Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, quyền con người

08:08, 04/08/2018

Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều được Quốc hội khóa XIV (kỳ họp thứ 5) thông qua ngày 12-6-2018 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2019...

Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều được Quốc hội khóa XIV (kỳ họp thứ 5) thông qua ngày 12-6-2018 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2019. Trao đổi với Báo Đồng Nai về tầm quan trọng của luật, Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến cho biết:

Việc xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của tình hình an ninh mạng trong nước, yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Hiến pháp năm 2013.

 Ông có thể nói cụ thể hơn về Luật An ninh mạng?

- Luật An ninh mạng nhằm phòng ngừa, đấu tranh hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia, kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự... Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, chống chiến tranh mạng. Bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và áp dụng các biện pháp cần thiết, tương xứng. Đồng thời khắc phục những tồn tại hạn chế cơ bản trong công tác bảo vệ an toàn an ninh mạng; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng. Bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế, khi đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới ban hành Luật An ninh mạng.

 Xin ông cho biết những hành vi nào bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng?

- Đó là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Cá nhân, tổ chức sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi sau thì bị nghiêm cấm: tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc. Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia...

 Luật An ninh mạng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như thế nào, thưa ông?

- Luật An ninh mạng được ban hành nhằm ngăn chặn toàn bộ các nguy cơ và hành vi có thể gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Cụ thể: bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân được hoạt động trên một môi trường không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bảo vệ chặt chẽ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài về sự quản lý, tương thích các quy định pháp luật và trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện.

Luật An ninh mạng sẽ hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong ảnh: Hiện nay, công chức làm việc tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai đều dùng phần mềm một cửa Egov để tiếp nhận thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Đặng Ngọc
Luật An ninh mạng sẽ hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong ảnh: Hiện nay, công chức làm việc tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai đều dùng phần mềm một cửa Egov để tiếp nhận thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Đặng Ngọc

Không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật An ninh mạng còn là căn cứ pháp lý chủ yếu và quan trọng để bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, là công cụ để lực lượng chức năng triển khai các biện pháp được giao.

 Tình trạng đăng tải thông tin xấu, độc, chống Nhà nước, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân hiện đang diễn ra trên không gian mạng cần xử lý ra sao?

- Dưới góc độ an ninh, Luật An ninh mạng có đề cập tới các biện pháp xử lý thông tin có nội dung chống Đảng, Nhà nước, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Đây là nội dung liên quan trực tiếp tới an ninh quốc gia đã được quy định trong Bộ luật Hình sự quy định về hình phạt và tội phạm, còn Luật An ninh mạng chỉ quy định các biện pháp phòng ngừa, xử lý đối với các hoạt động trên không gian mạng.

Hiện nay, các thông tin xấu, độc, phản cảm chủ yếu tồn tại trên các trang mạng xã hội nước ngoài nhưng các trang mạng này hầu như không bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam, dẫn tới tình trạng khó theo dõi, xử lý, điều tra các hành vi vi phạm.

 Xin cảm ơn ông!

Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các đối tượng đã sử dụng gần 3 ngàn trang mạng, với hàng trăm ngàn lượt bài viết chống Đảng, Nhà nước. Số lượng tin bài có nội dung xấu, phản động tăng đột biến trong thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Vấn đề kiểm soát thông tin xấu, độc, phản cảm trên mạng xã hội là trách nhiệm chung của toàn xã hội, do Bộ Thông tin - truyền thông chịu trách nhiệm chính.

Đoàn Phú (thực hiện)

Tin xem nhiều