Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ sĩ cần có trách nhiệm với cuộc sống xung quanh

07:12, 02/12/2017

Họa sĩ Phạm Công Hoàng là một tên tuổi quen thuộc trong giới văn hóa - nghệ thuật tại Đồng Nai với vai trò giảng viên Khoa Điêu khắc - gốm Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Trưởng ban Mỹ thuật Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai.

Họa sĩ Phạm Công Hoàng là một tên tuổi quen thuộc trong giới văn hóa - nghệ thuật tại Đồng Nai với vai trò giảng viên Khoa Điêu khắc - gốm Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Trưởng ban Mỹ thuật Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai.

Nói về việc tại sao chú ý đến các đề tài nóng của đời sống, ông cho rằng, vượt lên trên những đề tài cá nhân, người nghệ sĩ phải thể hiện trách nhiệm của mình bằng các đề tài của cuộc sống xung quanh thông qua sáng tác.

* Sáng tạo ở nghề nào cũng khó

 Vì sao ông chọn đeo đuổi nghệ thuật điêu khắc mà không phải là hội họa - ngành ông đã từng học?

- Từ nhỏ tôi đã thích mỹ thuật, cũng có chút năng khiếu vẽ vời nên sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi thi vào Trường đại học mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh hệ trung cấp. Thời điểm đó, đất nước đang thời bao cấp, nhiều khó khăn nên tôi chỉ dám thi vào hệ trung cấp học 3 năm để đỡ gánh nặng cho gia đình, và biết khả năng mỹ thuật của mình chỉ đến đó. Tốt nghiệp trung cấp xong thì học tiếp đại học 5 năm vì bấy giờ hoàn cảnh gia đình đã “dễ thở” hơn. Vậy nên tôi có 8 năm học tại Trường đại học mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Năm 1987, tôi tốt nghiệp xong thì đi làm khoảng 10 năm, chủ yếu là vẽ mẫu lên gốm, sơn mài... cho các hợp tác xã thủ công mỹ nghệ. Đến khoảng năm 2000, tôi về Đồng Nai, giảng dạy tại Trường cao đẳng mỹ thuật Đồng Nai và gắn bó với Đồng Nai cho đến nay.

 Hiểu biết chung của công chúng về nghệ thuật điêu khắc không nhiều. So với hội họa, điêu khắc khó hơn hay dễ hơn?

- Thật sự ngành nào cũng có những khó khăn riêng, nhưng điêu khắc thì nặng nhọc hơn một chút do có những chất liệu khi thực hiện tác phẩm cần đến thể lực, như: đất sét, đá, tôn, đồng, gỗ... Riêng về tính sáng tạo thì tôi nghĩ lĩnh vực nào cũng khó, không chỉ hội họa hay điêu khắc mà âm nhạc, văn chương, điện ảnh... cũng khó không kém.

 Điêu khắc có gì cuốn hút ông trong việc thể hiện ý tưởng sáng tạo của mình. Vì sao ông chọn điêu khắc thay vì hội họa đã được đào tạo bài bản?

- Ban đầu khi học hệ trung cấp, tôi học hội họa. Nhưng sau vì tôi thích hình khối, thích làm việc với nhiều chất liệu khác nhau nên khi học lên đại học, tôi chọn ngành điêu khắc. Tôi thích sự mạnh mẽ trong các tác phẩm điêu khắc, thích được thể hiện ý tưởng một cách đa dạng trên nhiều chất liệu khác nhau, vì mỗi một chất liệu lại cho người họa sĩ những cảm nhận và sự sáng tạo khác nhau, ấn tượng đối với người xem cũng sẽ khác nhau nhiều tùy vào chất liệu.

 Người nghệ sĩ điêu khắc có dễ dàng nhìn ra và chuyển tải một câu chuyện nào đó thông qua chất liệu?

- Thật sự thì muốn thưởng thức hoặc hiểu về mỹ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng, có lẽ cần phải có một số hiểu biết nhất định về lĩnh vực này, bởi điêu khắc không quá phổ quát như âm nhạc, thơ văn... Thêm nữa, cuộc sống đời thường thì điêu khắc cũng không ứng dụng nhiều quá. Đây cũng là cái khó cho người họa sĩ vì lượng công chúng sẽ không quá nhiều, quá phổ quát. Vào thời đất nước mới giải phóng, hội họa và điêu khắc thường theo trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa, tả thực nhiều hơn nên khán giả nắm bắt có phần dễ dàng. Nhưng khi đất nước mở cửa, nhiều trường phái du nhập nhiều hơn, như: trừu tượng, ấn tượng, lập thể... do đó có thể khó hiểu hơn một chút đối với người xem. Mặc dù vậy, cũng không nên quá băn khoăn về việc mình có hiểu đúng chính xác những gì người nghệ sĩ muốn chuyển tải thông qua một tác phẩm điêu khắc hay không. Bởi khi thực hiện, nghệ sĩ chấp nhận mọi cảm nhận và cách hiểu đa chiều của khán giả.

 Công chúng của loại hình nghệ thuật điêu khắc “hẹp” hơn và ít hơn so với các bộ môn nghệ thuật khác?

- Có lẽ vậy. Chúng tôi khi làm các tác phẩm trưng bày ở nơi công cộng, như các tượng đài chẳng hạn, sẽ cố gắng làm cho tác phẩm có nhiều nét phổ quát, dễ hiểu và dễ nắm bắt hơn. Tuy nhiên với những tác phẩm thuộc về các triển lãm cá nhân hay những tác phẩm chuyên biệt hơn của ngành thì phải chấp nhận lượng khán giả tìm đến sẽ ít ỏi, ít hơn nhiều so với một show ca nhạc chẳng hạn.

 Cơ hội để một nhà điêu khắc trở nên nổi tiếng và có tên tuổi trong ngành điêu khắc tại Việt Nam là lớn hay nhỏ? So với thế giới thì làm nghề tại Việt Nam có quá khó khăn?

- Hiện thời, điểm thuận lợi là chúng ta có “thế giới phẳng” vì đã có internet. Chúng ta dễ dàng có thông tin, dễ dàng cập nhật các trào lưu hay xu hướng mới trong lĩnh vực nghệ thuật. Nhưng để nổi tiếng thì không dễ vì nó đòi hỏi tài năng. Cơ hội thì có nhiều hơn. Ngay tại Việt Nam, nhiều nhà điêu khắc như: Diệp Minh Châu, Tạ Quang Bạo, Nguyễn Hải... hay trẻ tuổi hơn như Cù Cao Khải, Thái Nhật Minh... cũng đã rất có tên tuổi. Nhưng nổi tiếng ở tầm khu vực hay thế giới thì khó, vì mặt bằng chung, mỹ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng của Việt Nam do hội nhập sau và còn non trẻ, hệ sinh thái để nghệ sĩ hoạt động và nổi tiếng cũng chưa có nhiều. Mặc dù vậy, nỗ lực và thực tài cũng có thể giúp người nghệ sĩ nổi danh.

* “Lấy ngắn nuôi dài” là bình thường

 Nghệ sĩ xoay xở thế nào khi hệ sinh thái cho họ hoạt động còn quá yếu?

- Thường thì nghệ sĩ phải tự xoay xở, tự tìm kiếm nguồn tiền để thực hiện tác phẩm, tự mở triển lãm riêng và tự tìm kiếm các mối quan hệ để hỗ trợ bản thân làm nghề. Thế giới có nhiều nguồn quỹ tài trợ cho các nghệ sĩ trẻ. Nghệ sĩ Việt Nam cũng có thể tìm đến các nguồn quỹ đó nếu đủ tài năng, chịu bỏ công và rành ngoại ngữ.

 Nghệ sĩ điêu khắc nhìn chung đã đủ sống mà không phải lấy ngắn nuôi dài hay chưa?

- Thực tế là chưa. Để nuôi dưỡng nghề nghiệp và đam mê, hầu hết phải chọn làm các nghề khác để ổn định cuộc sống trước mắt. Điều này cũng không xa lạ gì với nghệ sĩ theo đuổi các bộ môn nghệ thuật khác, do đó cũng không nên quá bận tâm về điều này. Có người đi dạy, có người làm tư vấn cho các doanh nghiệp, công ty... và nếu đủ đam mê nghề nghiệp, họ sẽ xoay xở để giữ ngọn lửa sáng tạo riêng cho mình.

 Ông tìm thấy ý nghĩa gì riêng cho mình trong nghề điêu khắc?

- Công việc sáng tạo nào cũng có phần cô đơn, nhưng tôi thích sự cô đơn đó. Tôi làm nghề song song với việc dạy học, nên sáng tác cũng là cách tôi “thị phạm” cho sinh viên. Sáng tác cũng giúp tôi giải tỏa bớt các áp lực trong cuộc sống, đề tài tôi chọn thì đa dạng. Song gần đây tôi quan tâm nhiều hơn đến các đề tài ảnh hưởng đến cuộc sống cộng đồng, như: ô nhiễm môi trường, sự ngột ngạt của đô thị lớn...

Cảm xúc và đề tài đi từ chỗ cá nhân, riêng tư đến những vấn đề chung của cộng đồng, thời cuộc là chuyện dễ thấy ở nhiều nghệ sĩ, bất kể họ thuộc ngành nghề nào. Tác phẩm cũng là cách họ thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ với cuộc sống xung quanh mình một cách tốt nhất có thể. Theo tôi, nghệ sĩ cũng nên có trách nhiệm đó, không nên quá thờ ơ với cuộc sống xung quanh mình.

 Có tìm thấy ngọn lửa nghề nghiệp trong các học trò trẻ?

- Tôi cũng không quá kỳ vọng ở việc phải tìm thấy ngọn lửa đam mê của từng em, lâu lâu có một em theo nghề là vui rồi. Vì tôi hiểu, để sống hoàn toàn ngay từ đầu với nghề điêu khắc là không dễ. Chúng tôi cũng phải chật vật, cũng phải lấy ngắn nuôi dài thì làm sao đòi hỏi các em? Tôi có buồn một chút trong vai trò một giảng viên, nhưng tôi nghĩ mọi chuyện đều có duyên may của nó. Có những em sẽ quay về với điêu khắc khi cuộc sống các em đã ổn định, vào một đoạn đời nào đó và đó là điều rất đáng mừng. Trong khuôn khổ trách nhiệm của mình, chúng tôi chỉ biết cố gắng chuyển tải cho các em hết tất cả những gì mình biết về nghề.

 Xin cảm ơn ông!

Bên cạnh vai trò người thầy, họa sĩ Phạm Công Hoàng đã đoạt nhiều giải thưởng tại các triển lãm mỹ thuật cấp khu vực, tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, vinh dự là người 2 lần liên tiếp được xét chọn trao giải A thể loại mỹ thuật của Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức (lần thứ 3 và 4). Tại đợt xét Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần 3, họa sĩ Phạm Công Hoàng được trao giải A bộ môn mỹ thuật với tác phẩm Hoang tưởng em và tôi; tác phẩm gò nhôm Dòng đời lặng trôi đoạt giải khuyến khích tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2015; bộ 3 tác phẩm gò kim loại: Dòng đời lặng trôi, Điệp khúc Nam Cát Tiên và Nguồn sống được xét trao giải A thể loại mỹ thuật Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần 4...

 

Kim Ngân (thực hiện)

Tin xem nhiều