TS.Vũ Minh Tâm, giảng viên Viện Đào tạo sau đại học Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh được nhiều người biết đến vì ông là người rất tâm huyết với việc giảng dạy, tham gia đào tạo, hướng dẫn nhiều học viên trở thành thạc sĩ, tiến sĩ.
TS.Vũ Minh Tâm, giảng viên Viện Đào tạo sau đại học Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh được nhiều người biết đến vì ông là người rất tâm huyết với việc giảng dạy, tham gia đào tạo, hướng dẫn nhiều học viên trở thành thạc sĩ, tiến sĩ. Theo ông, nếu có cơ hội nên học cao học nhưng phải chọn lựa cho phù hợp mới phát huy được khả năng.
TS.Vũ Minh Tâm là người sinh ra và lớn lên tại TP.Biên Hòa. Sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ, ông tập trung vào nghiên cứu và giảng dạy tại TP.Hồ Chí Minh, nhưng ông vẫn thường xuyên đi về Biên Hòa. Ông luôn sẵn sàng tham gia góp ý, phản biện cho những dự án liên quan đến phát triển kinh tế, dịch vụ, làng nghề tại Đồng Nai.
* Tiến sĩ nên nghiên cứu và giảng dạy
Ông nghĩ sao về việc những năm gần đây dư luận tỏ ra băn khoăn với phong trào đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ồ ạt và có những trường mới chỉ quan tâm đến số lượng?
- Theo tôi, nếu có điều kiện để học tập nâng cao trình độ nhận thức sẽ rất tốt cho công việc, tuy nhiên đó phải là học thực chất chứ không phải chạy theo bằng cấp. Những năm gần đây có nhiều trường, viện trong nước đã đào tạo sau đại học cho những người có nhu cầu trở thành thạc sĩ, tiến sĩ và số người theo học cũng khá đông. Trong đó, cũng có những trường, viện còn chạy theo số lượng, chưa thực sự bảo đảm được chất lượng đầu ra. Thế nhưng, người có nhu cầu học có thể chọn những trường có uy tín. Trong quá trình học tất nhiên cũng có người học tốt, người học qua loa, đối phó nhưng nếu các trường siết chặt đầu ra thì vẫn có những thạc sĩ, tiến sĩ có thực lực thật sự.
Theo ông, có nên ngành nghề nào cũng phải có bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ mới làm tốt công việc?
- Như tôi đã nhấn mạnh ở trên là nếu có điều kiện nên học tiếp để nâng cao trình độ, nghiệp vụ sẽ tốt hơn cho công việc. Nhưng phải phân ra làm 2 loại: cao học về ứng dụng và cao học theo hướng hàn lâm. Những người có dự định học để làm tốt công tác quản lý và công việc đang làm liên quan đến kỹ thuật thì nên chọn cao học ứng dụng để giúp ích cho công việc. Trường hợp muốn học để nghiên cứu thì nên chọn cao học theo hướng hàn lâm, sau đó có thể làm nghiên cứu sinh. Học cao học, nghiên cứu sinh theo hướng hàn lâm nên làm công tác nghiên cứu, giảng dạy sẽ đóng góp được nhiều hơn, còn làm các ngành nghề khác sẽ rất lãng phí.
Ông đã từng tham gia góp ý, phản biện cho nhiều dự án về phát triển kinh tế của Đồng Nai. Theo ông, đô thị Biên Hòa nên quy hoạch phát triển theo hướng nào để tạo điểm nhấn mà vẫn giữ được những nét truyền thống của vùng đất có lịch sử 320 năm?
- Tôi không chuyên về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, nhưng là người dân của Biên Hòa tôi mong muốn quy hoạch và phát triển vùng đất này vẫn luôn giữ được những nét truyền thống nhưng không xung đột với phát triển kinh tế. TP.Biên Hòa có sông Đồng Nai chảy qua, quá trình phát triển đô thị nên chọn dọc theo 2 bên bờ sông làm những điểm nhấn sẽ tạo được những nét hài hòa. Trong đó chú ý lưu giữ và phát triển những nghề truyền thống của Biên Hòa vì gắn với các giá trị văn hóa và quá trình phát triển của vùng đất này.
* Muốn giữ nghề gốm phải thay đổi
Mới đây, ông có nghiên cứu và góp ý cho việc bảo tồn và phát triển nghề gốm của Biên Hòa. Theo ông, phải làm sao để giữ lại nghề truyền thống nổi tiếng đang mai một?
