhất Việt Nam nên sẽ được nhiều DN Đài Loan ưu tiên.
* Tôi coi Đồng Nai là quê hương
Trước khi đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Chi hội DN Đài thương tại Đồng Nai, ông đã là chủ một DN ở Đồng Nai khá lâu. Cảm nhận của ông về đất và người Đồng Nai như thế nào?
- Tôi nhận chức Chi hội trưởng Chi hội DN Đài thương tại Đồng Nai mới gần 1 năm. Trước đó và hiện tại, tôi làm Tổng giám đốc Công ty hữu hạn kim loại Sheng Bang ở Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom). Nhiều năm sống và làm việc ở Đồng Nai nên vùng đất này rất gắn bó với tôi, có thể coi đây là quê hương thứ 2 của mình. Nơi đây chính là vùng đất lành cho nhiều DN nước ngoài dừng chân để đặt đại bản doanh, trong đó có tôi.
Trong mắt tôi, người Đồng Nai rất gần gũi và thân thiện. Vì thế, các DN Đài Loan đầu tư vào tỉnh, ngoài sản xuất cũng tham gia các chương trình khác tại địa phương như: làm từ thiện, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh để tạo sự gắn kết, thân thiết với người dân Đồng Nai. Bởi đây là vùng đất mà tôi cũng như nhiều DN Đài Loan đến đầu tư và khá thành công nên tôi có những tình cảm rất sâu sắc khó diễn tả hết bằng lời.
Với cương vị Chi hội trưởng, trong thời gian tới ông sẽ làm gì để gắn kết quan hệ giữa DN Đài Loan và Đồng Nai hơn nữa?
- May mắn là chính quyền Đồng Nai luôn đồng hành cùng DN nên phần lớn những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tỉnh đều được kịp thời tháo gỡ. Còn những vấn đề liên quan đến Trung ương cũng được tỉnh tổng hợp, kiến nghị Chính phủ giải quyết. Việc này giúp cho nhiều DN Đài Loan đầu tư vào tỉnh đã thành danh và không ngừng lớn mạnh, sau đó mở rộng đầu tư ra các tỉnh, thành khác.
Bên cạnh đó, tôi đóng vai trò là cầu nối cung cấp thông tin về môi trường, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh cho những DN Đài Loan khác đang có ý định đầu tư vào Việt Nam, đưa họ đi tham quan những công ty Đài Loan từng hoạt động trên địa bàn tỉnh gần 30 năm và khá thành công để họ có cái nhìn, đánh giá chính xác hơn trong việc lựa chọn đầu tư. Đây cũng là lý do, đầu tư của các DN Đài Loan vào tỉnh liên tục tăng.
Theo ông, Đồng Nai nên làm gì để thu hút được nhiều DN nước ngoài đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao?
- Tôi cho rằng tỉnh phải xúc tiến việc quảng bá nhiều hơn nữa để các DN nước ngoài đang có ý định đầu tư vào Việt Nam biết được. Trong đó, chú ý quảng bá sâu, chi tiết lĩnh vực mình đang ưu tiên mời gọi để họ biết và lựa chọn.
Đồng Nai là nơi có rất nhiều ưu điểm nổi trội nằm trong nhóm ưu tiên hàng đầu khi các DN lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, muốn níu chân được các DN nước ngoài nhiều hơn, tỉnh tiếp tục đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ thủ tục. Vì khi đầu tư vào tỉnh, thành nào, ngoài quan tâm đến các yếu tố về giao thông, vị trí địa lý, khí hậu, giá thuê đất, các DN rất coi trọng việc chính quyền địa phương giải quyết những hồ sơ thủ tục liên quan đến đầu tư. Nếu thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài sẽ khiến DN mất đi nhiều cơ hội phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)