Vụ việc chủ Công ty TNHH KL Texwell Vina bỏ về Hàn Quốc trong khi đang nợ lương của công nhân, nợ bảo hiểm xã hội và các khoản nợ khác gây ra nhiều hệ lụy với xã hội.
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: H.DUNG |
Vụ việc chủ Công ty TNHH KL Texwell Vina bỏ về Hàn Quốc trong khi đang nợ lương của công nhân, nợ bảo hiểm xã hội và các khoản nợ khác gây ra nhiều hệ lụy với xã hội. Về vấn đề này ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng:
- Việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong mọi trường hợp đều không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Doanh nghiệp ngoài mục tiêu kinh doanh, cần phải thực hiện cả trách nhiệm xã hội, không thể bằng mọi giá để lại hậu quả cho địa phương giải quyết.
* Không chấp nhận thu hút đầu tư bằng mọi giá
Thưa ông, những hệ lụy nào sẽ xảy ra khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước?
- Việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa bàn kinh doanh gây ra rất nhiều hệ lụy. Trước hết, người lao động làm việc trực tiếp ở doanh nghiệp sẽ mất việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống bản thân họ và cả gia đình. Hầu hết các chủ doanh nghiệp khi bỏ trốn đều kéo theo các khoản nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động. Điều này gây bức xúc lớn, có thể làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước trên địa bàn.
Trong số những chủ doanh nghiệp bỏ trốn, có những doanh nghiệp vì lý do khách quan là làm ăn thua lỗ, nhưng có những doanh nghiệp có hành vi gian dối. Khi làm ăn có lãi, có lợi nhuận, họ đưa hết lợi nhuận về nước, sau đó tự tạo ra tình trạng khó khăn.
Vấn đề này đã xảy ra nhiều nhưng chưa có giải pháp để ngăn chặn triệt để. Đâu là giải pháp để hạn chế tình trạng này?
- Các chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn về nước đang là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt.
Ở tầm vĩ mô, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật để thu hút những doanh nghiệp có năng lực, phát triển bền vững. Chúng ta không chấp nhận thu hút đầu tư bằng mọi giá, không chấp nhận những doanh nghiệp thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm xã hội. Về công tác hậu kiểm, trong quá trình doanh nghiệp làm ăn, các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh và những đơn vị liên quan cần phát hiện được những vấn đề, yếu tố bất thường để kiểm soát. Đặc biệt, cần lưu ý những doanh nghiệp mà hầu hết tài sản của doanh nghiệp được hình thành bằng cách đi thuê lại.
Trong quá trình doanh nghiệp đang hoạt động, các cơ quan chức năng cần phát hiện được những yếu tố không bình thường để đưa ra những giải pháp xử lý, như: doanh nghiệp thu gom tài sản, bán tài sản, chuyển tài sản đi nước ngoài. Thậm chí, cần có những quy định, chế tài sớm trong việc hạn chế xuất cảnh đối với một số chủ doanh nghiệp khi doanh nghiệp đang có những biểu hiện bất thường…
* Nâng cao kiến thức, nhận thức pháp luật của người lao động
Qua vụ việc của Công ty TNHH KL Texwell Vina cho thấy nhận thức về pháp luật của người lao động còn rất hạn chế. Vậy, phải làm gì để những chính sách, pháp luật đến gần với người lao động, tránh bị kích động, lôi kéo bởi những thế lực xấu?
- Việc đầu tiên là tổ chức Công đoàn cần đi khảo sát để đánh giá nhu cầu của người lao động ở từng doanh nghiệp.
Tiếp đó, cần hình thành mạng lưới, phương thức tư vấn. Bởi mỗi lao động có mỗi kênh để tiếp cận chính sách pháp luật khác nhau. Có người thông qua mạng xã hội, có người đến tại văn phòng tư vấn pháp luật, có người lại tìm hiểu pháp luật thông qua bạn bè, đồng nghiệp có hiểu biết về pháp luật.
Thứ ba, cần phải định hình sớm những vấn đề mà người lao động quan tâm để tuyên truyền và cung cấp cho họ. Khi tuyên truyền, cần cung cấp kiến thức có nội dung dễ hiểu, gần gũi với nhận thức, hiểu biết của người lao động; đưa ra những phương hướng, giải pháp, hành vi ứng xử để người lao động áp dụng trong những trường hợp tương tự.
Tôi cũng rất quan tâm đến việc pháp luật phải đến được tận nơi ở, xưởng sản xuất của người lao động thông qua đội ngũ công nhân nòng cốt. Cùng với đó, các cấp Công đoàn cần tăng cường tuyên truyền qua báo chí, truyền hình, pa-nô, áp-phích… để người lao động hiểu được hiểu biết pháp luật là cần thiết, là công cụ để bảo vệ quyền lợi cho mình, đồng thời biết cách ứng xử phù hợp, để họ sống, làm việc tốt hơn.
Facebook đang là phương tiện lan truyền thông tin rất nhanh. Ở Đồng Nai cũng có Fanpage riêng của Liên đoàn Lao động tỉnh để tương tác với người lao động. Ông có lời khuyên gì cho các cấp Công đoàn khi tiến hành tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật trên Facebook?
- Facebook cơ bản mang lại lợi ích cho con người, là phương tiện có sức lan tỏa nhanh. Đối tượng tiếp cận hầu như không giới hạn. Các cơ quan liên quan khi cung cấp thông tin phải đảm bảo một số yêu cầu, như: Tiếp cận những vấn đề chính thống. Những quan điểm nêu ra phải rõ ràng, giải thích cặn kẽ để người lao động hiểu vấn đề. Thông tin đưa ra phải có yêu cầu cao về tính chính xác, có hiệu lực, còn hiệu lực.
Một thông tin nhầm có thể gây ra hiểu nhầm. Một diễn đạt không tường minh có thể dẫn đến những hành vi và hậu quả không có ích cho người lao động và xã hội. Ngoài ra, phải thường xuyên, cập nhật, thân thiện trong giao tiếp trên mạng xã hội để công nhân khi tiếp cận cảm thấy tổ chức Công đoàn đang chia sẻ, đang đồng hành với họ. Thông tin được đăng tải phải hết sức kịp thời khi người lao động có những trăn trở, kịp thời để người lao động biết được điều nào nên làm, điều nào không nên làm trong thời điểm đó.
Ông đánh giá như thế nào về hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động tại Đồng Nai?
- Đồng Nai là địa phương thực hiện công tác này khá tốt. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì cần phải nỗ lực và đầu tư nhiều hơn nữa. Người lao động cần được tư vấn rất nhiều về nội dung, nhưng hình thức tư vấn cũng cần được phong phú, thuận lợi, hiện đại, thân thiện hơn để tất cả mọi người đều tiếp cận được.
Theo chỉ đạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và sự quan tâm của tỉnh, tôi mong thời gian tới, công tác này tại Đồng Nai sẽ được đưa vào nề nếp hơn. Trong đó, việc phong phú hóa hình thức và đầu tư hơn nữa cho Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn là giải pháp cần được thực hiện mạnh mẽ.
Xin cảm ơn ông!
Hạnh Dung (thực hiện)