Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam

07:02, 24/02/2018

Theo ông Võ Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Hiệp hội Bông Hoa Kỳ (CCI) tại Việt Nam, những năm gần đây, Hoa Kỳ trở thành thị trường mà các doanh nghiệp dệt may nhập khẩu bông lớn nhất.

Theo ông Võ Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Hiệp hội Bông Hoa Kỳ (CCI) tại Việt Nam, những năm gần đây, Hoa Kỳ trở thành thị trường mà các doanh nghiệp dệt may nhập khẩu bông lớn nhất. Doanh nghiệp nhập khẩu bông từ thị trường này sẽ thuận lợi hơn nhiều khi xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ cũng như các thị trường khác.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2017 Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn bông với kim ngạch 2,4 tỷ USD. Trong đó lượng bông nhập khẩu từ thị trường Mỹ chiếm trên 50%. Đây cũng là thị trường xuất khẩu sản phẩm dệt may lớn nhất của Việt Nam.

* THỊ TRƯỜNG LỚN CỦA NHAU

 Nhiều năm đại diện cho CCI tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về ngành dệt may trong nước?

- Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may lớn của thế giới và kim ngạch mỗi năm không ngừng tăng, do đó nhu cầu về nhập khẩu bông để sản xuất sợi phục vụ cho dệt và may mặc rất lớn. Những năm gần đây, hơn 99% sản lượng bông dùng để kéo sợi phải nhập khẩu từ các nước như: Ấn Độ, Australia, Hoa Kỳ... Cụ thể, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 1 triệu tấn bông và sản lượng bông nhập khẩu mỗi năm đều tăng khá cao. Năm 2016, Việt Nam chỉ chi hơn 1,66 tỷ USD để nhập khẩu bông thì năm 2017 đã tăng lên 2,4 tỷ USD.

Dự tính năm 2018, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ đạt 34-34,5 tỷ USD, tăng 3-3,5 tỷ USD so với năm 2017, như vậy đồng nghĩa với nhập khẩu bông của các doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp tục tăng khá cao về sản lượng. Ngành dệt may của Việt Nam khá phát triển và được đánh giá cao trên thị trường quốc tế cả về chất lượng lẫn tính chuyên nghiệp.

Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành nhập khẩu bông lớn nhất của Việt Nam và cũng là tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước về xuất khẩu dệt may. Năm 2017, Đồng Nai đã nhập khẩu hơn 334,1 ngàn tấn bông với kim ngạch khoảng 607 triệu USD, chiếm gần 30% sản lượng bông nhập khẩu của cả nước. Trong đó gần 60% sản lượng bông của Đồng Nai nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp Đồng Nai đã nhập khẩu khoảng 71 ngàn tấn bông với giá trị 131,3 triệu USD. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Đồng Nai.

Hơn 50% sản lượng bông nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ. Nhập khẩu bông từ thị trường này, doanh nghiệp có những thuận lợi gì?

- Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, song đây cũng là thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhiều bông nhất với hơn 660 ngàn tấn/năm. Bông nhập khẩu từ Hoa Kỳ có thuận lợi là nguồn gốc rõ ràng, chất lượng ổn định và doanh nghiệp nước này luôn giữ chữ tín. Khi giá bông lên cao,  các doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn giao hàng đúng theo hợp đồng. Do đó, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng mua bông với các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể yên tâm về chất lượng, số lượng và thời hạn giao hàng.

Vì thế, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp ngành xơ, sợi dệt Việt Nam chuyển sang nhập khẩu bông từ Hoa Kỳ. Nguồn gốc, chất lượng bông Hoa Kỳ rõ ràng nên các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sản xuất thành sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác rất thuận lợi.

 Việt Nam có phải là thị trường xuất khẩu bông lớn của Hoa Kỳ?

- CCI rất xem trọng thị trường Việt Nam vì đây là thị trường xuất khẩu lớn chiếm hơn 25% tổng sản lượng bông xuất khẩu của Hoa Kỳ. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu khoảng 660 ngàn tấn bông từ Hoa Kỳ và dự kiến năm 2018 nhập khẩu sẽ tăng thêm hơn 10%. CCI đang tiếp tục mở rộng xuất khẩu bông vào Việt Nam do đây là thị trường có nhiều tiềm năng và mức tăng trưởng mỗi năm khá cao.

