Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôi muốn kể những câu chuyện đời thường dung dị của riêng mình

07:12, 16/12/2017

Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam năm 2017 (VN-17) kết thúc và mang đến tin vui lớn cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Viết Đồng là chiếc huy chương vàng danh giá của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (đề tài Cuộc sống đời thường) dành cho tác phẩm Từ Tâm.

Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam năm 2017 (VN-17) kết thúc và mang đến tin vui lớn cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Viết Đồng là chiếc huy chương vàng danh giá của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (đề tài Cuộc sống đời thường) dành cho tác phẩm Từ Tâm. Ông cũng vừa được trao giải A Giải thưởng văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức vừa qua với chùm tác phẩm Phẫu thuật nội soi, Xét nghiệm máu, Dạy cháu tập đọc, Truy đuổi, Hỏa lực trên không.

Hơn nửa thế kỷ gắn với ống kính, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Viết Đồng là một trong những tên tuổi có duyên với giải thưởng nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Ông đã đạt trên 30 giải thưởng lớn nhỏ, nhiều ảnh được triển lãm trong và ngoài nước. Với ông, danh xưng “nhiếp ảnh gia” không quan trọng và không phải tự thân người nghệ sĩ tự đặt ra, cái quan trọng là họ “kể” được những câu chuyện gì qua những bức ảnh của mình.

* Người Mê ống kính

 Ông đến với nhiếp ảnh ra sao và vì sao lại chọn đeo đuổi nhiếp ảnh?

- Tôi mê mẩn nhiếp ảnh từ khi học chương trình quang học vật lý phổ thông, trong đó có phần thấu kính. Sau đó, qua quá trình tìm tòi, đọc các sách về nhiếp ảnh, niềm đam mê nhiếp ảnh trong tôi ngày càng lớn, tôi bắt đầu chụp những bức ảnh đầu tiên.

 Trước đây, nhiếp ảnh là một bộ môn tốn kém và... khó thu lời, vì sao ông vẫn gắn bó? Những kỷ niệm nào ông nhớ nhất về thời khó khăn đó?

- Lúc mới chập chững vào nghề, tôi thường nhịn ăn sáng lấy tiền mua phim và rửa ảnh, làm quen các cửa hàng ảnh để “học lỏm”. Sau đó để “thực hành”, tôi chủ động mượn máy ảnh của những người thân quen để thỏa niềm yêu thích chụp ảnh. Cũng không biết thuyết phục thế nào mà tôi mượn được máy ảnh, chắc có thể lúc đó tôi “dẻo miệng” hay sao đó. Tôi thường thích lang thang chụp ảnh về cuộc sống đời thường, sau đó gửi đăng báo vừa để có thêm tiền “cà phê cà pháo”, vừa để thỏa mãn đam mê chụp ảnh

Sau này, tôi tốt nghiệp cử nhân triết Đại học Văn khoa (nay là Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn - Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Tôi từng đi dạy học và làm đủ nghề để mưu sinh, từ làm nông, trang trí quán cà phê rồi làm thợ mộc trong suốt 10 năm (1979-1989). Quãng thời gian này giúp tôi chiêm nghiệm và suy nghĩ về cuộc sống rất nhiều.

 Chiếc máy ảnh nào gắn bó với ông sâu sắc nhất trong nghề? Và giải thưởng đầu tiên ông có?

Điều một nhiếp ảnh gia cần có là luôn có một “hậu phương” biết lắng nghe, chia sẻ và chấp nhận sự “hay đi” của mình. May mắn cho tôi là vợ, con luôn hiểu và ủng hộ tôi trong suốt sự nghiệp và cuộc sống gắn liền với những chuyến đi, những tấm ảnh của tôi. Đó chính là động lực và niềm tin để tôi thỏa sức sáng tạo, tìm tòi và bấm máy những khoảnh khắc của cuộc sống mà tôi tâm đắc.

- Trong suốt quá trình đó, tôi tích góp mua được một cái máy ảnh Pratica của Liên Xô. Sau thời gian chụp ảnh kiếm thêm thu nhập bằng các dịch vụ đám cưới, các dịp lễ tết tôi quyết định bỏ nghề mộc để chuyển hẳn sang mở một tiệm ảnh nhỏ tại khuôn viên Nhà văn hóa Long Khánh vào năm 1990. Lúc đó tôi cũng chưa có khái niệm về chụp ảnh nghệ thuật, đến khi cửa hàng đi vào hoạt động ổn định thì cảm hứng thích cái đẹp trong tôi trỗi dậy. Mỗi lúc rảnh, tôi thường vác máy đi chụp tất cả những gì mình thích trong cuộc sống, từ hoa cỏ đến những hoạt động diễn ra thường nhật của cuộc sống. Sau đó, tôi gửi ảnh đi thi và do duyên số thế nào không biết mà những bức ảnh tôi đoạt giải.

Giải thưởng lớn đầu tiên và tôi nhớ nhất là giải thưởng của bức ảnh mang tên Đồng Tâm, tôi chụp khi các công nhân đang thi công bồn nước của Khu công nghiệp Long Khánh vào đầu năm 1990. Bức ảnh đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác ảnh của Đồng Nai vào năm đó, sau đó còn đoạt thêm huy chương vàng cuộc thi ảnh 8 tỉnh miền Đông. Điều này khiến tôi càng phấn khích và ngày càng đam mê với bộ môn nhiếp ảnh.

 Nhiều người cho rằng với máy móc kỹ thuật cao như hiện tại, việc chụp 1 bức ảnh đẹp là... quá dễ. Vậy theo ông, điều gì làm nên sự khác biệt giữa một người chụp ảnh thông thường và một nhiếp ảnh gia?

- Trước đây khi chụp bằng phim, người chụp phải đảm bảo cân chỉnh tất cả các yếu tố kỹ thuật từ việc căn sáng tối, điều chỉnh tốc độ màn chập đến kỹ thuật chụp phim, tráng phim. Bởi nếu sơ ý khi tráng phim bị hư thì tất cả những gì mình chụp được coi như đổ sông đổ biển. Phim phải rọi phóng ra ảnh mới biết được ảnh đẹp hay xấu. Tuy công việc cực nhọc nhưng nếu có được một bức ảnh đẹp, ưng ý thì mình sướng lắm (cười).

Bây giờ, nhờ công nghệ phát triển, anh em chụp ảnh có thể chụp hàng loạt nên có lợi thế là bắt được khoảnh khắc tốt hơn thay vì như trước đây chỉ bấm máy được 1-2 lần là cùng vì không chịu nổi chi phí mua phim. Thời đại số ngày càng phát triển, nhất là các dòng điện thoại thông minh ngày càng tích hợp khả năng chụp ảnh chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo tôi để có một tấm ảnh có chiều sâu, mang đậm tính khoảnh khắc thì điện thoại thông minh vẫn còn chậm hơn so với máy ảnh chuyên dụng. Những người có tâm hồn thì vẫn có thể bắt khoảnh khắc, nhưng để chụp chuyên nghiệp bằng điện thoại thông minh thì chắc cần có thêm thời gian nữa.

Với tôi, ảnh nghệ thuật là môn chơi về ánh sáng và bố cục, đường nét là những cái riêng của nghệ thuật, đánh giá tầm nhìn của người cầm máy.

* Danh xưng không quan trọng

 Những đề tài ông quan tâm thường gắn với cuộc sống đời thường dung dị. Ông có quan tâm đến những lĩnh vực khác?

Tác phẩm Đồng Tâm của nhiếp ảnh gia Bùi Viết Đồng từng đoạt huy chương vàng cuộc thi ảnh 8 tỉnh miền Đông năm 1991.
Tác phẩm Đồng Tâm của nhiếp ảnh gia Bùi Viết Đồng từng đoạt huy chương vàng cuộc thi ảnh 8 tỉnh miền Đông năm 1991.

- Tôi thường thích chụp ảnh đời thường, chưa thực sự muốn đi theo một khuynh hướng rõ ràng kiểu như: chụp tĩnh vật, chụp phong cảnh… Tôi chụp theo cảm hứng, đặc biệt thích chụp những hình ảnh mang tính dân sinh, thể hiện sắc thái, tình cảm giữa người với người. Với tôi cảm xúc, khoảnh khắc của nhân vật trong ảnh là quan trọng nhất. Mấy chục năm theo nghề, điều tôi muốn cũng chỉ đơn giản là kể lại những câu chuyện đời thường, dung dị qua góc máy của riêng mình.

 Hiện tại, danh xưng “nhiếp ảnh gia” quá phổ biến và được cộng đồng “xưng tụng” rất dễ dãi, ông có thấy thế không? Suy nghĩ của ông thế nào về điều này?

- Không có tước hiệu nhiếp ảnh gia. Anh em trong giới thấy ai chụp ảnh đẹp, tốt thì gọi nhau bằng danh xưng nhiếp ảnh gia thôi. Không ai tự xưng mình là nhiếp ảnh gia cả, danh xưng này do xã hội, cộng đồng công nhận nếu tác giả thực sự có những tấm ảnh tốt. Với người nghệ sĩ nhiếp ảnh có đam mê thực sự, tôi nghĩ danh xưng là gì không quan trọng, quan trọng là mình làm gì, kể được những câu chuyện gì cho khán giả, cho cuộc sống thông qua tác phẩm của mình.

  Ông có thần tượng trong nghề không? Với nghệ sĩ nhiếp ảnh, sự đầu tư và tự học quan trọng đến mức nào?

- Tôi thần tượng những nghệ sĩ nhiếp ảnh thời xưa, nhất là một số nghệ sĩ chụp ảnh về đề tài chiến tranh. Với tôi, nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn luôn phải trau dồi, học hỏi hàng ngày. Bản thân tôi khi vào nghề nhiếp ảnh cũng hoàn toàn tự học. Cái gì mình không biết thì đọc sách, nay thì có thêm mạng internet. Đọc một lần chưa hiểu thì đọc nhiều lần rồi cũng sẽ hiểu được. Đặc biệt khi tự mày mò, tìm hiểu thì mình ngộ ra những cái sai, đặt ra những tình huống và luôn trong tâm thế sẵn sàng, chủ động tìm cách sửa chữa lỗi sai đó.

Hơn thế nữa, muốn có được những tấm ảnh ưng ý, người chụp cần phải đi thật nhiều, hiểu rõ bối cảnh, câu chuyện mà mình muốn hướng tới và thu nạp những vốn sống, kỷ niệm trong suốt những chuyến đi “săn” ảnh đó. Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi là những chuyến đi “săn” ảnh đầu tiên cùng với câu lạc bộ ảnh của Long Khánh vào những năm 1995-1998, được đến khắp mọi vùng miền, được sát cánh, trao đổi với nhau trên suốt những cung đường, những nơi xa xôi hẻo lánh...

 Xin cảm ơn ông!

Vi Lâm - Hải Quân (thực hiện)

Tin xem nhiều