- Gốm mỹ nghệ Đồng Nai có một quá trình phát triển lâu dài và là một trong những sản phẩm truyền thống tạo nên thương hiệu cho Đồng Nai. Sản xuất gốm tạo nên khối lượng lớn công việc cho người lao động và đóng góp tích cực cho những chỉ tiêu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Nhưng những năm gần đây, sản xuất gốm của Đồng Nai có sự giảm sút lớn so với tỉnh Bình Dương dẫn đến thị trường nội địa, xuất khẩu bị thu hẹp dần. Nguyên nhân chính là do công nghệ của các cơ sở còn lạc hậu đẩy giá thành sản phẩm lên cao việc cạnh tranh khó khăn hơn. Vì thế, theo tôi muốn giữ được nghề gốm và phát triển phải đưa những công nghệ mới vào sản xuất để sản phẩm làm ra tinh xảo hơn mà tiết kiệm được nhiều chi phí, hạ giá thành sẽ tăng được sức cạnh tranh. Gốm Đồng Nai đã có sẵn thương hiệu được nhiều người trong nước và thế giới biết đến nên khi có sản phẩm đẹp, giá cạnh tranh rất dễ mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đồng Nai có rất nhiều nghề truyền thống khá nổi tiếng, sản phẩm làm ra từng được thị trường trong nước, xuất khẩu rất ưa chuộng. Thế nhưng qua thời gian có nhiều nghề đang dần mai một vì sức cạnh tranh yếu. Muốn bảo tồn và phát triển bền vững nghề truyền thống thì địa phương phải có quy hoạch, hỗ trợ để duy trì và phát triển. Về phía các cơ sở cũng phải nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để sản phẩm làm ra vẫn đảm bảo chất lượng nhưng tăng năng suất, giảm giá thành mới trụ vững được. |
Sản xuất gốm của Đồng Nai đang yếu nhất ở công đoạn nào và phải cải tiến ra sao để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành?
- Tôi đã nghiên cứu về nghề gốm Đồng Nai và một số nơi khác để có sự so sánh, tìm ra những điểm hạn chế khiến nghề này đang dần thu hẹp. Một trong những hạn chế chính của gốm Đồng Nai đã đẩy giá thành lên cao là công nghệ tạo hình sản phẩm. Hiện công đoạn tạo hình của các cơ sở gốm tại Đồng Nai vẫn dùng phương pháp rót. Phương pháp này đòi hỏi mặt bằng sản xuất phải lớn, lệ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Đây là công đoạn đầu tiên quyết định năng suất chung của toàn bộ dây chuyền sản xuất, khối lượng, chất lượng sản phẩm làm ra. Vì vậy vào mùa mưa sẽ làm chậm lại tiến độ, năng suất và tỷ lệ hao hụt cao. Đồng thời, chi phí cho khuôn mẫu của phương pháp này rất tốn kém cho nên các cơ sở có thể chuyển qua tạo hình bằng phương pháp xoay sẽ khắc phục được các hạn chế trên, giảm nhiều chi phí đầu tư ban đầu.
Đồng Nai đang tiến hành di dời các cơ sở gốm vào cụm công nghiệp, song vẫn có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Một bên cho rằng nên di dời vào cụm công nghiệp, bên cho rằng những nghề truyền thống nên để nguyên ở các khu dân cư sẽ phát triển thêm được du lịch làng nghề. Ông ủng hộ luồng ý kiến nào?
- Tôi từng tham gia nghiên cứu, tìm hiểu về phát triển làng nghề ở Việt Nam và một số nước trên thế giới thì thấy rằng quy hoạch cụm công nghiệp và di dời các cơ sở sản xuất gốm sứ vào đó để hoạt động là thích hợp nhất. Như vậy sẽ đáp ứng được mục tiêu kết hợp giữa chiến lược phát triển đô thị và kiến tạo nền tảng phát triển bền vững cho một ngành nghề truyền thống của địa phương. Các cơ sở gốm vào cụm công nghiệp có thể yên tâm đầu tư nhà xưởng, máy móc để hoạt động lâu dài. Khách hàng khi đến giao dịch thấy được tính chuyên nghiệp, năng lực sản xuất, cung ứng sẽ tin cậy và yên tâm ký kết các đơn đặt hàng lớn. Các thị trường đang nhập khẩu gốm của Đồng Nai ngày càng đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm. Ngoài đẹp, giá cạnh tranh thì đáp ứng các yêu cầu về điều kiện lao động, môi trường, nhà xưởng... Những yếu tố trên chỉ có vào cụm công nghiệp dễ dàng đáp ứng được.
Khi vào cụm công nghiệp vẫn có thể phát triển được du lịch, vì cái du khách thích thú khám phá là các công đoạn trong sản xuất gốm của Đồng Nai.
Những làng nghề truyền thống có nên liên kết phát triển theo hướng công nghiệp, mỗi cơ sở làm một vài công đoạn sau đó hoàn thiện sản phẩm để chất lượng đồng nhất và có số lượng lớn cung ứng cho thị trường trong nước, xuất khẩu?
- Để các làng nghề sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì việc liên kết để mỗi cơ sở chuyên làm một vài công đoạn sẽ thuận lợi hơn, dễ dàng chuyên sâu tăng năng suất, chất lượng. Nghề gốm Đồng Nai có thể bảo tồn và phát triển theo hướng công nghiệp và chuyên môn hóa các công đoạn. Cụ thể như công đoạn tạo hình sản phẩm gốm có thể xây dựng một đơn vị chuyên sản xuất, cung cấp sản phẩm tạo hình cho toàn bộ chuỗi cung ứng gốm mỹ nghệ của địa phương, như vậy sẽ chuyên nghiệp hơn và có thể lựa chọn ra đội ngũ tay nghề cao cùng làm việc nghiên cứu đưa ra những mẫu mã đặc sắc. Như các công đoạn khác cũng tương tự vậy.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)