Hiện Hoa Kỳ đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu bông. Mỗi năm nhu cầu nhập khẩu bông của Việt Nam đều tăng và các doanh nghiệp trong nước có xu hướng chọn nguồn nguyên liệu từ Hoa Kỳ vì an tâm về chất lượng hơn.

 Giá bông của Hoa Kỳ có cạnh tranh so với các nước nước có xuất khẩu bông lớn?

- So với những nước có xuất khẩu bông lớn như: Ấn Độ, Australia, Brasil, Bờ Biển Ngà thì giá bông của Hoa Kỳ khá cạnh tranh nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tăng nhập khẩu bông từ Hoa Kỳ. Việt Nam đang nhập khẩu bông từ 10 nước trên thế giới, nhưng riêng bông nhập từ Hoa Kỳ chiếm trên 50%. Bông là nguyên liệu để sản xuất sợi cô-tông cung ứng cho ngành dệt may trong nước và xuất khẩu. Việt Nam hiện là nước có xuất khẩu may mặc đứng thứ 5 trên thế giới và hàng may mặc đem lại kim ngạch lớn thứ 2 trong các mặt hàng xuất khẩu và luôn giữ được mức tăng trưởng cao trong 5 năm qua.

Xuất khẩu dệt may tăng kéo theo nhu cầu về bông làm nguyên liệu tăng bình quân khoảng 20%/năm. Cụ thể năm 2016, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,020 triệu tấn bông, thì năm 2017 tăng lên gần 1,2 triệu tấn bông. Việt Nam cùng với Bangladesh và Trung Quốc là 3 nước nhập khẩu bông lớn nhất thế giới.

* ƯU ĐÃI CHO DỆT MAY

 CCI có những chính sách ưu đãi gì riêng cho Việt Nam, một thị trường nhập khẩu bông lớn?

- Việt Nam là thị trường nhập khẩu bông lớn nhiều tiềm năng nên CCI rất chú ý trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về thủ tục giao nhận hàng, rút ngắn thời gian, chi phí. Năm 2017, lần đầu tiên CCI đã tổ chức ngày hội cô-tông tại Việt Nam nhằm giới thiệu bông Hoa Kỳ cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, những chính sách, thủ tục trong việc xuất nhập. Đồng thời khi gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao nhận hàng có thể liên hệ với những đơn vị nào để được hỗ trợ nhanh nhất.

Bên cạnh đó, CCI còn hỗ trợ cho các hãng thời trang của Việt Nam có sử dụng sợi
cô-tông có nguồn gốc từ bông Hoa Kỳ trong việc thiết kế, quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Những chính sách trên sẽ được tiếp tục duy trì và mở rộng để giúp ngành dệt may Việt Nam phát triển.

 Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp mong muốn có được khu kho ngoại quan để bông Hoa Kỳ về Việt Nam nhanh và thuận lợi hơn. Việc này CCI và Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã hỗ trợ thực hiện như thế nào?

- Ngay sau khi có những kiến nghị của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam về vấn đề này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và CCI đã phối hợp kiến nghị Chính phủ để sớm thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nhập khẩu bông. Tôi nghĩ điều này sẽ được triển khai trong thời gian tới, vì tạo điều kiện cho ngành dệt may Việt Nam tiếp cận nhanh nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho ngành.

 Đồng Nai nhập khẩu bông rất lớn để phục vụ cho ngành dệt may, những doanh nghiệp muốn chuyển sang nhập khẩu bông từ Hoa Kỳ cần liên hệ với cơ quan nào sẽ được hỗ trợ nhanh về thủ tục?

- CCI có văn phòng đại diện tại Việt Nam nên khi doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu các chính sách hoặc đối tác để nhập khẩu có thể liên hệ trực tiếp. CCI là tổ chức phi lợi nhuận, đại diện cho toàn bộ 7 phân khúc trong ngành bông Hoa Kỳ, có khoảng 20 văn phòng đại diện với phạm vi hoạt động tại 50 quốc gia trên toàn thế giới. Hoa Kỳ là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về sản lượng bông, nhưng dẫn đầu về xuất khẩu mặt hàng này. Nhập khẩu bông từ Hoa Kỳ sản phẩm dệt may có nguồn gốc nguyên liệu từ nước này xuất khẩu vào thị trường trên sẽ dễ dàng hơn.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều